22/07/2019 14:13
Tiền ảo Libra vấp phải làn sóng phản đối của các Thượng nghị sĩ Mỹ
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Martha McSally thuộc bang Arizona tuyên bố cứng rắn: "Tôi không tin tưởng các bạn (Facebook)".
Dự án tiền ảo Libra của Facebook đã có khởi đầu không mấy suôn sẻ. Sau khi ra mắt vào tháng 6, Quốc hội Mỹ đã lập tức yêu cầu đại diện Facebook đến buổi điều trần để giải thích rõ hơn về dự án này.
Trong buổi điều trần vừa kết thúc cách đây vài ngày, ông David Marcus, người đứng đầu những dự án blockchain tại Facebook phải trả lời rất nhiều câu hỏi từ phía Ủy ban Ngân hàng thuộc Hạ viện Mỹ. Những nghị sĩ tham gia buổi điều trần tỏ thái độ không mấy tích cực với Facebook.
"Giống như một đứa trẻ có một hộp diêm, Facebook đã đốt cháy cả ngôi nhà hết lần này hết lần khác nhưng lại gọi đấy là học hỏi. Sẽ thật là điên rồ nếu như cho họ cơ hội thử nghiệm với tài khoản ngân hàng của mọi người, và những công cụ mạnh mẽ mà họ không biết sử dụng như chính sách tiền tệ, để hủy hoại những người Mỹ làm ăn chân chính muốn lo cho gia đình", ông Sherrod Brown, người phụ trách buổi điều trần chia sẻ.
Lo ngại bảo mật dữ liệu người dùng
Ông David Marcus đã trình bày về kế hoạch chi tiết của Facebook và tổ chức quản lý đồng tiền Libra (Libra Association) để đảm bảo đồng tiền này đáp ứng các quy định về tài chính. "Tại Mỹ, chúng tôi sẽ đảm bảo quy định của nhiều cơ quan quản lý", ông Marcus cho biết.
Nhiều thượng nghị sĩ cũng đề cập đến lo ngại về dữ liệu cá nhân người dùng. Facebook trước đó cho biết Calibra là thực thể độc lập tại Facebook, với nhiệm vụ phát triển ví điện tử và các sản phẩm khác sử dụng Libra. Họ khẳng định Calibra sẽ không chia sẻ dữ liệu tài chính người dùng với Facebook, trừ trường hợp như hạn chế lừa đảo. Hai bên sẽ chỉ chia sẻ thông tin nếu người dùng đồng ý.
Ông David Marcus, người đứng đầu dự án blockchain của Facebook có mặt trước Quốc hội Mỹ để trả lời các câu hỏi về dự án Libra. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên những lời hứa hẹn của Facebook không thuyết phục được các vị nghị sĩ, nhất là với hồ sơ nhiều lần sai phạm về dữ liệu người dùng trong vài năm qua. "Tôi không cảm thấy an tâm với phát ngôn của ông", Thượng nghị sĩ Tina Smith nói.
Khi được hỏi liệu Facebook có hỏi ý kiến người dùng để kiếm tiền từ dữ liệu tài chính của họ, như cách mạng xã hội này đang làm với các dữ liệu khác, Marcus cho biết ông "chưa nghĩ được lý do nào để làm việc đó bây giờ".
Việc trụ sở của Libra Association đặt tại Thụy Sĩ cũng khiến các nhà làm luật Mỹ nghi ngờ. Marcus khẳng định quyết định này không nhằm trốn thuế hay né các nghĩa vụ tại Mỹ. "Chúng tôi cho rằng một đồng tiền số, mang bản chất toàn cầu và được sử dụng bởi người dân trên khắp thế giới sẽ hưởng lợi từ việc đặt trụ sở ở nơi có nhiều tổ chức quốc tế", ông giải thích. Marcus cũng cam kết Calibra sẽ tuân thủ các quy định tài chính bang và liên bang.
Sự nghi ngại của giới chức Mỹ cho thấy thách thức lớn mà Facebook đang phải đối mặt. Dù vậy, họ đến nay vẫn giữ kế hoạch ra mắt Libra đầu năm sau.
Facebook đánh mất niềm tin của thuợng viện Mỹ
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Martha McSally thuộc bang Arizona tuyên bố cứng rắn: "Tôi không tin tưởng các bạn. Trong quá khứ, các bạn đã vi phạm quyền riêng tư (của người dùng)... nhưng rồi bạn lại tung ra một sản phẩm mới và tuyên bố rằng quyền riêng tư sẽ được bảo vệ. Làm thế nào để người dùng tin rằng sự riêng tư của họ sẽ không bị xâm phạm trái phép?".
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Kennedy thuộc bang Louisiana lại xoay quanh việc Facebook đã không hành động mạnh mẽ để ngăn chặn việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ông nói: "Tôi rất tôn trọng Facebook nhưng Facebook hiện đang muốn kiểm soát nguồn cung tiền tệ. Hệ lụy tồi tệ nào có thể xảy đến?".
Phía đảng Dân chủ - Thượng nghị sĩ Sherrod Brown cho rằng Facebook thật "ảo tưởng" khi nghĩ rằng mọi người sẽ tin tưởng, trao tiền cho mạng xã hội này. Thành viên Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ chỉ trích: "Hết bê bối này đến bê bối khác, Facebook đã cho thấy họ không xứng đáng với niềm tin của chúng ta. Thật điên rồ nếu chúng ta trao cho họ cơ hội thử nghiệm với những người có tài khoản ngân hàng".
Trong những ý kiến nhận định tích cực về đồng tiền số Libra, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Idaho - ông Mike Crapothừa nhận: "Mặc dù vẫn còn các yếu tố không chắc chắn, nhưng những mục tiêu mà Facebook hướng tới đối với hệ thống thanh toán quốc tế là rất đáng khen ngợi.
Nếu được thực hiện đúng, Libra có thể mang lại nhiều lợi ích vật chất như mở rộng khả năng truy cập hệ thống tài chính cho những người không có tài khoản ngân hàng, cung cấp phương thức thanh toán rẻ hơn và nhanh chóng hơn".
Dự kiến ra mắt vào nửa đầu năm 2020, đồng Libra được Facebook thiết kế để trở thành công cụ hỗ trợ rổ tiền tệ quốc tế, tránh sự biến động mạnh của bitcoin và đồng tiền ảo khác.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp