22/04/2018 11:07
TP.HCM bắt đầu triển khai thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư
Ngày 18/4, Công an TP.HCM bắt đầu triển khai công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua "Phiếu thu thập thông tin dân cư".
Ghi nhận ngày đầu triển khai tại cơ sở, công tác diễn ra thuận lợi, tuy nhiên cũng gặp một số khó khăn.
Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Bộ Công an triển khai là một trong những bước đi cụ thể, quan trọng nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định 896 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020.
Việc thu thập các dữ liệu về dân cư trên 24 quận huyện của TP.HCM sẽ kết thúc vào ngày 18/10. |
Kể từ khi Công an Thành phố tổ chức tập huấn cho Công an các quận, huyện về nội dung này vào ngày 28/3, Công an các cấp phường, xã đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền về nội dung và mục đích của Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (gọi tắt là Đề án 896).
Công an Thành phố cũng phát hàng loạt tờ tuyên truyền và tờ khai để người dân 24 quận, huyện kê khai thông tin Ghi nhận tại địa bàn Phường 19, quận Bình Thạnh, TP.HCM, tổ công tác đã đến từng nhà người dân để thu thập thông tin. Người dân cũng đã chuẩn bị sẵn những giấy tờ liên quan như hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn… để khi cán bộ công an tới làm việc được thuận lợi.
Tuy nhiên, trong quá trình thu thập thông tin, người dân gặp khó khăn trong việc thông tin về nhóm máu của bản thân. Nhiều người dân không biết nhóm máu của mình hoặc có nhớ nhưng không có giấy tờ chứng minh. Bà Nguyễn Thị Kiệm, ngụ chung cư Phạm Viết Chánh, Phường 19, quận Bình Thạnh cho biết, bà cũng nhiều lần khám sức khỏe nhưng không biết về nhóm máu của mình.
Một khó khăn khác mà tổ công tác gặp phải đó là đối với nhiều người lớn tuổi, họ không nhớ rõ ngày, tháng sinh mà chỉ nhớ năm, một số người đã mất giấy khai sinh. Bà Phạm Thị Kim Liên, ngụ Phường 19, quận Bình Thạnh cho hay: “Cả hai vợ chồng tôi đã lớn tuổi và bị thất lạc giấy khai sinh, từ đó đến giờ không có làm lại”.
Bên cạnh đó, trong giấy khai sinh của một số người ghi nguyên quán là tên gọi cũ của địa phương khiến cán bộ “lúng túng” không biết nên ghi trong phiếu là tên địa danh theo giấy khai sinh hay là tên địa danh hành chính hiện nay.
Đại úy Lê Văn Tài, Cảnh sát khu vực, Công an Phường 19, quận Bình Thạnh cho biết, đối với những thông tin chưa rõ, tổ công tác tạm thời để trống và hướng dẫn người dân tới UBND phường để được giải quyết. Trong quá trình triển khai, các tổ công tác sẽ ghi nhận những khó khăn, vướng mắc rồi báo cáo với Ban chỉ đạo Đề án 896 ở quận để có hướng giải quyết.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, với đặc thù ở thành phố cần triển khai đồng bộ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với đề án xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố.
Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng kho dữ liệu dùng chung của thành phố và Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo chiến lược phát triển kinh tế, góp phần đáp ứng mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh của TP.HCM.
“Thu thập cơ sở dữ liệu về dân cư là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong năm 2018” – Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. Dự kiến, công tác thu thập các dữ liệu về dân cư trên toàn địa bàn 24 quận, huyện của TP.HCM sẽ kết thúc vào ngày 18/10. Toàn bộ thông tin dữ liệu cá nhân của người dân sẽ được số hóa lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an và cơ sở dữ liệu dùng chung của TP.HCM.
Advertisement