23/07/2019 06:26
Tiền ảo Libra có cơ hội được Chính phủ cấp phép cao hơn Bitcoin
Các nhà phân tích cho rằng đồng Libra là một lựa chọn tốt hơn Bitcoin, vì Libra có thể tận dụng lợi thế “mạng xã hội” sẵn có của Facebook.
Sự vượt trội của Libra
Về mặt kỹ thuật, đồng Libra vẫn vận hành bằng công nghệ blockchain, nhưng có một số cải tiến để vượt qua các hạn chế về quy mô và hiệu suất để phù hợp với vị thế của một đồng tiền quốc tế.
Hệ thống“proof-of-work”, nền tảng của nhiều tiền ảo hiện nay, sớm mắc phải hạn chế về số lượng giao dịch có thể kiểm chứng mỗi phút, đồng thời tiêu thụ quá nhiều điện năng để vận hành.
Để có thể được sử dụng bởi hàng tỉ người dùng trên thế giới, nhóm phát triển Libra đã sáng lập ra ngôn ngữ lập trình mới (Move), cùng với hệ thống kiểm chứng LibraBFT, nhằm tăng tốc độ kiểm chứng và tối ưu hiệu suất.
Tuy nhiên, nếu như Bitcoin sở hữu tính năng “permissionless”, nghĩa là bất cứ ai cũng có thể tham gia quá trình kiểm chứng giao dịch và nhận thưởng coin, thì blockchain của Libra dựa vào một hệ thống các nhà kiểm chứng là các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, lớn. Điều này đi ngược lại với quy tắc “phi tập trung” vốn là nguyên nhân ban đầu người ta thích tiền ảo.
Dù Facebook có dự kiến đẩy mạnh tính phi tập trung của Libra sau 5 năm, công nghệ hiện nay chưa cho phép Libra làm điều này (như thừa nhận trong white paper của Libra). Đồng thời, không có gì đảm bảo rằng sự đánh đổi giữa “tốc độ” và tính “phi tập trung” có thể được giải quyết trong tương lai.
Trước khi nói về Libra, chúng ta hãy nói lại về một hạn chế của Bitcoin: giá trị của nó quá biến động. Vì sao giá trị Bitcoin lại biến động? Vì Bitcoin không được đảm bảo bằng bất cứ thứ gì, nên giá trị Bitcoin phụ thuộc hoàn toàn vào kỳ vọng.
Hầu hết các đồng tiền trong lịch sử đều được đảm bảo bởi tài sản gì đó của người tạo ra đồng tiền. Hai đồng tiền nổi tiếng trong lịch sử, vàng và bạc, có giá trị nhờ vào tính bền vững, quý hiếm, và giá trị trang trí. Hoá đơn tín dụng được phát hành bởi chính phủ thuộc địa Mỹ trước 1750 được đảm bảo bằng thuế hoặc vàng.
Ngay cả trong Thời kỳ Ngân hàng Tự do của Mỹ trong thế kỉ 19, lúc mà hàng nghìn ngân hàng tư nhân khắp nước Mỹ in ra đồng tiền của họ, các đồng tiền tư nhân này cũng phải được đảm bảo bằng vàng chứa trong kho của các ngân hàng. Tiền giấy (fiat money) không được đảm bảo bởi tài sản nào, nhưng có thể được dùng để đóng thuế cho Nhà nước, nên cũng xem như được đảm bảo bằng hàng hoá (mà chính phủ có trong tương lai).
Libra là đồng tiền ổn định, trái ngược với Bitcoin
Một trong những nguyên nhân khiến Bitcoin phổ biến là khái niệm “phi tập trung”, rằng giá trị của Bitcoin không phụ thuộc vào chính sách của bất cứ chính phủ nào. Bằng cách chọn việc giữ ổn định tỉ giá, đồng Libra đã “đầu hàng” một đặc điểm quan trọng của tiền ảo.
Để dễ hiểu, hãy thử nghĩ rất đơn giản. Giả sử chính phủ Mỹ đặt nguồn cung tiền là 1 triệu USD. Giả sử Quỹ Libra muốn có thể tự chọn nguồn cung Libra tuỳ thích, thì phải chấp nhận việc tỉ giá quy đổi Libra – USD sẽ biến động. Giả sử Quỹ Libra muốn cố định số Libra là 1 triệu Libra, thì tỉ giá sẽ giữ vững ở mức 1 USD đổi 1 Libra. Nếu chính phủ Mỹ mở rộng tiền tệ và tăng gấp đôi nguồn cung tiền, nếu không có thay đổi nào khác, tỉ giá sẽ trở thành 2 USD đổi 1 Libra.
Ngược lại, nếu Quỹ Libra muốn theo đuổi chính sách “cố định tỉ giá”, thì nguồn cung Libra phải thay đổi theo nguồn cung USD. Để giữ tỉ lệ quy đổi 1:1, nếu nguồn cung USD tăng gấp đôi, thì nguồn cung Libra cũng phải tăng gấp đôi, và ngược lại.
Đây là quy tắc “bộ ba bất khả thi” nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính quốc tế. Cách thức hoạt động của Quỹ Libra là tương đồng với một ngân hàng trung ương của một nước theo tỉ giá cố định. Trong nền kinh tế khép kín, ngân hàng trung ương có thể quyết định “chính sách tiền tệ” (điều động lãi suất) bằng việc mua bán ngân phiếu với các ngân hàng lớn.
Trong một nền kinh tế mở với dòng chảy vốn tự do, ngân hàng trung ương phải chọn một trong hai giữa “tỉ giá cố định” và “chính sách tiền tệ”. Nếu ngân hàng trung ương buôn bán tiền thoải mái để đạt được lãi suất nội địa mong muốn, thì tỉ giá giữa hai nước sẽ thay đổi để tái cân bằng. Nếu muốn có tỉ giá cố định, thì chính sách tiền tệ phải bị ràng buộc vì việc mua bán đồng tiền của mình phải được dùng để bảo vệ tỉ giá, không phải để điều động lãi suất.
Libra có khả năng được công nhận cao hơn Bitcoin
Việc Libra bảo toàn quyền hành tiền tệ trong tay các Chính phủ là tốt hay xấu tuỳ thuộc vào quan điểm của bạn về tiền ảo, cũng như trường hợp cụ thể của từng quốc gia.
Nếu bạn tin rằng chính sách tiền tệ là vô dụng, hoặc sống tại những quốc gia mà chính sách tiền tệ rất tệ hại, với chính phủ in tiền vô tội vạ để chi tiêu, dẫn đến siêu lạm phát (như Venezuela hiện nay, Zimbabwe thập kỉ trước, hoặc Argentina trước 2001), thì việc có một đồng tiền giữ vững được giá trị như USD, Bitcoin, hay Libra là rất hữu ích.
Tuy nhiên, tại hầu hết các quốc gia, nơi mà chính sách tiền tệ độc lập và có thể sử dụng để tránh khủng hoảng nặng nề, thì việc sử dụng Bitcoin (với nguồn cung cố định) là một ý tưởng sai lầm.
Một ví dụ điển hình về tác hại của việc bỏ đi quyền hành tiền tệ là vào cuộc Đại Suy Thoái của Mỹ vào những năm 1930s. Thời điểm này, nước Mỹ vẫn đang theo Tiêu chuẩn Vàng, nghĩa là cố định tỉ giá quy đổi giữa đồng USD và vàng. Lúc Mỹ bắt đầu vào khủng hoảng, thay vì mở rộng tiền tệ để kích cầu, Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ đã tăng lãi suất (để giữ tỉ giá với vàng), khiến cuộc khủng hoảng mở rộng và kéo dài nghiêm trọng.
Do đó, nhiều người không tin rằng Bitcoin sẽ được các chính phủ cho phép hoạt động, vì điều đó đồng nghĩa với việc từ bỏ chính sách tiền tệ, mang lại hậu quả khôn lường. Với đồng Libra, mọi chuyện rất khác.
Mặc dù Facebook chỉ giới thiệu tính chất giá trị ổn định của Libra để tạo sự an tâm trong người dùng, điều này còn có một hàm ý khác: giữ vững tỉ giá với rổ tiền tệ khác nghĩa là quyền hành tiền tệ vẫn nằm trong tay các chính phủ lớn. Điều này sẽ khiến đồng Libra có cơ hội được tồn tại cao hơn so với Bitcoin
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp