19/06/2024 09:08
Tiền nhàn rỗi tìm hướng đầu tư
Thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục, lãi suất tiền gửi ngân hàng dần tăng trở lại, kênh đầu tư chứng khoán vẫn còn nhiều cơ hội…
Tiền nhàn rỗi tìm hướng đầu tư
Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng gần đây được điều chỉnh tăng sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, mức tăng phổ biến từ 0,3 - 0,5%/năm, nâng mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên bình quân 4,6 - 4,8%/năm, kỳ hạn 1 năm lên bình quân 5,2 - 5,7%/năm.
Lý do lãi suất tiết kiệm tăng là do tiền gửi của người dân và doanh nghiệp suy giảm trong những tháng đầu năm 2024. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 25/3/2024, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2% và tín dụng toàn nền kinh tế tăng gần 1,4%.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định, nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng đến từ 3 yếu tố: lạm phát, tỷ giá và giá vàng. Song mức tăng lãi suất trong 2 tháng qua không nhiều, tạo cảm giác cho người gửi tiết kiệm đỡ thiệt thòi, không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ.
Về lạm phát, bình quân 5 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 4,83%), nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,03% (cùng kỳ tăng 3,55%). Đi cùng với đó là tăng trưởng tín dụng nền kinh tế hồi phục (dù còn chậm, 5 tháng mới đạt 2,41%), khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn, chuẩn bị tốt thanh khoản để đón cầu tín dụng gia tăng.
Lãi suất huy động tăng thường kéo theo lãi suất cho vay tăng. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc giữ mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi là rất quan trọng. Vì thế, lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức thấp, còn lãi suất tiết kiệm chỉ tăng nhẹ.
Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhìn nhận, nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn và phục vụ nhu cầu vay dự kiến sẽ gia tăng. Tuy nhiên, hoạt động cho vay khó có thể đẩy mạnh vì e ngại nợ xấu phát sinh, nên lãi suất huy động sẽ tăng thêm không quá 1%/năm.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5 - 1%/năm, nhưng đà tăng lãi suất huy động sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua về lãi suất tiền gửi trên toàn thị trường.
Ưu tiên kênh chứng khoán và bất động sản
Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM Việt Nam) cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục, sự nhảy vọt của giá vàng trong thời gian qua, hay lãi suất có thể tăng nhẹ trong thời gian tới, các kênh đầu tư này có thể thu hút thêm dòng vốn từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo bà Lệ, với các yếu tố hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn, cùng với nhu cầu đầu tư gia tăng của nhà đầu tư trong nước, đây là một kênh đầu tư hấp dẫn mà nhà đầu tư khó có thể bỏ qua.
“Chúng tôi đánh giá triển vọng của thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng còn lại của năm 2024 nhờ các động lực: kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được kỳ vọng phục hồi nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu cải thiện, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu và tiêu dùng; Chính phủ duy trì môi trường lãi suất thấp, dù lãi suất chính sách có thể tăng nhẹ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI được kỳ vọng tăng trưởng tốt, nhất là với tiềm năng từ ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Ngoài ra, hai động lực khác là chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quyết tâm của Chính phủ và cơ quan quản lý trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới”, CEO UOBAM Việt Nam nói.
Chứng khoán và bất động sản đang được nhiều ý kiến đánh giá cao về cơ hội đầu tư trong trung và dài hạn.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện nay từ 5 - 6%/năm đảm bảo cho nhà đầu tư không quá “thiệt thòi”. Tuy nhiên, bất động sản và chứng khoán đang là những kênh đầu tư đáng chú ý. Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường chứng khoán đã phục hồi khoảng 12% và vẫn có nhiều dấu hiệu tích cực. Trong khi đó, thị trường bất động sản hồi phục ở không ít phân khúc, nhất là bất động sản công nghiệp và chung cư.
CEO AFA Capital, ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ, trong các kênh đầu tư phổ biến hiện nay gồm tiết kiệm, vàng, cổ phiếu, bất động sản, nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng tiền gửi ngân hàng và duy trì kênh cổ phiếu. Riêng đối với vàng, nếu gia tăng tỷ lệ đầu tư trước khi cơn sốt vàng xảy ra thì rất tốt, còn đến thời điểm này cần thận trọng khi giải ngân. Giá vàng trên thế giới vẫn có yếu tố hỗ trợ, nhất là khả năng USD sẽ giảm, nhưng thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước bày tỏ quyết tâm và nỗ lực bình ổn thị trường vàng, giá vàng trong nước theo đó có thể giảm, tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) vào vàng giảm.
TS. Lê Xuân Nghĩa lưu ý, nhà đầu tư nên thận trọng với các kênh đầu tư có dấu hiệu FOMO. Còn bất động sản, dù mới manh nha phục hồi, song lại là kênh đầu tư đáng quan tâm. Bởi lẽ, bất động sản là ngành “đi theo” kinh tế, mà kinh tế đang dần phục hồi đà tăng trưởng. Do đó, nếu đầu tư vào bất động sản thì nên mua lúc này, vì thị trường có triển vọng đi lên sau 1 - 1,5 năm tới.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng có góc nhìn tích cực hơn khi dự báo, thị trường bất động sản có thể hồi phục từ nửa sau năm 2024. Khi kinh tế ổn định và tăng trưởng, bất động sản, chứng khoán thường đi lên, còn vàng thường có xu hướng giảm hoặc đi ngang. Ngược lại, nếu kinh tế khó khăn, nhiều kênh đầu tư “trì trệ”, giá vàng thường tăng do tâm lý của người dân hướng tới tích trữ, dự phòng bằng vàng.
Riêng với USD, theo đánh giá của các nhà phân tích tài chính - kinh tế, đồng bạc xanh có thể nằm trong xu hướng giảm từ nay đến năm 2027 và Ngân hàng Nhà nước có nhiều biện pháp để ổn định giá trị VND. Vì vậy, đầu tư vào USD không phải là lựa chọn tốt.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp