Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tồn đọng hơn một triệu tỷ đồng ngân quỹ, phải gửi tại NHNN lãi suất 0,8% một năm

Chính sách - Hạ tầng

26/05/2023 16:46

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 26/5, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) cho rằng, có tiền không giải ngân được là thực tế đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực chứ không riêng đầu tư công.

Chúng ta thấy năm 2021-2022 khi quyết toán và báo cáo thì số chuyển nguồn gần 700.000 -800.000 tỷ đồng, tức hơn 1/3 số chi ngân sách nhưng chuyển nguồn, chưa đưa vào nền kinh tế. Cộng với các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản chậm giải ngân.

"Vốn có, tiền có nhưng không phân bổ được, phân bổ rồi lại không giải ngân được. Việc có tiền không tiêu được, chính sách hiện nay không có gì vướng", ông Lâm nhấn mạnh.

Tồn đọng hơn một triệu tỷ đồng ngân quỹ, phải gửi tại NHNN lãi suất 0,8% một năm - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách.

Cũng theo ông Lâm, chính sách hiện nay vướng ở chỗ hơn 200.000 tỷ đồng dành cho cải cách tiền lương, nhưng do chưa cải cách tiền lương nên phải chuyển từ năm nọ sang năm kia, tức nguồn tồn dư mang tính chất chính sách. Phần còn lại đều do quá trình thực thi dẫn tới thực trạng tiền chậm đưa vào nền kinh tế, làm hạn chế tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội.

Xót xa khi ngân quỹ tồn đọng một số tiền lớn, Lâm cho rằng, 1 triệu tỷ đồng chậm đưa vào khiến kinh tế mất đi động lực, trong khi chúng ta vẫn phải đi vay, chịu lãi vay hơn 3 triệu tỷ đồng. Mỗi năm bội chi làm chúng ta cũng phải vay 200.000-300.000 tỷ đồng, trong khi tiền trong két mà không tiêu được.

"Đấy là sự lãng phí. Nhưng không phải cứ đẩy nhanh là cứ tống tiền bằng được, đưa ra phải sử dụng hiệu quả, đưa ra làm thất thoát lãng phí lớn hơn thì còn xót xa hơn. Cho nên không thể nóng vội, lại có giải pháp cực đoan", ông Lân nêu.

Ngoài ra, theo ông Lâm, trong chi tiêu ngân sách cũng cần thận trọng, tuân thủ luật, quy trình thủ tục chứ không thể cắt giảm hết quy trình thủ tục thì lại nảy sinh thất thoát, tiêu cực, lãng phí và hệ quả còn lâu dài hơn.

Phải đơn giản hóa thủ tục, quy trình để rút ngắn thời gian từng bước chuẩn bị hồ sơ, chuẩn bị dự án đầu tư, thanh quyết toán… Mỗi bước rút một chút thủ tục thì thời gian sẽ được đẩy nhanh lên, đơn giản đi.

Tồn đọng hơn một triệu tỷ đồng ngân quỹ, phải gửi tại NHNN lãi suất 0,8% một năm - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Quốc hội có nhiều cố gắng theo hướng này, các luật đang sửa như Đấu Thầu, Giá, Đất đai… đều hướng tới việc tăng cường quản lý nhưng đơn giản hóa, giảm bớt thủ tục rườm rà không cần thiết.

Theo ông Lâm, thực tế chúng ta đang cho thí điểm nhiều cơ chế đặc thù một số địa phương, có khả năng nghiên cứu để hoàn thiện chính sách, luật pháp. Vừa rồi cho triển khai một số công trình trọng điểm quốc gia, như chỉ định thầu, thí điểm và tới đây đánh giá lại, chính sách nào hiệu quả thì luật hóa để sửa luật. Sốt ruột nhưng phải làm từng bước chặt chẽ, hiệu quả.

Thực tế có địa phương giải ngân rất tốt nhưng có nơi lại rất chậm, về vấn đề này ông Lâm cho rằng, do đặc thù mỗi địa phương khác nhau, tính chất mức độ phức tạp khác nhau, liên quan tới triển khai dự án đầu tư công.

Qua kiểm điểm đánh giá, việc này có cả khách quan và chủ quan. Tất nhiên ai cũng muốn nhấn mạnh yếu tố chủ quan, trách nhiệm các cơ quan chức năng trong chuẩn bị vốn đầu tư, thanh quyết toán bàn giao nghiệm thu công trình… thuộc về năng lực quản lý, năng lực triển khai của người trách nhiệm trong từng khâu quy trình, theo Dân trí.

Nhưng cũng có yếu tố khách quan, mỗi địa phương có tính chất đặc thù khác nhau. Địa phương không có tính chất phức tạp, đền bù đơn giản thì triển khai rất nhanh. Nhưng có nơi địa phương "tấc đất tấc vàng", đền bù chỉ sai một li đã khiếu kiện thì quá trình làm phức tạp, khó khăn hơn. Nên khó có thể so sánh sự phức tạp giữa TP.HCM, Hà Nội với một số tỉnh như Sơn La, Điện Biên.

Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Trần Văn Lâm, thực tế, Chính phủ và Bộ Tài chính đã quản lý nợ công, phát hành trái phiếu Chính phủ tốt hơn. Kế hoạch Quốc hội cho phép bội chi 4% và năm 2022 là 4,2-4,3% GDP, nhưng thực tế thực hiện chỉ hơn 3,2% GDP.

Nguyên nhân là chúng ta tăng thu bù cho phần đi vay, tăng thu năm 2022 vượt hơn 400.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Tài chính trong phát hành trái phiếu Chính phủ đã có cân nhắc, tính toán tức là cần dùng tới thì mới đi vay. Điều này giúp chúng ta tiết kiệm chi phí lãi vay, là yếu tố làm giảm tiền vay.

Nhưng cũng có yếu tố cần phải thấy là giảm bội chi, vay ít đi còn do đầu tư xây dựng cơ bản không giải ngân được. Khi không giải ngân được đầu tư thì Bộ Tài chính không đi vay, vì vay về không giải ngân được.

Do đó việc bội chi ngân sách giảm một phần do không giải ngân được dự án đầu tư, một số khoản chi theo kế hoạch không chi được và hệ quả là nền kinh tế mất đi động lực trong giai đoạn sau.

Bên cạnh đó, theo ông Lâm, Nghị quyết của Quốc hội tại các kỳ họp đã nhiều lần đề cập chủ trương giải pháp để đẩy nhanh quá trình giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả. Ví dụ thí điểm tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án chung và thí điểm tại TPHCM. Hay với một số dự án giao thông trọng điểm cho giải phóng mặt bằng không căn cứ vào dự án hiện tại, tức là cho giải phóng cả khu quy hoạch rồi mới đấu thầu sử dụng đất.

Trước đó, tại thảo luận ở tổ sáng 25/5, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị nêu bất cập về tồn đọng ngân quỹ quốc gia. Theo ông, tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng hiện đã vượt hơn 1 triệu tỷ đồng.

"Đây là một vấn đề nhức nhối khi nước ta còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lý tiền sẵn trong túi mà không tiêu được", Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị nói, theo Dân Việt.

Ông ví đây là "cục máu đông" gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế. Bởi tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước lại "đắp chiếu" ở Ngân hàng Nhà nước và không quay lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement