26/03/2018 10:35
Toyota triệu hồi xe vì túi khí và câu chuyện “triệu hồi” niềm tin
Toyota vừa thông báo triệu hồi xe vì lỗi cảm biến khiến túi khí có thể không bung khi va chạm, điều này tiếp tục khiến dư luận cảm thấy bất an.
Toyota Corolla Altis sản xuất tại Việt Nam dính lỗi cảm biến túi khí |
Triệu hồi sản phẩm khi dính lỗi là điều bình thường. Nhưng triệu hồi xe Toyota ở Việt Nam, lại liên quan tới vấn đề túi khí, lại bất ngờ “bất thường”, thu hút đông đảo sự chú ý của dư luận cũng như người sử dụng xe. Toyota vốn là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam, xe hơi Toyota giống như xe máy Honda, là hai thứ được nhắc đến đầu tiên, nên sự quan tâm cũng được đẩy lên mức độ cao hơn.
Vấn đề là ở chỗ, trước khi Toyota triệu hồi những chiếc xe của mình tại Việt Nam liên quan đến vấn đề túi khí, hàng loạt vụ tai nạn đã được chia sẻ trên mạng xã hội cũng như truyền thông báo chí. Điểm chung của những vụ tai nạn này là đều được đánh giá là va chạm mạnh, thậm chí nát phần đầu xe, nhưng túi khí “không chịu” bung.
Về phía người sử dụng xe và dư luận, việc túi khí Toyota không bung có vấn đề về kỹ thuật, khi nhiều người cho rằng nếu là một chiếc xe hơi của thương hiệu khác, túi khí chắc chắn sẽ bung nếu xảy ra va chạm tương tự. Thậm chí nhiều người còn cho rằng xe Toyota tại Việt Nam không trang bị túi khí để “tiết kiệm”.
Ở chiều ngược lại, Toyota Việt Nam không đưa ra bất cứ kết luận nào liên quan tới những vụ va chạm mà túi khí không bung. Theo Toyota, túi khí sẽ bung khi va chạm đủ mạnh có thể khiến người trong xe gặp phải thương vong nặng nề. Đây là điều rất khó ước tính và đo đạc. Tạm thời, Toyota “thắng”, khi chưa ghi nhận người tử vong ở các vụ tai nạn với xe Toyota mà túi khí không bung. Tuy nhiên, kẻ thắng đôi khi không phải là kẻ hạnh phúc, người dùng đang tiếp tục phân vân liệu rằng túi khí xe Toyota không bung là do chưa cần thiết, hay có lỗi nào khác trên xe hay không.
Ngày 21/3, Toyota Việt Nam thông báo hai đợt triệu hồi xe liên quan tới túi khí, với tổng số gần 20.000 xe liên quan. Bên cạnh 16.964 xe triệu hồi liên quan tới túi khí Takata vốn không mới, thì đợt triệu hồi thứ hai lại gây nhiều sự quan tâm, khi nó liên quan trực tiếp tới vấn đề túi khí xe Toyota có thể không bung khi va chạm.
Toyota Việt Nam thông báo triệu hồi 2.043 xe Corolla lắp ráp trong nước trong giai đoạn 29/6/2015 đến 16/12/2015, và 1.483 xe nhập khẩu, gồm 1.182 xe Hilux, 1 xe Toyota Prius, 46 xe Lexus NX 200t và 254 xe Lexus RX 350. Số xe nói trên được triệu hồi vì lý do túi khí có thể không bung khi xảy ra tai nạn.
Cụ thể hơn, theo Toyota Việt Nam, do lỗi trong dây chuyền sản xuất, lớp cách điện của chíp xử lý (IC chip) nằm trong cảm biến túi khí có thể bị bong ra sau một thời gian sử dụng gây nên hiện tượng hở mạch điện bên trong của chíp xử lý làm cho cảm biến túi khí phía trước hoặc bên hông không hoạt động đúng chức năng.
Với các xe nằm trong diện ảnh hưởng, khi cảm biến túi khí gặp lỗi này sẽ làm đèn cảnh báo túi khí bật sáng trên bảng điều khiển. Trong trường hợp xe xảy ra va chạm (tai nạn), túi khí có thể không được kích hoạt và làm mất tác dụng của túi khí.
Thực tế, lỗi ở cảm biến túi khí khiến nó có thể không bung khi xảy ra va chạm không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Cuối tháng 1/2018, Toyota New Zealand cũng triệu hồi 3.532 xe gồm Toyota Corolla, Hilux và Lexus NX200t vì lỗi tương tự. Nhiều thương hiệu khác trên thế giới cũng dính lỗi tương tự như Toyota và cũng phải thông báo triệu hồi. Có lẽ vấn đề nằm ở nhà cung cấp cảm biến túi khí cho hàng loạt các hãng xe.
Nhiều thị trường khác cũng triệu hồi xe Toyota vì lỗi cảm biến khiến túi khí có thể không bung |
Tuy nhiên đối với Toyota tại Việt Nam, đợt triệu hồi này tiếp tục khiến người ta quan tâm đặc biệt. Cho dù số lượng triệu hồi xe liên quan tới lỗi cảm biến túi khí là không lớn, nhưng với việc Toyota Việt Nam thừa nhận những xe trong diện triệu hồi có thể không bung túi khí khi xảy ra va chạm, người dùng xe cũng như dư luận có quyền nghi ngờ những mẫu xe khác của Toyota cũng có thể không “chịu” bung túi khí, như những gì đang xảy ra trên đường, mà không phải do lực đâm chưa đủ mạnh, mà có thể do một lỗi kỹ thuật nào đó.
Công bằng mà nói, việc Toyota triệu hồi xe liên quan tới lỗi cảm biến túi khí tại Việt Nam chỉ sau New Zealand gần 2 tháng, chứng tỏ nỗ lực của hãng xe Nhật là đáng kể, trong việc mang tới lợi ích tốt nhất cho người dùng xe tại Việt Nam, cũng như nâng cao uy tín của Toyota Việt Nam. Tuy nhiên, thứ Toyota Việt Nam cần triệu hồi, có lẽ là niềm tin từ phía người sử dụng xe, bên cạnh những lỗi kỹ thuật mà không một mẫu xe hơi nào trên thế giới là không mắc phải.
Ngày Toyota Việt Nam dính bê bối với kỹ sư lắp ráp Lê Văn Tạch năm 2011, Toyota khi đó là “ông trùm” đúng nghĩa trong làng xe hơi Việt, với chưa nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh. Vụ bê bối thời điểm đó khiến Toyota Việt Nam sau đó đã buộc phải công nhận lỗi treo hệ thống cầu trước sai tiêu chuẩn, lỗi giảm lực siết bu lông chân ghế và lỗi lệch áp suất dầu phanh, đã tiến hành triệu hồi và sửa chữa lỗi cho khách hàng. Niềm tin của người dùng vào Toyota khi đó cũng sứt mẻ ít nhiều, tuy nhiên năm 2011 vẫn là thời điểm xe hơi được cho là thứ tài sản có tính thanh khoản cao, và không có mẫu xe nào có thể giữ giá khi bán lại tốt như Toyota, vì vậy hãng xe Nhật vẫn duy trì được phong độ ổn định cho tới nay.
Tuy nhiên năm 2018 có thể sẽ khác. Nếu như Toyota Việt Nam không “triệu hồi” được niềm tin từ phía người dùng, nếu như Toyota thêm một lần triệu hồi xe nữa liên quan tới việc túi khí có thể không bung khi xảy ra va chạm, liên quan tới các mẫu xe khác, có lẽ hãng xe Nhật sẽ gặp vấn đề lớn thực sự. Trong bối cảnh thị trường xe hơi đã rất khác so với năm 2011, khi mà Toyota Corolla Altis lặn ngụp bên dưới phân khúc C và chịu để cho Mazda3 làm mưa làm gió nhiều năm liền, trong khi Toyota Camry cũng không còn là lựa chọn tốt nhất phân khúc D, rõ ràng tiêu chí mua xe hơi của người Việt đã thay đổi, hay nói đúng hơn là đã được “nâng cấp”.
Người Việt giờ mua xe không phải chỉ tiết kiệm, ít hỏng và giữ giá khi bán lại nữa, mà còn là thời trang, phong cách, trang bị công nghệ và tính năng an toàn. An toàn sao được khi người sử dụng xe nhận được kết luận túi khí không bung sau va chạm mà nguyên nhân được cho là đâm chưa đủ lực, nhưng sau đó lại là những thông báo triệu hồi vì túi khi không bung do cảm biến túi khí gặp lỗi?
Toyota giờ bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi Trưởng Hải, với hai thương hiệu đáng chú ý là Kia và Mazda, cùng Hyundai, và sắp tới là cả Vinfast, với những bước tiến mạnh mẽ. Đánh mất niềm tin của người dùng xe cũng như dư luận, rõ ràng Toyota Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề và đều không dễ giải quyết. Nếu mất đi lợi thế “niềm tin” như Toyota vẫn duy trì hàng chục năm qua, thì hãng xe Nhật không có nhiều lợi thế khác tại Việt Nam, bởi so về trang bị, công nghệ hay tính năng mới, xe của Toyota có phần thua kém so với các đối thủ.
Toyota Việt Nam vẫn có thị phần thuộc top dẫn đầu tại Việt Nam, lỗi túi khí không bung cũng không phải do Toyota Việt Nam gây ra, nhưng xử lý như thế nào trước “khủng hoảng niềm tin” đang lan rộng sẽ quyết định tới sự thành bại của hãng xe Nhật trong tương lai, trong bối cảnh thị trường xe hơi Việt Nam đang được coi là "mỏ vàng" và hầu hết các hãng xe hơi trên thế giới đều muốn tiếp cận để khai thác.
Advertisement
Advertisement