19/05/2023 09:10
Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi các khoản đầu tư mới vào sản xuất chip
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 18/5 đã có cuộc gặp với lãnh đạo một loạt công ty công nghệ lớn trên thế giới trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến khai mạc vào hôm nay (19/5).
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp lãnh đạo các công ty Intel Corp, Micron Technology Inc, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), IBM Corp, Applied Materials, Samsung Electronics..., Thủ tướng Kishida bày tỏ đánh giá cao "chính sách tích cực" của các công ty về đầu tư vào Nhật Bản, đồng thời kêu gọi các khoản đầu tư mới.
Ông khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ thúc đẩy mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nhật Bản, qua đó nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm chip, góp phần đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với loại linh kiện này.
Các giám đốc điều hành từ Micron đến TSMC nói với Thủ tướng Kishida rằng họ sẽ xem xét đầu tư thêm vào Nhật Bản, tùy thuộc vào các ưu đãi tài chính được đưa ra và nhu cầu của khách hàng, theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura.
Giám đốc Tập đoàn Intel Patrick Gelsinger và Chủ tịch TSMC Mark Liu đã tham dự cuộc họp cùng với các giám đốc điều hành của Micron, Samsung, IBM và nhà sản xuất thiết bị chip Applied Materials Inc.
Ông Nishimura nói với các phóng viên sau cuộc họp rằng cơ sở sản xuất của Nhật Bản trải dài từ hóa chất đến thiết bị chip là một sức hút lớn đối với các nhà sản xuất chip. Ông nói: "Nhật Bản có tiềm năng lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn".
Nhật Bản đang nỗ lực đưa công nghệ sản xuất chip tiên tiến hơn về nước khi căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng làm dấy lên lo ngại về sự phụ thuộc vào Đài Loan.
Các công ty Nhật Bản tiếp tục kiểm soát các bước quan trọng trong chuỗi cung ứng chip, thì những nỗ lực của nước này vẫn chưa đạt được các khoản trợ cấp do Mỹ đưa ra.
Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho kế hoạch đầu tư lên tới 500 tỷ Yên (3,6 tỷ USD) của Micron để chế tạo chip bộ nhớ thế hệ tiếp theo tại cơ sở DRAM hiện tại ở Hiroshima. Ông Nishimura từ chối nêu rõ số tiền. Micron dự kiến sẽ nhận được khoảng 1,5 tỷ USD từ Nhật Bản, theo Bloomberg.
Khoản đầu tư của Micron sẽ giúp hãng lắp đặt thiết bị sản xuất chip EUV tiên tiến từ ASML Holding NV để chế tạo thứ mà nhà sản xuất bộ nhớ của Mỹ gọi là sản xuất một gamma, một công nghệ tiên tiến hơn được lên kế hoạch ra mắt vào cuối năm 2024.
"Mối quan hệ đối tác one-gamma mang tính đột phá giữa Micron và Nhật Bản sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của hai quốc gia chúng ta và giúp chuỗi cung ứng chất bán dẫn của chúng ta ít bị tổn thương hơn trước sự gián đoạn và áp bức kinh tế", Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết.
Ông Nishimura cho biết Intel đang tìm cách hợp tác với các nhà sản xuất vật liệu địa phương để thúc đẩy phát triển bền vững, trong khi IBM đang tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực điện toán lượng tử. Các quan chức cho biết thêm, Samsung đang xem xét xây dựng một địa điểm nghiên cứu tại Nhật Bản để khám phá các công nghệ đóng gói tiên tiến.
Chính phủ Nhật Bản đã chi hàng tỷ USD để khuyến khích TSMC tăng thêm năng lực sản xuất trong nước và tài trợ cho liên doanh chip Rapidus Corp. của riêng họ, với tham vọng sản xuất chip 2 nanomet vào năm 2027. Thỏa thuận Micron sẽ mang lại thiết bị EUV của Hà Lan lần đầu tiên đến Nhật Bản, một bước tiến tới sản xuất hàng đầu mà chính phủ đã tìm kiếm.
Ông Masoud Mirgoli, phó chủ tịch điều hành của imec, nhà phát triển công nghệ kỹ thuật số và điện tử nano của Bỉ, cho biết nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang già đi nhanh chóng, làm phát sinh các ứng dụng chip và AI mới để đáp ứng nhu cầu về dược phẩm và khoa học đời sống.
Tổ chức của ông cũng có kế hoạch xây dựng một địa điểm nghiên cứu ở Nhật Bản và hợp tác với Rapidus, Mirgoli cho biết. Ông nói, mỗi quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới đều cần có một kế hoạch về chất bán dẫn".
Tháng 4/2023, Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp ba doanh số bán hàng tại các công ty sản xuất chất bán dẫn, linh kiện và vật liệu ở Nhật Bản lên 15.000 tỷ yên vào năm 2030 thông qua tăng vốn đầu tư.
Trước đó, ngày 25/4, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết chính phủ nước này sẽ trợ cấp thêm 260 tỷ yen (khoảng 1,9 tỷ USD) cho công ty sản xuất chip Rapidus để xây dựng một nhà máy mới ở hòn đảo miền Bắc Hokkaido nhằm thúc đẩy sản xuất chip trong nước.
Chính phủ Nhật Bản đã công bố khoản trợ cấp 70 tỷ yen cho Rapidus vì mục đích phát triển, nâng tổng số tiền hỗ trợ của chính phủ cho công ty này lên 330 tỷ yen.
Rapidus có kế hoạch thiết lập dây chuyền sản xuất thử nghiệm vào năm 2025 và bắt đầu hợp tác với Tập đoàn công nghệ IBM (Mỹ) để sản xuất hàng loạt chất bán dẫn tiên tiến vào năm 2027.
Các chip có độ dài 2 nanomet tiên tiến nhất sắp được sản xuất đặc biệt quan trọng đối với các ngành công nghiệp thế hệ mới như sản xuất ôtô tự lái và trí tuệ nhân tạo.
(Nguồn: Bloomberg)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement