22/11/2022 08:36
Thị trường nông sản 22/11: Cà phê arabica vụt tăng mạnh trong phiên đầu tuần
Thi trường nông sản hôm nay ghi nhận giá cà phê tăng nhẹ tại các vùng trồng cà phê trọng điểm, giá cao su giảm đỏ sàn, hồ tiêu vẫn chuỗi ngày đi ngang.
Giá cà phê hôm nay
Giá cà phê hôm nay dao động trong khoảng 39.100 - 39.600 đồng/kg. Tại Lâm Đồng: 39.100 đồng/kg, Đắk Lắk: 39.600 đồng/kg, Đắk Nông: 39.600 đồng/kg, Gia Lai: 39.600 đồng/kg, Kon Tum: 39.600 đồng/kg. Thị trường cà phê trong nước hôm nay tăng nhẹ tại các địa phương trồng cà phê trọng điểm.
Thông tin về nguồn cung arabica chính là Brazil và Colombia giảm mạnh có thể đã tác động lên thị trường. Xuất khẩu nhóm cà phê arabica Brazil đã giảm 4,3% so với vụ trước xuống còn 37,8 triệu bao, với ghi nhận lượng cà phê nhân xanh xuất khẩu giảm 12,5% trong niên vụ vừa qua.
Brazil đã thu hoạch một vụ mùa nhỏ hơn do "trái vụ" cà phê arabica, trong khi xuất khẩu cũng gặp khó khăn do tình trạng thiếu container vận chuyển và cước phí tăng cao.
Trong khi đó xuất khẩu nhóm arabica Colombia cũng giảm tới 7,1% so với niên vụ trước xuống còn 12,14 triệu bao, mức thấp nhất kể từ năm 2015. Do thời tiết bất lợi làm giảm nguồn cung, sản lượng cà phê của Colombia trong niên vụ 2021-2022 ước tính chỉ đạt 11,7 triệu bao, giảm tới 13% so với niên vụ trước đó.
Giá cà phê robusta tại sàn London vẫn chưa thoát khỏi vùng bán quá mức. Theo phân tích kỹ thuật của các chuyên gia, nếu như không giữ được mức giá 1.787 USD để đi lên, với điều kiện vượt khỏi 1.795 USD, giá robusta có thể lại bị kéo xuống cho đến 1.740 trong tuần này.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê robustas tăng 2,6% so với niên vụ trước lên mức 42,2 triệu bao. Việt Nam và Ấn Độ là hai nước xuất khẩu đạt mức tăng trưởng nổi bật trong niên vụ 2021-2022.
Tính đến ngày 16/11, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn như sau: robusta London đạt 87.430 tấn so với 10/11 là 90.170 tấn; sàn arabica New York đạt 485.369 bao hay 29.122 tấn so với 448.704 bao tức 26.922 tấn trước đó. Thời điểm cuối vụ cũ, lớp tồn kho này của robusta đếm được 93.700 tấn và arabica 25.571 tấn. Hiện còn 577.099 bao tức hàng đợi kiểm định đạt chuẩn còn lớn hơn khối lượng đã được chấp nhận.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (ngày 21/11), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London không có nhiều biến động, kỳ hạn giao hàng tháng 1/2023 tăng 1 USD (0,06%), giao dịch tại 1.812 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 1 USD (0,06%), giao dịch tại 1.788 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York quay đầu tăng mạnh. Kỳ hạn giao tháng 12/2022 tăng 5,30 Cent (3,42%), giao dịch tại 160,4 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 5,05 Cent/lb (3,34%), giao dịch tại 160,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng trung bình.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm giá. Lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái, trong khi các nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới đang hướng tới một vụ mùa kỷ lục trong năm 2023.
Ở trong nước, hiện nhiều tỉnh khu vực Tây Nguyên đang bước đợt thu hoạch và nguồn cung dồi dào hơn. Nguồn cung tăng, trong khi xuất khẩu suy giảm càng tạo áp lực lên giá cà phê trong nước.
Tháng 10/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 79,83 nghìn tấn, trị giá 206,85 triệu USD, giảm 13,7% về lượng và giảm 8,5% về trị giá so với tháng 9. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số này giảm 19,6% về lượng và giảm 4,8% về trị giá. Đây đã là tháng thứ 3 liên tiếp ghi nhận lượng cà phê xuất khẩu giảm.
10 tháng năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Nga, Anh, Australia, New Zealand… đều tăng do nhu cầu tiêu dùng phục hồi, nguồn cung toàn cầu thắt chặt và ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn, cùng với chi phí logistic tăng cao.
Riêng thị trường EU chiếm 38,7% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng qua với khối lượng đạt 551.610 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 19% về lượng và tăng 43,4% về trị giá.
Trong khối EU, ngoại trừ lượng cà phê xuất khẩu sang Đức giảm 9,4% các thị trường khác đều tăng mạnh như Bỉ tăng gấp 2,2 lần, Hà Lan tăng 2,5 lần, Tây Ban Nha tăng 37,3%, Italy tăng 8,9%...
Giá tiêu hôm nay
Giá tiêu hôm nay 22/11, tiếp tục đi ngang tại các vùng trồng tiêu trọng điểm, hiện giá tiêu trong nước dao động quanh mốc 58.000 – 61.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu tại Gia Lai ở mức 58.000 đồng/kg, Đắk Lắk, Đắk Nông: 59.500 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam bộ, giá tiêu cũng không có biến động. Tại Đồng Nai, Bình Phước: 60.500 đồng/kg, Bà Rịa - Vũng Tàu: 61.500 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá tiêu chững lại và đi ngang so với hôm qua. Hiện tại, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) ở mức 3.498 USD/tấn. Giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA vẫn giữ ở mức 5.100 USD/tấn. Và giá hạt tiêu đen Brazil ASTA 570 neo ở mức 2.575 USD/tấn.
Đối với mặt hàng hạt tiêu trắng, giá hạt tiêu trắng Muntok của Indonesia ở quanh mốc 5.754 USD/tấn. Còn giá hồ tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn giữ có mức 7.300 USD/tấn.
Việt Nam vẫn đang là quốc gia đứng đầu về sản lượng hồ tiêu toàn cầu (chiếm 55 - 60%). Tiếp đến là Brazil và Indonesia. Trong đó, Brazil liên tục đóng góp khoảng 15 - 18% cho sản lượng hồ tiêu toàn cầu xuất khẩu trong 5 năm qua.
Trong khi đó, xuất khẩu hồ tiêu của Indonesia và Ấn Độ biến động theo hai chiều hướng trái ngược nhau. Sau khi tăng liên tục từ năm 2017 - 2020, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Indonesia đã giảm vào năm 2021 và chiếm 10,5% sản lượng tiêu xuất khẩu toàn cầu.
Ngược lại, mặc dù được biết đến là nước tiêu thụ lớn thứ 3 với phần lớn sản lượng tiêu để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng lượng tiêu xuất khẩu của Ấn Độ lại có sự gia tăng đáng kể.
Điều này là do một lượng lớn hồ tiêu được nhập khẩu để dùng cho mục đích chế biến và tái xuất. Năm 2021, Ấn Độ đóng góp 4,5% xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu, tăng 54,7% so với năm 2020.
Các chuyên gia kỳ vọng Trung Quốc và các thị trường truyền thống sớm tăng mua trở lại cho nhu cầu tiêu thụ mùa Đông và năm mới 2023 sắp tới sẽ hỗ trợ giá tăng.
Trong khi đó sản lượng vụ mùa mới ở Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ đang có nhiều nhận định khác nhau.
Một số vùng giảm, do nhiều nông hộ tiến hành mạnh tay cắt giảm diện tích hồ tiêu hoặc xen canh với nhiều cây trồng khác, nhất là cây sầu riêng đang có mức giá hấp dẫn. Còn một số vùng tăng do cơ cấu lại từ những năm trước, đẩy mạnh canh tác hữu cơ.
Nhưng nhìn chung sản lượng không thay đổi nhiều so với năm ngoái. Trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, lượng hàng tồn cao, dòng tiền bị thắt chặt khiến thị trường càng thêm ảm đạm.
Giá cao su hôm nay
Giá cao su kỳ hạn hôm nay giảm đỏ toàn thị trường, tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản).
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 11/2022 ghi nhận mức 213,5 yen/kg, giảm 0,61%, giảm 1,3 yen/kg. Kỳ hạn cao su tháng 12/2022, cao su kỳ hạn tháng 1/2023, kỳ hạn tháng 2/2023, kỳ hạn tháng 3/2023 đều giảm mạnh từ hơn 1% đến hơn 3%.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2023 ở mức 12.525 nhân dân tệ/tấn, giảm 1,96%, giảm 250 nhân dân tệ/tấn.
Giá cao su Thượng Hải hôm nay giảm mạnh ở các kỳ hạn tháng 3/2023, tháng 4/2023, tháng 5/2023, tháng 6/2023 ở mức giảm gần 2%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết tháng 10, Việt Nam xuất khẩu được gần 223,6 nghìn tấn cao su, trị giá 313,5 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 12,2% về trị giá so với tháng 9, còn so với tháng 10/2021 tăng 8,7% về lượng, nhưng giảm hơn 8% về trị giá.
Lũy kế 10 tháng năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 1,62 triệu tấn, trị giá 2,6 tỷ USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 4,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 10/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.402 USD/tấn, giảm gần 3% so với tháng 9 và giảm 15,5% so với tháng 10/2021.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 79,5% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 177,81 nghìn tấn, trị giá 241,8 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 16,3% về trị giá so với tháng 9; so với tháng 10/2021 tăng 22% về lượng và tăng 1,7% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.360 USD/tấn, giảm 2,3% so với tháng 9 và giảm 16,6% so với tháng 10/2021.
Lũy kế 10 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,16 triệu tấn cao su, trị giá 1,81 tỷ USD, tăng 11,5% về lượng và tăng 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt như: Nga, Malaysia, Brazil… tiếp tục tăng so với tháng 10/2021. Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, thị trường Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia... lại giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp