08/09/2017 09:26
Thử bom H: Bàn cờ thay đổi, Triều Tiên có nguy hiểm hơn?
Ngày 3/9, Triều Tiên lần đầu tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (tức bom H) có thể gắn lên tên lửa với sức công phá ước tính gấp 10 lần quả bom Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.
Động thái bước qua "lằn ranh đỏ" này lập tức làm xôn xao cộng đồng quốc tế với những nghi vấn về năng lực thực sự của Triều Tiên, tương lai của chương trình hạt nhân, tên lửa mà nước này theo đuổi cũng như tác động đối với chính trị quốc tế.
Để làm rõ vấn đề này, Zing.vn đã có cuộc trao đổi bàn tròn với các chuyên gia hàng đầu đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Australia. Đó là: ông Alan D. Romberg, chuyên gia về Đông Á với nhiều năm kinh nghiệm tại Bộ Ngoại giao Mỹ; tiến sĩ Go Myong-Hyon, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, Hàn Quốc; phó giáo sư Thành Hiểu Hà, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Đại học Nhân dân, Trung Quốc; và tiến sĩ Peter Hayes, giám đốc Viện An ninh và Bền vững Nautilus, Australia.
- Vụ thử hạt nhân mới đây nhất của Triều Tiên nói lên điều gì về năng lực của nước này?
Alan D. Romberg: Không còn nghi ngờ gì nữa, vụ thử hạt nhân lần 6 cho thấy Triều Tiên đã phát triển được thứ vũ khí hạt nhân mạnh hơn nhiều. Cho dù đó có phải là bom nhiệt hạch như hầu hết mọi người tin hay không, thì sức công phá lớn của nó là rất rõ ràng.
Peter Hayes: Ủy ban trù bị cho Tổ chức Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBTO, trụ sở tại Áo - PV) ước tính sức mạnh của vụ nổ vào khoảng 60 kiloton, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đưa ra con số cao hơn: 125 kiloton. Song dù thế nào, đây đều là mức thấp nếu so với những vụ thử bom H đầu tiên của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác. Điều này cho thấy nếu đây thực sự là một vụ thử bom H, tức bom có cấu trúc 3 tầng phân hạch - nhiệt hạch - phân hạch, thì Triều Tiên đã thất bại.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng tuyên bố rằng họ thử một quả bom H có cấu trúc 2 tầng, cho thấy đây có thể là một loại vũ khí phân hạch (bom hạt nhân hay bom A) được khuếch đại bởi quá trình nhiệt hạch (nguyên lý tạo ra bom H). Điều này có nghĩa là họ đã có thể sử dụng ít nguyên liệu hơn để cho đầu đạn và thu nhỏ được đầu đạn để gắn vào tên lửa. Họ cũng có thể dùng sức mạnh khủng khiếp của vụ nổ để che đi sự thiếu chính xác của tên lửa.
Vụ thử cho thấy mục đích của Triều Tiên với chương trình hạt nhân rõ ràng không chỉ dừng lại ở mức độ ngăn chặn, mà là xây dựng năng lực chiến lược như các cường quốc.
Chuyên gia Go Myong-Hyun, Hàn Quốc
Go Myong-Hyun: Triều Tiên dường như đã chạm đến cột mốc quan trọng trong công nghệ chế tạo bom H. Thậm chí nếu không phải như vậy, Triều Tiên cũng đang trên đường tiến tới năng lực này và có lẽ sẽ sớm thôi. Điều này có nghĩa là ICBM mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên sẽ có thể nguy hiểm hơn vì sức công phá của nó giờ sẽ lớn hơn chỉ với một lệnh điều chỉnh. Vụ thử cũng cho thấy mục đích của Triều Tiên với chương trình hạt nhân rõ ràng không chỉ dừng lại ở mức độ ngăn chặn, mà là xây dựng năng lực chiến lược như các cường quốc.
- Liệu có phải Triều Tiên đã trở nên nguy hiểm hơn?
Thành Hiểu Hà: Triều Tiên vẫn chưa trở thành quốc gia hạt nhân mà đang bước vào giai đoạn kết hợp năng lực của bom hạt nhân và hệ thống tên lửa. Nhưng tình huống hiện nay đã nguy hiểm hơn trước. Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vừa phóng thử và vụ thử hạt nhân mới đây cho thấy Triều Tiên sẽ quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa bằng bất cứ giá nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Alan D. Romberg: Triều Tiên thực sự nguy hiểm hơn trước đây. Chúng ta không biết Bình Nhưỡng có thể gắn đầu đạn hạt nhân lên một ICBM và phóng nó đi hay không, nhưng nếu lúc này Triều Tiên chưa thể làm như vậy thì trong tương lai, nước này cũng sẽ sở hữu năng lực đó.
Peter Hayes: Tôi cho rằng sau tất cả, vụ thử không tạo ra nhiều khác biệt mà chỉ đơn giản chỉ là đánh bom một nơi đã bị san bằng hết trước đó. Tuy nhiên, sự kiện cho thấy rằng Triều Tiên đang quyết tâm hoàn thành mục tiêu có được kho vũ khí hạt nhân đủ sức mạnh, dù họ phải mất thêm nhiều năm và nhiều vụ thử nữa để có được khả năng này.
- Nếu như tuyên bố thử thành công bom H của Triều Tiên là chính xác, thì đây có phải là bước ngoặt làm thay đổi cuộc chơi không?
Alan D. Romberg: Tôi không nghĩ đó là bước ngoặt làm thay đổi ván cờ theo nghĩa bất cứ động thái gây hấn nào của Triều Tiên sẽ bị đáp trả dữ dội. Tất nhiên, nếu Bình Nhưỡng sở hữu kho hạt nhân lớn với bom H có thể phóng đi thì tình hình sẽ bị ảnh hưởng phần nào. Với việc Triều Tiên tiếp tục hành xử như hiện nay, nguy cơ nước này bị tấn công bằng vũ lực cũng tăng lên.
Dù vậy, do nhận thức được hậu quả khủng khiếp nếu để xảy ra chiến tranh với một Triều Tiên sở hữu kho hạt nhân, Washington, Seoul, Tokyo, thậm chí cả Trung Quốc, Nga đều sẽ hướng tới điều cấp bách là không để cho nó xảy ra.
Peter Hayes: Tôi không nghĩ vậy vì cơ bản bom nguyên tử (tức bom A, có sức công phá nhẹ hơn bom H - PV) là đã hoàn toàn đủ để một quốc gia hạt nhân nhỏ gây ra tổn thất lớn cho bất kỳ kẻ thù nào, thậm chí cả khi nó có thể không đe dọa sự sống còn của nước Mỹ.
Go Myong-Hyun: Chính xác đây không phải là yếu tố làm thay đổi đại cục, tức là một thứ gì đó bỗng chốc tăng từ 10 lên 100. Đây là vụ thử thứ 6 của Triều Tiên. Cái thực sự là yếu tố làm thay đổi toàn cục có lẽ chính là vụ thử đầu tiên của họ cũng như sự thành công của các vụ thử SLBM (tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm - PV) và Unha (một loại tên lửa đẩy). Những vụ thử đó đã làm mối đe dọa Triều Tiên từ chỗ không có gì thành thực sự hiện diện, từ 0 thành 1.
- Có ý kiến cho rằng Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần 6 là để đẩy căng thẳng lên đỉnh điểm nhằm tạo lợi thế cho cuộc đàm phán mà qua đó họ chấp nhận đóng băng chương trình hạt nhân, đổi lấy viện trợ. Các chuyên gia nhìn nhận như thế nào về triển vọng đối thoại lúc này?
Peter Hayes: Triển vọng đối thoại vào lúc này phải nói là rất mong manh vì Washington vẫn đang mơ hồ về những gì họ muốn đạt được trong quan hệ với Triều Tiên cũng như về những mối quan tâm và ưu tiên chiến lược ở Đông Á. Theo tôi, vụ thử vừa qua nhằm vào Trung Quốc hơn là vào Mỹ; Bình Nhưỡng muốn khiến Bắc Kinh khó chịu và từ đó chống lại sức ép của Washington về việc kiềm chế Triều Tiên.
Washington vẫn đang mơ hồ về những gì họ muốn đạt được trong quan hệ với Triều Tiên cũng như về những mối quan tâm và ưu tiên chiến lược ở Đông Á.
Chuyên gia Peter Hayes, Australia
Alan D. Romberg: Tôi không chắc khi nào thì Triều Tiên sẽ chấp nhận dừng các hoạt động tên lửa và hạt nhân. Tuy nhiên, sức ép dù như thế nào đi chăng nữa cũng không thể làm lay chuyển quyết tâm của Bình Nhưỡng trong việc đạt được năng lực tấn công hạt nhân bằng tên lửa đạn đạo. Sau khi sở hữu năng lực này, chưa rõ Triều Tiên có đàm phán không và nếu có thì chấp nhận thương lượng về điều gì, nhưng chắc chắn không phải là phi hạt nhân hóa.
Go Myong-Hyun: Tuyên bố mà Bình Nhưỡng đưa ra sau vụ thử nói rằng họ đã bước vào giai đoạn cuối cùng của quá trình phát triển hạt nhân. Điều này cho thấy Triều Tiên không muốn tiến hành thêm một vụ thử nữa. Một mặt, đây là cách Triều Tiên đưa Mỹ đến bàn đàm phán nhưng mặt khác, Mỹ hiện tại chắc chắn sẽ không chấp nhận việc này. Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục có các hành động khiêu khích.
- Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi cái gọi là chiến lược “can dự và áp lực tối đa” (maximum pressure and engagement) để đưa Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán, nhưng dường như nó không hiệu quả?
Peter Hayes: Chiến lược "can dự và áp lực tối đa" đã thất bại hoàn toàn trong việc ngăn chặn sự phát triển của chương trình hạt nhân Triều Tiên. Tại sao thất bại? Bởi vì ngoại giao cưỡng chế chỉ phát huy tác dụng khi sự cưỡng chế đi đôi với hoạt động ngoại giao. Bạn không thể cắt thứ gì đó chỉ với cái kéo có một lưỡi.
Chừng nào Mỹ còn chưa thể hiện ý định nghiêm túc và đáng tin về việc đối thoại cùng Triều Tiên, thì chừng đó tình trạng đối đầu và chính sách "bên miệng hố chiến tranh" vẫn tiếp diễn với những nguy cơ cố hữu như mất kiểm soát, nhầm lẫn và tai nạn cũng như sự leo thang thiếu thận trọng dẫn đến chiến tranh thông thường hay chiến tranh hạt nhân.
Chừng nào Mỹ còn chưa thể hiện ý định nghiêm túc và đáng tin về đối thoại cùng Triều Tiên, thì chừng đó tình trạng đối đầu và chính sách "bên miệng hố chiến tranh" vẫn tiếp diễn.
Chuyên gia Peter Hayes, Australia
Go Myong-Hyun: Chính sách "can dự và áp lực tối đa" đã không thể ngăn cản ông Kim Jong Un, cũng giống như chính sách "thờ ơ chiến lược" dưới thời Obama. Miễn là Triều Tiên còn có thể giữ Seoul làm "con tin", không tổng thống Mỹ nào sẽ có đủ quyền năng để tiến hành một vụ tấn công phủ đầu. Song cá nhân tôi tin rằng tuyên bố "hỏa lực và thịnh nộ" của ông Trump đã có tác động đối với lãnh đạo Triều Tiên. Thay vì phóng tên lửa đến Guam như tuyên bố trước đó, Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa qua Nhật Bản.
Thành Hiểu Hà: Cái Triều Tiên muốn thể hiện ra là chiến lược của Mỹ đã thất bại, nhưng tôi nghĩ rằng chiến lược này vẫn sẽ phát huy hiệu quả. Qua thời gian, Triều Tiên sẽ ngày càng thấu nỗi đau mà nghị quyết 2371 trừng phạt mang lại.
Alan D. Romberg: Vào thời điểm này, có vẻ như không có phương tiện hiệu quả nào có thể ngăn chặn Triều Tiên thúc đẩy chương trình hạt nhân, bao gồm tên lửa, để đạt tới mục tiêu tối thượng là tấn công hạt nhân bằng ICBM. Chúng ta có thể làm chậm lại quá trình này bằng cách gây khó khăn cho Triều Tiên trong việc mua nguyên liệu và hoạt động tài chính, kinh doanh quốc tế. Nhưng không một lời lẽ đanh thép, biện pháp trừng phạt hay hành động triển khai quân sự nào có thể làm suy chuyển quyết tâm của Bình Nhưỡng.
- Liệu Mỹ có điều chỉnh chính sách sau vụ thử hạt nhân lần này của Triều Tiên?
