17/12/2022 08:39
Thị trường nông sản không có nhiều biến động trong phiên cuối tuần
Thị trường nông sản ngày 17/12 không có nhiều biến động khi giá cà phê trong nước đi ngang, trong khi đó báo cáo cho thấy Việt Nam xuất khẩu ước đạt 220.000 tấn trong năm 2022, chiếm 55% tổng sản lượng hồ tiêu trên toàn thế giới.
Giá cà phê trong nước đi ngang
Giá cà phê trong nước hôm nay 17/12 không biến động, hiện giá cà phê vẫn giữ ở mức 40.300 – 41.000 đồng/kg.
Cụ thể, cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng được thu mua với giá từ 40.200 – 40.300 đồng/kg; tại Kon Tum, tỉnh Đắk Lắk: 40.900 đồng/kg; tại Gia Lai, Đắk Nông: 41.000 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn London có xu hướng giảm nhẹ. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 giảm 6 USD, còn 1.940 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 giảm 1 USD, xuống 1.877 USD/tấn, các kỳ hạn giao xa cũng giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York sụt giảm sau bốn phiên tăng giá liên tiếp. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 1,05 cent, xuống 170,7 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 1,10 cent, còn 170,55 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Thông tin lượng tồn kho của sàn New York vẫn còn ở mức thấp trong vòng 23 năm.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 11/2022, xuất khẩu cà phê đạt 1,58 triệu tấn với kim ngạch thu về hơn 3,63 tỷ USD, tăng 13,4% và 34,7% tương ứng về lượng và về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
EU tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất, tính riêng trong 11 tháng năm 2022, thị trường này đã nhập khẩu 616.972 tấn cà phê, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 39% trong tỷ trọng xuất khẩu.
Tiếp đó là thị trường Mỹ, xếp thứ hai về lĩnh vực xuất khẩu cà phê của Việt Nam với 109.581 tấn, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, thị trường Nhật Bản, Nga, Philippines, Anh cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể từ đầu năm đến nay.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song sản xuất cà phê Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm vì người dân chuyển sang cây trồng khác như bơ, sầu riêng, xen canh do hiệu quả cao hơn.
Ngoài ra, chi phí nhân công thu hái, vật tư nông nghiệp đều tăng. Bên cạnh đó, tại các nhà máy, chi phí sản xuất thành phẩm và vận hành chế biến tiếp tục gia tăng; khủng hoảng kinh tế, chính trị thế giới cũng tác động lớn đến xuất khẩu cà phê...
Để đẩy mạnh phát triển hơn nữa ngành hàng cà phê, thời gian đến, các Bộ, ngành liên quan sẽ cùng các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống cà phê năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu cùng các gói kỹ thuật thâm canh; tổ chức liên kết sản xuất gắn với sản xuất an toàn và đầu tư vào sản phẩm chế biến, xúc tiến thương mại cà phê, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nước ngoài để kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy đà tăng trưởng xuất khẩu cà phê Việt Nam.
Việt Nam chiếm 55% thị phần tiêu xuất khẩu thế giới
Giá tiêu trong nước hôm nay 17/12 không có nhiều biến động.
Tại Gia Lai là 57.500 đồng/kg; Bà Rịa Vũng Tàu: 60.000 đồng/kg; Đắk Lắk, Đắk Nông: 58.500 đồng/kg; Đồng Nai, Bình Phước: 59.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, hôm qua (16/12), Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) tăng 10 USD/tấn, chốt tại 3.795 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 giảm 5%, xuống 2.500 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok tăng 15 USD/tấn lên mức 5.922 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn. Tại Việt Nam, giá tiêu đen giao dịch ở 3.150 - 3.250 USD/tấn với loại 500 g/l và 550g/l; giá tiêu trắng ở mức 4.600 USD/tấn.
Những tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu tiêu có sự thay đổi theo hướng tích cực khi nhiều thị trường tăng nhập. Đáng chú ý nhất là thị trường Trung Quốc, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam công bố, 17 ngày đầu tháng 11 năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 9.164 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 32,6 triệu USD. Đáng chú ý nhập khẩu Trung Quốc 17 ngày đầu tháng 11 đạt 2.268 tấn, chiếm 24,7% tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam.
Hiện giá tiêu đen giao dịch ở 3.100 - 3.200 USD/tấn với loại 500 g/l và 550g/l; giá tiêu trắng ở mức 4.550 USD/tấn, giảm trung bình 50 USD/tấn mỗi loại. Đây được cho là kết quả đã được báo trước trong tình cảnh giá tiêu nội địa liên tục giảm hiện nay.
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 220.000 tấn, chiếm 55% tổng sản lượng hồ tiêu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành hồ tiêu của cả nước nói chung và của Đắk Lắk nói riêng còn nhiều thách thức. Đó là, sự biến đổi khó lường của khí hậu và vấn đề sâu bệnh; quy định ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường quan trọng cũng dẫn đến các rào cản thương mại…
Do đó, để các sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới một cách bền vững, ngành hồ tiêu cần tăng khả năng hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về các khía cạnh như dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.
Thị trường cao su biến động trái chiều
Giá cao su hôm nay tại thị trường thế giới biến động trái chiều trên 2 sàn giao dịch lớn ở châu Á.
Tại thời điểm khảo sát tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 0,95% (tương đương 2,1 JPY/kg), về mức 218,5 JPY/kg.
Và giá cao su giao tháng 1/2023 trên sàn này giảm nhẹ 0,14% (tương đương 0,3 JPY/kg), giao dịch ở mức 219,7 JPY/kg.
Còn tại sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2023 tăng 0,31% (tương đương 40 CNY/tấn), lên mức 13.115 CNY/tấn.
Và giá cao su giao kỳ hạn tháng 3/2023 đang tăng nhẹ 0,31% (tương đương 40 CNY/tấn), ở mức 13.120 CNY/tấn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết trong 11 tháng năm 2022, trị giá nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt hơn 10,7 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc với 1,8 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc chiếm gần 17%, cao hơn so với mức 16,7% của 10 tháng năm ngoái.
Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, nhập khẩu các mặt hàng này đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc với 249,7 triệu USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc đạt 4,35 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 35,5% trong tổng trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 38% của 10 tháng năm 2021.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement