Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thông xe cầu Vàm Cống vào giữa năm 2019

Vĩ mô

12/12/2018 20:21

Liên quan đến sự cố nứt dầm thép cầu Vàm Cống, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt phương án sửa chữa vào cuối tháng 5/2018.

Chiều 12/12, tại buổi làm việc với UBND thành phố Cần Thơ về việc quản lý hoạt động giao thông vận tải, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến nay, việc sửa chữa đã thực hiện đến bước thứ 26 trong tổng số 38 bước, theo thiết kế được phê duyệt.

Nhân công thực hiện khắc phục vết nứt dầm thép của cầu Vàm Cống là thợ hàn chuyên nghiệp được đưa từ Hàn Quốc sang, hiện đang hàn dầm thép mới thay thế.

Thông xe cầu Vàm Cống vào giữa năm 2019

Theo Cục trưởng Lê Kim Thành, hiện nay kế hoạch khắc phục đang đi đúng tiến độ và có thể hoàn thành sớm hơn dự kiến, trong khoảng từ 25/12 – 31/12/2018. Sau đó, cần thêm khoảng 2,5 – 3 tháng để đơn vị thi công hoàn thiện các công việc còn lại như căng kéo hoàn thiện dây văng, hoàn thiện mặt cầu.

Ông Thành cho biết, đến tháng 4/2019, sẽ tiến hành công tác kiểm định toàn bộ cầu và trong tháng 5 hoặc 6/2019 hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ thực hiện nghiệm thu. Sau khi hoàn tất các công việc trên, cầu Vàm Cống cũng như toàn tuyến nối cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống sẽ được khánh thành, đưa vào sử dụng. Dự kiến vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm sau.

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ). Công trình được khởi công ngày 10/9/2013, có quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ (chiều rộng mặt cắt ngang cầu chính và cầu dẫn là 24,5m), được thiết kế với vận tốc 80 km/h.

Tổng mức đầu tư được công bố vào thời điểm khởi công là trên 271 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Công trình được thực hiện bởi các nhà thầu Hàn Quốc.

Cũng tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố đang thi công các dự án quan trọng như cầu Quang Trung đơn nguyên 02, cầu và đường Trần Hoàng Na, đường nối Quốc lộ 91 – Đường tỉnh 918, đường sau kè sông Cần Thơ, đường Quang Trung - Cái Cui, xây dựng mới Đường tỉnh 922 nối từ Quốc lộ 91B đến huyện Cờ Đỏ; Triển khai nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 917, Đường tỉnh 920…

Hiện Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) các dự án đường nối Quốc lộ 91 với đường Nam Sông Hậu, cầu Tây Đô trên Đường tỉnh 932; Triển khai xã hội hóa đầu tư xây dựng theo quy hoạch hàng loạt bến tàu, tuyến taxi thủy, các bến xe khách, các bãi đỗ xe công cộng…

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 đoạn Km0-Km7 vào dự phòng cân đối đầu tư công trung hạn 2016 -2020 để sớm bố trí vốn thực hiện nhằm kết nối đồng bộ với Quốc lộ 91 đoạn Km7-Km14, tháo gỡ nút thắt tại cửa ngõ phía Bắc vào trung tâm thành phố Cần Thơ và kết nối đi các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp; mở tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ; mở thêm các chuyến bay đến sân bay Cần Thơ…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nếu Cần Thơ hình thành được tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ sẽ tạo điều kiện cho phát triển địa phương nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp cùng TP.HCM, Cần Thơ tìm cơ chế, các nhà đầu tư để hình thành được tuyến đường sắt này.

Thông xe cầu Vàm Cống vào giữa năm 2019

Về dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã họp với các nhà đầu tư, ngân hàng để xin Chính phủ phê duyệt cơ chế ưu đãi lãi suất ngân hàng. Nếu được phê duyệt, sẽ thúc đẩy để sớm triển khai thi công dự án, đảm bảo kết nối đồng bộ toàn tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ.

Với dự án nâng cấp, mở rộng QL91 đoạn Km0-Km7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ đưa vào dự phòng cân đối đầu tư công trung hạn 2016 -2020. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thời gian tới cần hình thành trục cao tốc TP.HCM – Cần Thơ – Cảng Trần Đề để tạo trục kết nối giao thông cho đồng bằng sông Cửu Long. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng ủng hộ và giao Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu, tăng cường xúc tiến sớm mở các đường bay nội địa và quốc tế đi/đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ để phục vụ phát triển du lịch và hợp tác đầu tư.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị thành phố Cần Thơ có các chính sách hỗ trợ để phát triển cảng hàng không này để mở ra nhiều cơ hội phát triển cho địa phương và cả vùng.

Về đề nghị mở tuyến và bổ sung tuyến tàu cao tốc từ thành phố Cần Thơ đi Côn Đảo, Bộ trưởng giao các cơ quan chuyên môn của bộ xem xét, đề xuất. Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là ủng hộ trên cơ sở đồng thuận của hai địa phương. Với một số tuyến quốc lộ xuống cấp, nhiều ổ gà, không lắp dãy phân cách… Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chuyên môn kiểm tra, sử dụng nguồn vốn bảo trì, sửa chữa đúng quy định.

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement