23/05/2021 07:23
Thị trường nông sản thế giới: Giá gạo Thái thấp nhất trong 6 tháng qua
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ lần đầu tiên tăng trong 7 tuần qua nhờ đồng rupee mạnh lên, trong khi giá gạo Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong hơn sáu tháng qua do nhu cầu yếu.
Thị trường nông sản châu Á:
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ lần đầu tiên tăng trong 7 tuần qua nhờ đồng rupee mạnh lên, trong khi giá gạo Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong hơn sáu tháng qua do nhu cầu yếu.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 379-385 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 370-374 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết giá gạo nước này đang dần tăng lên do đồng rupee tăng giá, tuy nhiên vẫn rẻ hơn giá gạo ở những nơi khác.
Gần đây giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ chịu ảnh hưởng xấu khi chính phủ mở kho dự trữ để giúp người nghèo ở vùng quê ứng phó với hoàn cảnh số ca mắc COVID-19 tăng cao.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết sản lượng gạo tại Bangladesh trong niên vụ đến tháng Tư vừa qua dự kiến sẽ tăng 3,5% so với niên vụ trước, đạt 35,8 triệu tấn, do diện tích và sản lượng tăng cao hơn. Bangladesh, vốn là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, đã trở thành khách hàng nhập khẩu lớn sau khi hứng chịu lũ lụt liên tiếp trong năm 2020, khiến mùa màng bị thiệt hại và đẩy giá gạo trong nước tăng cao kỷ lục.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 454-475 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2020, từ mức 465-473 USD/tấn trong tuần trước đó. Các nhà giao dịch cho rằng nhu cầu nước ngoài yếu là nguyên nhân khiến giá gạo giảm và không có lo ngại về vấn đề nguồn cung.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi so với tuần trước đó ở mức 490-495 USD/tấn. Một thương lái có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết doanh số bán vẫn ở mức thấp do nhu cầu yếu.
Thị trường nông sản Mỹ:
Giá các loại nông sản giao kỳ hạn tại thị trường Mỹ đều giảm trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 21/5, dẫn đầu là mặt hàng ngô.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng Bảy tới giảm 5 xu Mỹ (0,75%) xuống 6,595 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn cũng giảm 1 xu Mỹ (0,15 %) xuống 6,7425 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 7/2021 giảm 7 xu Mỹ (0,46%) xuống 15,2625 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago lưu ý rằng, khối lượng giao dịch giảm trong những ngày gần đây do ít người mua muốn chịu rủi ro vào cuối tuần.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) lần đầu tiên không công bố lượng ngô giao dịch với Trung Quốc trong tuần này. Việc không có doanh số bán hàng ngày cũng không cho thấy Trung Quốc kết thúc chương trình mua ngô vụ mới. AgResource cho biết Trung Quốc có nhu cầu bổ sung thêm ngô cho dự trữ.
Giá ngô ở Liên minh châu Âu (EU) đang tăng nhanh do thiếu nguồn cung của vụ mùa cũ. Điều này cho thấy nguồn cung ứng ngô của EU hầu như đã cạn kiệt.
Dự báo thời tiết cho thấy sẽ có mưa lớn ở Iowa và Missouri vào ngày 30/5 tới. Các đồng bằng phía Bắc và thảo nguyên miền Trung Canada sẽ thiếu hụt lượng mưa, trong khi đó thời tiết không có dấu hiệu cho thấy một đợt nắng nóng khắc nghiệt nào ở miền Nam và Trung Mỹ cho đến ngày 5/6 tới.
Giá thị trường nông sản trên sàn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, không thể bất ngờ tăng giảm trong bối cảnh thời tiết thuận lợi ở miền Trung Mỹ và nguồn cung ngô và đậu tương niên vụ cũ thắt chặt trong lúc Trung Quốc tiến hành mua ồ ạt ngô Mỹ trong tuần này.
Khu vực Đồng bằng Bắc Mỹ và Trung Tây Bắc Mỹ sẽ khô hạn hơn, cùng với mưa lớn tại phía Nam biên giới bang Iowa và Missouri. Vụ ngô Brazil cũng đang phải trải qua thời tiết khô nóng kéo dài đến ngày 24/5 tới.
AgResource cho rằng giá ngô tháng 12 tới có thể giảm xuống dưới 4,40 USD/bushel, giá đậu tương tháng 11 xuống dưới 13,50 USD/bushel.
Thị trường cà phê thế giới:
Trên thị trường thế giới, giá càphê phiên 22/5 tiếp tục giảm, theo đó, giá càphê Robusta tại London giao tháng Bảy tới giảm 12 USD/tấn xuống mức 1.478 USD/tấn, giao tháng Chín năm nay giảm 12 USD/tấn xuống mức 1.503 USD/tấn.
Trong khi đó trên sàn New York, giá càphê Arabica giao tháng Bảy tới giảm 0,85 xu Mỹ/pound ở mức 150,1 xu Mỹ/pound, giao tháng Chín năm nay giảm 0,85 xu Mỹ/pound ở mức 152,1 xu Mỹ/pound (1 pound = 0,454kg).
Giá càphê Robusta tiếp tục suy yếu sau báo cáo tồn kho sàn London tăng nhanh, khiến phần lớn nhà đầu tư lưỡng lự. Giá trên sàn London mất mốc 1.500 USD/tấn. Trong khi đó đồng real của Brazil giảm góp phần khiến giá càphê Arabica lao dốc theo.
Cùng ngày, tại thị trường Việt Nam, giá càphê được giao dịch trong khoảng 31.600-32.600 đồng/kg.
Xuất khẩu càphê Việt Nam trong 6 tháng đầu niên vụ ước đạt 11 triệu bao (giảm 13%). Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đầu giảm, như Đức -23,3%, Italy -18,5% và Mỹ-17,9% do dịch COVID-19 và nhất là tình trạng thiếu container rỗng và cước tàu cao.
Các chuyên gia trong ngành dự báo, thời gian tới, xuất khẩu cà phê Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng khắp một số nước châu Âu. Trong bối cảnh này, ngành cà phê trong nước đang nỗ lực thâm nhập vào các thị trường châu Á, bao gồm thị trường Nhật Bản, với giá trị xuất khẩu cà phê sang thị trường này dự báo sẽ tăng trong tương lai.
Các sản phẩm càphê của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu càphê nhân xanh, xếp thứ hai thế giới chỉ sau Brazil. Việt Nam sản xuất hơn 1,5 triệu tấn càphê trung bình hàng năm, chủ yếu là càphê nhân xanh (chiếm khoảng 90%)./.
Advertisement
Advertisement