Alan D. Romberg: Triều Tiên sẽ tiếp tục theo đuổi con đường hiện nay, vừa phát triển vũ khí riêng và lấy đó làm mối đe dọa để gây chia rẽ Mỹ và các nước đồng minh châu Á. Vì vậy, điều quan trọng là Mỹ phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết để củng cố lòng tin về các cam kết với các đồng minh của mình, bao gồm cả việc tăng cường răn đe. Mỹ cần phải khiến cho Triều Tiêu thôi ảo tưởng rằng có thể làm được điều đó.
Về phía Mỹ, tôi nghĩ rằng chính quyền Tổng thống Trump vẫn giữ thái độ “mở” với phương án đối thoại, nhưng chỉ với điều kiện Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa và chấm dứt tất cả các hoạt động liên quan đến vũ khí hạt nhân dưới sự giám sát quốc tế. Mỹ và Hàn Quốc, cùng các quốc gia khác, cũng cần sẵn sàng có những động thái thể hiện sự chân thành trong nỗ lực giảm căng thẳng, đồng thời phải nhượng bộ ít nhiều. Tuy nhiên, việc nhượng bộ sẽ không đến mức chấm dứt những cam kết hay kế hoạch giữa Mỹ với các đồng minh.
Peter Hayes: Tôi nghi ngờ điều đó. Tôi không tin Tổng thống Trump có một chiến lược và tôi không tin là ông ấy quan tâm về chuyện đó. Chỉ khi có một sự kiện tầm cỡ ở mức độ toàn cầu, như một vụ tấn công hạt nhân "922" (liên tưởng sự kiện 11/9 tại Mỹ - PV), một cuộc khủng hoảng ở Belarus hay Trung Đông... buộc ông Trump phải tập trung, thì khi đó ông ấy mới thực sự suy nghĩ nghiêm túc về chuyện Triều Tiên.
Go Myong-Hyun: Tôi không nghĩ Mỹ sẽ thay đổi chính sách. Tuy nghiêm trọng, vụ thử lần thứ 6 đã được các chuyên gia dự báo. Khung chính sách hiện tại đã tính đến các vụ thử hạt nhân cũng như phóng ICBM trong tương lai. Guam là trường hợp khác. Vì Triều Tiên chưa làm gì ngoài tiên liệu, phản ứng từ Trump sẽ ở trong phạm vi những gì được dự đoán.
Thành Hiểu Hà: Chúng ta sẽ chứng kiến một đợt khủng hoảng mới có thể dẫn đến xung đột quân sự hoặc chiến tranh giữa Triều Tiên và Mỹ. Tôi không nghĩ Triều Tiên hoặc Mỹ sẽ thay đổi đường lối của mình, ít nhất là trong thời gian này.
- Trung Quốc nhiều lần bày tỏ lo ngại và được cho là đã tìm cách ngăn cản Triều Tiên thử hạt nhân lần 6, nhưng không thành công. Liệu Bắc Kinh có tiến hành những biện pháp mạnh hơn để cô lập Triều Tiên sau vụ thử này?
Thành Hiểu Hà: Trung Quốc có thể trừng phạt Triều Tiên mạnh hơn vì lần thử hạt nhân thứ 6, vì cuộc thử nghiệm này sai trái và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Alan D. Romberg: Rõ ràng Trung Quốc rất giận dữ Triều Tiên vì hành vi liều lĩnh của nước này và việc coi nhẹ ý kiến của Trung Quốc về việc ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Vì lẽ đó, Trung Quốc có thể sẽ nghiêm khắc hơn với Bình Nhưỡng trong các biện pháp trừng phạt, cả về phạm vi lẫn mức độ.
Tuy nhiên, đánh giá chiến lược của Bắc Kinh hiện nay vẫn là chương trình vũ khí hạt nhân của mà Triều Tiên đang phát triển vào thời điểm này không đe dọa đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc, đặc biệt là lợi ích an ninh, bằng chiến tranh hay khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, điều có thể dẫn tới việc thống nhất hai miền bán đảo dưới sự dẫn dắt của Hàn Quốc và đồng minh Mỹ.
Đánh giá phản ánh sự hiểu lầm sâu sắc của Trung Quốc về chính sách và ý định của Mỹ, nhưng theo tôi, đây là điều Bắc Kinh đang nhìn nhận. Vì vậy, việc Trung Quốc có những biện pháp mạnh mẽ hơn là điều hoàn toàn có thể, nhưng không đến mức gây nguy hiểm cho sự ổn định và an ninh của Triều Tiên.
Peter Hayes: Trung Quốc sẽ cho Triều Tiên "nếm mùi" theo cách thức tiêu chuẩn phù hợp với lợi ích và mục tiêu của nước này. Cho đến khi Mỹ cam kết rõ ràng về việc khôi phục đối thoại thì những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm vào Triều Tiêu sẽ chỉ làm phức tạp mối quan hệ vốn đã rất nặng nề giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Nếu và khi Mỹ trực tiếp can dự, thì Trung Quốc mới dùng những biện pháp mạnh tay hơn để bắt Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán.
Go Myong-Hyun: Các vụ thử hạt nhân là lằn ranh đỏ với Trung Quốc hơn là với Mỹ nhưng chiến lược khiêu khích của Triều Tiên là 100% nhằm vào Mỹ. Tức là Triều Tiên không quan tâm đến Trung Quốc. Phân tích các nghị quyết trước đây của Hội đồng Bảo an về Triều Tiên cho thấy Trung Quốc đồng ý với các biện pháp trừng phạt bổ sung mỗi khi Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân (ngoại trừ nghị quyết 2371 liên quan đến một vụ phóng ICBM và Trung Quốc chịu sức ép lớn từ Mỹ). Vậy nên tôi nghĩ là Trung Quốc sẽ đồng ý với các lệnh trừng phạt mới.
- Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên sẽ leo thang đến mức độ nào và liệu có thể xảy ra xung đột nóng?
Thành Hiểu Hà: Triều Tiên chắc chắn sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa. Điều này thúc đẩy các nước khác, đặc biệt là Mỹ, tìm đến các phương án khác nhau, trong đó có cả tấn công phủ đầu, để đối phó với các hành động khiêu khích thông qua tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Dù vậy, thật khó nói trước điều gì bởi Tổng thống Trump là người không thể đoán. Nhưng có một điều chắc chắn là tình hình đang theo hướng bất ổn và dễ bùng nổ thành xung đột nóng hơn trước.
Thực tế không đổi là Triều Tiên không đủ năng lực để theo đuổi cuộc chiến mà nước này có thể giành chiến thắng.
Chuyên gia Alan D. Romberg, Mỹ
Alan D. Romberg: Có một thực tế không thay đổi là Triều Tiên không đủ năng lực để theo đuổi cuộc chiến mà nước này có thể giành chiến thắng. Như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố, bất kỳ cuộc tấn công quy mô lớn nào của Triều Tiên, cho dù bằng vũ khí thông thường hay vũ khí hạt nhân, cũng sẽ dẫn đến một cuộc trả đũa ồ ạt.
Rõ ràng là sự gây hấn của Triều Tiên có thể dẫn tới một kết cục như vậy. Theo quan điểm của tôi, Bình Nhưỡng cũng như Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ ở khu vực đều hiểu rằng những thông điệp mạnh mẽ của Mỹ thể hiện một chính sách cứng rắn, không phải chỉ là “đòn gió” hay lời nói suông.
Alan D. Romberg là chuyên gia kỳ cựu về Triều Tiên với gần 30 năm làm việc trong Bộ Ngoại giao Mỹ. Tại cơ quan này, ông từng trải qua các vị trí phó ban tham mưu hoạch định chính sách, phó phát ngôn viên, phó trợ lý ngoại trưởng... Ông có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề châu Á và hiện là giám đốc chương trình Đông Á của Trung tâm Stimson ở Washington D.C.
Go Myong-Hyun là nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan tại Seoul, Hàn Quốc, nổi tiếng với "góc nhìn định lượng" về các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Các ấn phẩm của ông được truyền thông quốc tế trích dẫn rộng rãi khi đưa tin về Triều Tiên, đặc biệt là các vấn đề kinh tế, trừng phạt và chiến lược dài hạn của nước này.
Thành Hiểu Hà là phó giáo sư và phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là quan hệ ngoại giao của Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Triều Tiên.
Peter Hayes là giáo sư danh dự tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế thuộc Đại học Sydney, đồng thời là giám đốc Viện An ninh và Bền vững Nautilus ở Australia. Nổi tiếng với những chiến lược can dự hợp tác mang tính tiên phong tại Triều Tiên, ông đã phát triển kỹ thuật tìm kiếm giải pháp ngắn hạn cho các vấn đề an ninh toàn cầu và áp dụng tại Đông Á, Australia và Nam Á. Ông đã đến Triều Tiên 7 lần.
Advertisement
Advertisement