25/10/2023 20:10
Tiền vẫn ồ ạt đổ chảy vào bất động sản
Bộ Xây dựng công bố tình hình nhà ở và thị trường bất động sản quý 3/2023 cho thấy, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản hơn 986 ngàn tỷ đồng tính đến ngày 31/8/2023.
Trong báo cáo thị trường bất động sản quý 3 mới công bố, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 31/8/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng .
Trước đó, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến cuối năm 2022 đạt khoảng 800.000 tỷ đồng. Như vậy, trong 8 tháng đầu năm 2023, các ngân hàng đã bơm thêm gần 186.500 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh bất động sản.
Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm chỉ đạt 5,57%, tương đương quy mô tăng thêm là gần 663.900 tỷ đồng. Như vậy, hơn 28% tổng quy mô tín dụng tăng thêm trong 8 tháng đầu năm được đóng góp bởi lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Hay nói đơn giản, cứ 100 đồng tín dụng tăng thêm trong 8 tháng đầu năm thì có 28 đồng chảy vào hoạt động kinh doanh bất động sản, theo Markettimes.
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở ghi nhận cao nhất với 266.248 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 27% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Tiếp theo là dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê với 132.165 tỷ đồng, chiếm 13%.
Ngoài ra, dư nợ tín dụng của các dự án nhà hàng, khách sạn là 64.211 tỷ đồng; đối với cho vay mua quyền sử dụng đất là 62.701 tỷ đồng; đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 56.571 tỷ đồng; đối với dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng là 53.860 tỷ đồng; đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê là 40.622 tỷ đồng.
Còn lại là dư nợ tín dụng đối với các hoạt động kinh doanh bất động sản khác.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 7/2023, tổng dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tăng gần 5% so với cuối năm 2022 do nhu cầu vay mua nhà của cá nhân giảm mạnh.
Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 7 tháng đầu năm đã tăng trưởng 18,95%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Theo đánh giá, đây là mức tăng trưởng rất cao, gấp hơn 4 lần mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (4,54%).
Ngân hàng Nhà nước cho biết diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng. Các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng tiêu dùng tự sử dụng bất động sản, chiếm 65% tổng dư nợ tín dụng bất động sản, giảm 1,36%. Đây là năm đầu tiên trong 3 năm gần đây xuất hiện xu hướng giảm, như cuối năm 2022 tăng hơn 31%.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết tỷ lệ nợ xấu bất động sản tại thời điểm cuối tháng 7 là 2,58%, tăng 0,11 điểm % so với cuối tháng 6 và tăng mạnh so với mức 1,8% vào cuối tháng 7 năm ngoái.
Sau giai đoạn trầm lắng, thanh khoản nhỏ giọt, thị trường bất động sản đã bắt đầu có ít giao dịch trở lại từ tháng 5, tập trung chủ yếu ở loại hình nhà ở thực. Mặc dù vậy, thị trường được đánh giá vẫn đang hồi phục rất chậm do tâm lý chờ đợi, thận trọng bao trùm.
Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế như giảm lãi suất cho vay; thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có các văn bản chỉ đạo về việc cấp tín dụng với lĩnh vực bất động sản, theo VietStockFinance.
Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, lũy kế đến ngày 31/08, có 17 đợt phát hành công chúng trị giá 16,476 tỷ đồng, chiếm 12.4% tổng giá trị phát hành và 101 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 115,882 tỷ đồng, chiếm 87.6% tổng số. Trong đó, nhóm bất động sản với 46,765 tỷ đồng, chiếm 35.3%.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp