18/02/2021 14:34
Thủ tướng yêu cầu không để phát triển ồ ạt điện mặt trời
Việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát đang khiến hệ thống lưới điện quá tải khiến Bộ Công Thương dịp Tết vừa qua phải chỉ đạo khẩn cấp.
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến điện mặt trời mái nhà, đạt khoảng trên 62.000 MW. Trong đó, công suất các nguồn điện mặt trời trên mặt đất đạt 8.838 MW; công suất nguồn điện mặt trời trên mái nhà khoảng 8.000 MW.
Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện. Đặc biệt lượng điện quá tải vào tháng 12/2020, gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là do đại dịch COVID-19 đã tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm.
Cụ thể, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện quốc gia chỉ đạt khoảng 245,9 tỷ kWh, tăng khoảng 2,7% so với năm 2019 và giảm 15,6 tỷ kwh so với kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia, được Bộ Công Thương phê duyệt vào cuối năm 2019.
Do vậy, ngay từ tháng đầu năm 2021, EVN đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời, cũng như nguồn điện năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia. Và điều này được cho là gây lãng phí nguồn lực xã hội và tâm lý lo lắng, bức xúc của nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo.
Đã có nhiều phản ánh về phương án EVN dự kiến cắt giảm phát nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2021.
Để đảm bảo việc phát triển điện mặt trời theo đúng quy định và phát huy hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố, EVN... khẩn trương rà soát tổng thể việc triển khai các dự án điện mặt trời mặt đất và điện mặt trời mái nhà hiện nay. Yêu cầu hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện theo đúng cơ chế, quy định đã được ban hành.
Bộ Công Thương phải nghiên cứu, xử lý ngay các vấn đề phát sinh chưa lường hết trong phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà thời gian qua, không để xảy ra các hậu quả xấu.
Cùng với đó, Bộ Công Thương phải kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà tại các địa phương, các công ty điện lực thời gian vừa qua. Chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm nếu có, nhất là các hành vi trục lợi chính sách trong triển khai điện mặt trời áp mái thời gian qua.
Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý có hiệu quả tốt nhất đối với nguồn năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời, không để xảy ra việc có sơ hở trong các cơ chế, chính sách ban hành; chỉ đạo xây dựng và thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tối đa việc cắt giảm nguồn điện năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành, hạn chếthiệt hại kinh tế của nhà đầu tư và lãng phí nguồn năng lượng tái tạo của đất nước.
Bộ Công Thương cũng chịu trách nhiệm rà soát tổng thể các nguồn điện đang triển khai, cân đối cung - cầu điện giai đoạn tới, để quản lý quy hoạch tốt nhất; hoàn thiện các thủ tục, trình Thủ tướng Đề án Quy hoạch điện VIII đúng tiến độ quy định.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm theo đúng quy định pháp luật về phát triển điện mặt trời; không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời theo phong trào, thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện và hậu quả xấu sau này.
Theo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6/4/2020, về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, giá mua điện mặt trời mái nhà với dự án vận hành giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết 31/12/2020, là 8,38 cent một kWh, kéo dài trong 20 năm. Đây là mức giá rất cao, khiến điện mặt trời mái nhà phát triển ồ ạt.
Theo EVN, đến hết ngày 31/12/2020, cả nước có đến 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện, với công suất lắp đặt lên tới gần 9.296 MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ điện mặt trời mái nha đã đạt hơn 1,15 tỷ kWh.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, nhận xét: Chỉ chưa tới 1 năm, chương trình phát triển điện mặt trời mái nhà cả giai đoạn 2019-2025 đã vượt chỉ tiêu 1.000 MWp. Đến hết tháng 12/2020 đã vượt chỉ tiêu 100.000 hệ thống được lắp đặt, với tổng công suất hoà lưới là gần 9.300 MWp.
Mới đây, ngày 9/2, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo hỏa tốc về vấn đề cấp bách trong vận hành và bảo đảm an toàn hệ thống điện, liên quan đến điện mặt trời quá tải hệ thống.
Văn bản nêu rõ trường hợp điện dư thừa công suất đang phát lên hệ thống so với phụ tải tiêu thụ là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống điện.
Đặc biệt, vào các ngày nghỉ Tết nguyên đán Tân Sửu, công suất phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa được dự báo có thể xuống chỉ còn khoảng 13.000 -15.000 MW. Trong khi chỉ riêng tổng công suất của nguồn điện mặt trời đã cao hơn cả công suất phụ tải thấp điểm trưa của ngày Tết.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp