26/09/2022 08:30
Thị trường nông sản đầu tuần không nhiều biến động
Thị trường nông sản đầu tuần không có nhiều biến động. Giá cà phê, hồ tiêu đi ngang, trong khi đó giá cao su tăng giảm trái chiều.
Giá cà phê hôm nay
Giá cà phê hôm nay tại thị trường trong nước không có nhiều biến động, giao dịch quanh ngưỡng 47.300 - 47.900 đồng/kg.
Tại Lâm Đồng: 47.300 đồng/kg, Đắk Lắk: 47.900 đồng/kg, Đắk Nông: 47.700 đồng/kg, Gia Lai: 47.800 đồng/kg, Kon Tum: 47.800 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2022 giảm 6 USD/tấn ở mức 2.232 USD/tấn, giao tháng 1/2023 giảm 6 USD/tấn ở mức 2.219 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giảm 3,1 cent/lb, ở mức 220,45 cent/lb, giao tháng 3/2023 giảm 3,15 cent/lb, ở mức 214,1 cent/lb.
Một thông tin quan trọng cũng được công bố tuần trước. Công ty Cung ứng và Dự báo Nông sản (Conab) Brazil đã công bố báo cáo khảo sát vụ mùa cà phê lần thứ 3. Theo đó, họ đã giảm bớt 3,6 triệu bao so với khảo sát trước đó xuống ở mức 50,38 triệu bao trong niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 do thời tiết bất lợi.
Trong đó, cà phê Arabica đạt 32,41 triệu bao, tăng 3,1% so với vụ trước và cà phê Conilon Robusta không đổi so với dự báo trước ở mức kỷ lục 18 triệu bao, tăng 10,2 % so với vụ trước. Theo Conab, lẽ ra năm nay cây cà phê Brazil được mùa theo chu kỳ “hai năm một”, nhưng thời tiết khô hạn và các đợt sương giá năm ngoái đã làm đảo ngược chu kỳ này
Trong khi đó, Tổng cục Hải quan Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 9, nước ta đã xuất khẩu 38.000 tấn cà phê, tương đương với kim ngạch 92,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê giai đoạn 1/9-15/9 đã giảm đến 25% về lượng và giảm 10% về giá trị. Tuy nhiên, luỹ kế từ đầu năm, xuất khẩu cà phê vẫn tăng 12% về lượng và tăng 38% về giá trị.
Hiện triển vọng thời tiết tại các nước sản xuất cà phê chủ chốt tại khu vực Mỹ Latinh là không mấy khả quan. Hiện tượng thời tiết La Niña dự kiến tiếp tục gây ra hạn hán ở Brazil thêm vài tháng. Trong khi đó, quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới là Colombia lại đang hứng chịu lượng mưa nhiều bất thường. Thời tiết bất lợi cũng ảnh hưởng đến sản lượng cà phê ở Guatemala, Honduras và Nicaragua.
Các chuyên gia nhận định, sản lượng và dự trữ cà phê sụt giảm tại Brazil sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm cà phê trên toàn cầu, và là một tín hiệu có thể đẩy giá cà phê trên thị trường thế giới lên cao hơn nữa trong thời gian tới.
Năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp nhu cầu cà phê sẽ vượt cung trên thị trường toàn cầu. Một số thương hiệu cà phê lớn như Starbucks và Jacobs đã lên kế hoạch tăng giá sản phẩm để đối phó với tình trạng lợi nhuận sụt giảm.
Giá tiêu hôm nay
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định tại một số vùng trồng trọng điểm, giao dịch từ 64.000 - 67.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 64.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai: 65.500 đồng/kg; Đắk Nông, Đắk Lắk: 65.000 đồng/kg; Bình Phước: 66.000 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 67.000 đồng/kg.
Theo các thành viên Diễn đàn những người làm hồ tiêu Việt Nam đánh giá, tình cảnh của cà phê và hồ tiêu đang thể hiện bức tranh trái ngược hẳn so với đầu năm.
Đầu năm nay, lo ngại giá tiêu tăng, cà phê giảm, giới đầu cơ đổ xô trữ tiêu. Đến bây giờ, giá tiêu càng ngày càng xuống, trong khi cà phê đã có lúc lên đến trên 50.000 đồng/kg, dòng tiền lại chảy ngược về cà phê.
Tính đến thời điểm này, lượng tiêu dự trữ đã tăng khá cao, lên 100.000 tấn. Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi vụ thu hoạch sắp tới, con số trên sẽ là trở lực lớn trên con đường hồ tiêu tìm lại các mốc giá tăng từ nay đến cuối năm.
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường nhập khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới. Hiện, nguồn cung hạt tiêu cho EU chủ yếu từ thị trường ngoại khối, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
EU là thị trường mà bất kỳ nước sản xuất hạt tiêu nào cũng muốn thâm nhập sâu, rộng.
Dự kiến, nhập khẩu hạt tiêu của EU có khả năng tăng với tốc độ tăng hằng năm khoảng 1-2%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, EU nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường ngoại khối đạt 35,9 nghìn tấn, trị giá 170,53 triệu EUR, tăng 8,9% về lượng và tăng 68% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, EU nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt xấp xỉ 19,8 nghìn tấn, trị giá 94,27 triệu EUR, tăng 27,6% về lượng và tăng 103,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu EU tăng từ 31,25% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 37,36% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Giá cao su hôm nay
Giá cao su hôm nay tăng giảm trái chiều tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản).
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 9/2022 ghi nhận mức 220,5 yen/kg, tăng 1,13%, tăng 2,5 yen/kg. Các kỳ hạn cao su tháng 12 và tháng 1/2023 đều ghi nhận mức tăng nhẹ.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 10/2022 đứng ở mức 11.875 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,75%, giảm 90 nhân dân tệ/tấn.
Giá cao su Thượng Hải hôm nay giảm ở các kỳ hạn tháng 11, tháng 1/2023, tháng 3/2023, tháng 4/2023 ở mức giảm gần 1%.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, giá cao su giảm do thị trường lo ngại nhu cầu tại Trung Quốc chậm lại khi nước này đối mặt với khủng hoảng bất động sản, các đợt nắng nóng làm gián đoạn hoạt động sản xuất và các biện pháp hạn chế mới để phòng chống Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp và tiêu thụ.
Trong khi đó, nhập khẩu cao su của Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng 8, tăng tháng thứ ba liên tiếp.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 8, Trung Quốc nhập khẩu 592,3 nghìn tấn cao su tự nhiên và tổng hợp (kể cả mủ cao su), với trị giá 1,07 tỷ USD, tăng 2,2% về lượng và tăng 0,8% về trị giá so với tháng 7, còn so với tháng 8/2021 tăng 12% về lượng và tăng hơn 10% về trị giá.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 4,56 triệu tấn cao su tự nhiên và tổng hợp, trị giá 8,55 tỷ USD, tăng hơn 5% về lượng và tăng 10,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp