06/09/2024 16:30
Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty niêm yết nào có thu nhập cao nhất
FiinGroup vừa công bố Báo cáo “Thu nhập của Tổng giám đốc và Hội đồng Quản trị các công ty đại chúng ở Việt Nam năm 2023 phân tích dữ liệu dựa trên kết quả khảo sát từ 200 công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán Việt Nam do FiinGroup và FiinRatings thực hiện.
Tổng giám đốc KBC có thu nhập cao nhất, trung bình 1,4 tỷ đồng/tháng
FiinGroup cho biết, báo cáo cung cấp những thông tin chi tiết dựa trên số liệu từ 200 công ty đại chúng đại diện 85,6% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn tại thời điểm cuối năm 2023. Các công ty đại chúng này tạo ra doanh thu gần 3,3 triệu tỷ đồng trong năm 2023, chiếm 72% tổng doanh thu thuần của các doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn và tương đương 32% GDP theo giá so sánh của Việt Nam cho cùng năm.
Năm 2023, kinh tế Việt Nam đối mặt với thách thức từ lạm phát và suy giảm nhu cầu xuất khẩu, nhưng vẫn duy trì tăng trưởng nhờ đầu tư nước ngoài và chính sách tiền tệ linh hoạt. Trong bối cảnh đầy biến động này, việc hiểu rõ hơn về cách các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh chiến lược và đãi ngộ cho ban lãnh đạo là vô cùng quan trọng.
Theo báo cáo, thu nhập bình quân của Tổng giám đốc (CEO) ở mức 2,5 tỷ đồng/năm/người trong năm 2023. Trong đó, Bất động sản, Dịch vụ tài chính (chủ yếu là công ty chứng khoán) và Bảo hiểm là những ngành có thu nhập bình quân cho vị trí CEO cao nhất. Xét theo loại hình doanh nghiệp, thu nhập bình quân của CEO tại nhóm doanh nghiệp nhà nước thấp hơn đáng kể so với doanh nghiệp tư nhân, dù hiệu quả hoạt động khá tương đồng.
Một số công ty trong Top 15 doanh nghiệp có mức thu nhập cao nhất có CEO là người nước ngoài bao gồm Masan (MSN), Bất động sản Nam Long (NLG).
Trong khối Top 15 công ty có thu nhập của CEO cao nhất, Tổng giám đốc Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán KBC) dẫn đầu với thu nhập bình quân 17 tỷ đồng/năm. Tổng giám đốc KBC là bà Nguyễn Thị Thu Hương có thu nhập tương đương trung bình thu nhập một tháng là 1,4 tỷ đồng.
Cao thứ hai là thu nhập của Tổng giám đốc Tập đoàn Masan (MSN) Dany Le với 14,7 tỷ đồng/năm, tương đương 1,22 tỷ đồng/tháng.
Đứng ở vị trí thứ ba là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán VHM), thu nhập trung bình 13,9 tỷ đồng/năm, tương đương 1,16 tỷ đồng/tháng. CEO Vinhomes là bà Nguyễn Thu Hằng.
Tiếp đến Tổng giám đốc Nam Long (NLG) có thu nhập 12,9 tỷ đồng/năm, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup (VIC) Nguyễn Việt Quang có thu nhập 11,1 tỷ đồng trong năm 2023, Tổng giám đốc VRE có thu nhập 10,3 tỷ đồng/năm.
Ở khối chứng khoán, Tổng giám đốc HSC (mã chứng khoán HCM) có thu nhập 9,6 tỷ đồng/năm, Tổng giám đốc VNDirect (VND) có thu nhập 7,6 tỷ đồng/năm, Tổng giám đốc SSI có thu nhập 6,3 tỷ đồng/năm…
Theo nghiên cứu của FiinGroup, thu nhập của CEO ở nhóm doanh nghiệp nhà nước chi phối chưa bằng gần một nửa so với nhóm doanh nghiệp tư nhân cho dù hiệu quả hoạt động (thể hiện qua tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu – ROE) khá tương đồng. Điều này xuất phát từ thực tế là vị trí Chủ tịch HĐQT trong các doanh nghiệp nhà nước cũng là các vị trí có tính chất điều hành theo cơ chế hiện nay.
Thu nhập của CEO ở nhóm vốn hóa lớn vượt xa mặt bằng chung, cao hơn khoảng 52% so với mức bình quân toàn thị trường trong năm 2023. Điều này khá hợp lý khi hiệu quả hoạt động ở nhóm Vốn hóa lớn tích cực hơn so với hai nhóm còn lại.
Năm 2023, nhiều ngành với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế cao có tăng trưởng mạnh về thu nhập bình quân của vị trí Tổng giám đốc, bao gồm Dầu khí, dịch vụ tài chính (chủ yếu chứng khoán), bảo hiểm. Ngược lại, trong bối cảnh sức cầu tiêu dùng ở mức thấp, bán lẻ, tài nguyên cơ bản (thép, gỗ…) có kết quả kinh doanh gây “thất vọng” trong năm 2023. Do đó, thu nhập bình quân của vị trí Tổng Giám đốc giảm so với năm 2022.
Chủ tịch HĐQT PNJ thu nhập cao nhất
Về thu nhập của Chủ tịch HĐQT, Báo cáo của FiinGroup chỉ ra mức bình quân cho năm 2023 là 1,7 tỷ đồng/người. Ngân hàng và Dịch vụ tài chính (chủ yếu là công ty chứng khoán) có thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT cao nhất, nhờ đặc thù tham gia điều hành của các lãnh đạo này. Mối tương quan giữa thu nhập và hiệu quả hoạt động rõ ràng hơn khi xét theo quy mô vốn hóa.
Một số doanh nghiệp (bao gồm PNJ, VHM, NLG, NTP, REE…) cao hơn so với phần đông còn lại. Yếu tố này có thể do ngoài việc đây đều là những doanh nghiệp lớn, đầu ngành, vị trí Chủ tịch HĐQT cũng tham gia vào một số công tác điều hành và chia sẻ một số phạm vi công việc của vị trí điều hành như CEO.
Dẫn đầu bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ) với 8,8 tỷ đồng trong năm 2023, tương đương hơn 730 triệu đồng/tháng.
Đứng ở vị trí thứ hai là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank (mã chứng khoán STB) Dương Công Minh có thu nhập 8,6 tỷ đồng trong năm 2023. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (mã chứng khoán SSI) Nguyễn Duy Hưng có thu nhập 7 tỷ đồng, đứng ở vị trí thứ ba.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinhomes có thu nhập 6,4 tỷ đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - mã chứng khoán: TPB) có thu nhập 6,2 tỷ đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank mã chứng khoán SSB) có thu nhập 6 tỷ đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, mã chứng khoán HDB) có thu nhập 5,2 tỷ đồng.
Đối với thu nhập của Thành viên độc lập HĐQT, FiinGroup cho biết có sự chênh lệch lớn giữa các ngành, cao nhất là ở ngành Hàng cá nhân và Ngân hàng, nhưng mức thu nhập trung bình vẫn còn mang tính tượng trưng ở nhiều doanh nghiệp. Xét theo quy mô vốn hóa, thu nhập bình quân của Thành viên độc lập HĐQT cải thiện mạnh ở nhóm vốn hóa nhỏ trong năm 2023 và giảm nhẹ ở nhóm vốn hóa vừa.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp