28/08/2017 01:53
Toyota và câu chuyện 'túi khí nhạy cảm' ở Việt Nam
Toyota Việt Nam vừa thông báo triệu hồi hơn 20.000 xe để khắc phục lỗi trên túi khí Takata. Đây là câu chuyện quốc tế và rất nhiều hãng xe trên thế giới đều phải triệu hồi, tuy nhiên có vẻ như nó nhạy cảm hơn khi đứng cạnh Toyota Việt Nam.
Toyota có vẻ như đang bị “ghét” tại Việt Nam. Khi một chiếc Mazda CX-5 va chạm, lật ngửa, nát đầu, văng cả bánh xe, đơn giản đó là một vụ tai nạn. Cư dân mạng thậm chí còn cho rằng nếu là một chiếc xe khác, tai nạn còn thảm khốc hơn nhiều. Tuy nhiên nếu đó là một chiếc Toyota Fortuner, ngay lập tức hàng ngàn bình luận (comment) tiêu cực như “thánh lật”, hàng loạt câu hỏi liên quan tới túi khí cùng những bình luận dữ dội sẽ được đưa ra.
Điều này có lẽ đến từ việc, trang bị trên các mẫu xe Toyota đều nghèo nàn hơn các mẫu xe khác cùng phân khúc, nhưng mức giá lại không rẻ hơn, thậm chí cao hơn. Tuy nhiên, bất chấp những điều trên, Toyota vẫn là một trong những thương hiệu bán chạy nhất trên thị trường, nhiều mẫu xe của Toyota còn đứng đầu phân khúc. Toyota tại Việt Nam hướng tới những mẫu xe “không có gì để hỏng”, bền bỉ, chi phí sử dụng và bảo dưỡng thấp, cùng giá trị bán lại cao, những giá trị mà nhiều người mua xe đặt lên hàng đầu, thay vì trang bị hay công nghệ.
Trở lại câu chuyện túi khí, trước đây Toyota Việt Nam thậm chí còn bán ra những mẫu xe không được trang bị túi khí, để giảm giá xe xuống mức tốt nhất cho người mua, thường là mua làm xe thương mại. Túi khí dường như không phải là ưu tiên hàng đầu của hãng xe Nhật tại Việt Nam. Có lẽ vì tốc độ di chuyển tại Việt Nam là không nhanh, các va chạm thường là nhẹ và không cần thiết để túi khí phải bung.
Tuy nhiên với người dùng, túi khí của Toyota gần đây là đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Rất nhiều vụ tai nạn, va chạm có sự góp mặt của xe Toyota, đều được “bóc phốt” đầy đủ trên mạng xã hội, những bức ảnh đầu xe tan nát, nhưng túi khí vẫn không bung. Theo cư dân mạng, túi khí của Toyota dường như chỉ lắp cho có, chứ không bung để bảo vệ người trong xe. Thậm chí, nhiều người, kể cả một lãnh đạo trạm đăng kiểm, còn nghi ngờ xe Toyota không được trang bị túi khí, sau khi quan sát bằng mắt thường(!)
Về phía Toyota Việt Nam, công ty này chưa lần nào chính thức lên tiếng trả lời về vấn đề “túi khí khó bung” mà nhiều người dùng thắc mắc.
Túi khí là một sản phẩm công nghệ, được đặt ở các vị trí xác định trên xe, và sẽ bung ra khi gặp va chạm đủ lớn, có thể gây thương vong cho người ngồi bên trong xe. Cụ thể hơn, túi khí nhận lệnh có bung hay không, dựa trên các cảm biến được đặt trên xe. Thường thì, khi hệ thống khung xe bị biến dạng do va chạm, có thể khiến người trong xe bị ảnh hưởng bởi vụ tai nạn, túi khí sẽ bung.
Trước túi khí, có hàng loạt các bộ phận từ cản xe, vỏ xe, và hệ thống khung hấp thụ lực, sẽ hấp thụ xung lực va chạm, và bảo vệ người bên trong xe. Chính vì thế, nhiều chiếc xe hơi bị vò nát phần đầu xe, nhưng vẫn không bung túi khí, đơn giản là vì các bộ phận hấp thụ lực va chạm đã làm tốt nhiệm vụ của mình, khiến cho phần khung cứng chịu lực vẫn chưa bị tác động, và túi khí do đó không cần bung, do các bộ phận khác của xe đã làm tốt nhiệm vụ của mình, đó là bảo vệ hành khách.
Tất nhiên, độ nhạy của túi khí, hay độ nhạy của cảm biến lực va chạm khiến túi khí bung, là do từng hãng xe, từng mẫu xe cài đặt. Đó là lý do có những mẫu xe chỉ cần va chạm nhẹ, túi khí đã bung kín xe, nhưng có những xe, mà điển hình như Toyota tại Việt Nam, va chạm rất mạnh, nhưng túi khí vẫn không chịu bung.
Trên thực tế, an toàn của túi khí khi bung không cần thiết vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Những người ở ngoài xe thường cảm thấy an toàn hơn khi sau vụ va chạm, túi khí được bung. Tuy vậy, những người bên trong xe có thể sẽ bị thương khi túi khí bung. Trong nhiều vụ va chạm, nếu túi khí không bung, người ngồi trong xe vẫn an toàn không hề hấn gì, nhưng lại bị thương vì túi khí bung. Lực bung của túi khí là rất mạnh, nó có thể làm những người trong xe bị thương, thậm chí thương nặng nếu không ngồi ở tư thế chuẩn, cầm vô lăng sai vị trí, hay thậm chí không cài dây an toàn.
Túi khí được sinh ra nhằm mục đích cứu mạng người trong xe, và nó là tấm lá chắn cuối cùng, khi mà các công nghệ an toàn hiện đại, các bộ phận hấp thụ lực va chạm, dây an toàn, trở nên vô dụng vì lực đâm quá mạnh. Khi ấy, túi khí sẽ nổ để giúp người trong xe thoát khỏi nguy cơ tử vong, dù có thế khiến người trong xe bị thương.
Vừa qua, Toyota Việt Nam công bố triệu hồi hơn 20.000 xe để khắc phục lỗi túi khí. Trong đó, có 18.138 xe Vios được sản xuất tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 5/1/2009 đến ngày 29/12/2012 và 1.877 xe Yaris nhập khẩu chính hãng được sản xuất từ ngày 1/9/2009 đến ngày 31/08/2012.
Việc triệu hồi này là câu chuyện quốc tế, và nó không liên quan tới việc túi khí Toyota khó nổ. Tuy vậy, cư dân mạng tiếp tục “cáo buộc” Toyota triệu hồi lần này là để khắc phục lỗi túi khí khó bung, thứ mà Toyota Việt Nam vẫn không thừa nhận.
Thực tế, việc triệu hồi này liên quan tới túi khí Takata, nhà cung cấp túi khí cho rất nhiều các hãng xe hơi trên thị trường. Việc túi khí Takata lỗi đã tạo nên một cuộc khủng hoảng triệu hồi xe hơi trên toàn thế giới, khi hầu hết các hãng xe hơi đều phải triệu hồi để khắc phục lỗi túi khí này. Takata thậm chí đã phải tuyên bố phá sản, vì không đủ tiền khắc phục hậu quả triệu hồi.
Takata bắt đầu cung cấp túi khí từ năm 1987, tới trước khi phá sản, hãng này cung cấp túi khí cho 19 nhà chế tạo xe hơi trên thế giới, toàn là những thương hiệu hàng đầu, chiếm khoảng 20% thị phần toàn cầu.
Lỗi túi khí của Takata nằm ở cụm bơm khí, khi túi khí nổ sẽ có thể khiến cụm bơm khí này nứt vỡ và các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng xuyên qua túi khí, làm chấn thương cho hành khách. Trên thế giới, đã có các trường hợp người ngồi trong xe tử vong khi túi khí Takata bung.
Khách quan mà nói, dường như Toyota Việt Nam đang cài đặt chế độ “khó bung” cho túi khí để tiết kiệm chi phí cho khách hàng, điều mà Toyota đặt lên hàng đầu. Tất nhiên trong các trường hợp có thể nguy hại tới tính mạng, túi khí trên xe Toyota vẫn sẽ bung, và việc chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào vì túi khí không bung trên xe Toyota có thể chứng minh phần nào điều này.
Tuy nhiên, có lẽ Toyota Việt Nam nên suy nghĩ lại, khi xu hướng của thị trường xe hơi Việt Nam đang dần thay đổi từ bền và rẻ sang thời trang và công nghệ. Việc liên tục bị bêu tên vì túi khí không bung có lẽ sẽ không tạo nên tiếng tốt cho Toyota trong thời điểm này. Túi khí nhiều khi bung không cần thiết, nhiều lúc có thể gây tổn thương cho hành khách, nhưng sẽ làm người ta cảm thấy yên tâm hơn, cũng là một cách quảng cáo sự an toàn.
Xin nhắc lại, nếu một chiếc xe biến dạng phần đầu xe, nhưng người trong xe vẫn bước ra an toàn, thì việc túi khí không bung là không có gì lạ, bởi các bộ phận phụ trách hấp thụ lực va chạm, đã làm rất tốt việc của mình.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp