15/03/2022 09:07
Thị trường nông sản 15/3: Giá cà phê, cao su, lúa gạo ổn định, hồ tiêu tăng nhẹ
Thị trường nông sản hôm nay ghi nhận ít biến động sau thời gian tăng giá do ảnh hưởng xung đột Đông Âu.
Giá cà phê trong nước giữ mức ổn định
Giá cà phê trong nước ngày hôm nay 15/3/2022 ổn định, giá cà phê kỳ hạn thế giới biến động trái chiều, tăng ở London và giảm tại New York.
Cập nhật bảng giá cà phê hôm nay 15/3 cho thấy, giá cà phê trong nước phiên sáng nay giữ mức ổn định tại hầu hết các tỉnh, thành.
Giá cà phê thấp nhất ở Lâm Đồng hiện được dao dịch ở mức 40.200 đồng/kg, cao nhất ở Đắk Lắk 40.800 đồng/kg.
Giá cà phê thế giới giao dịch hôm nay tiếp tục trái chiều nhau. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại sàn London giao tháng 3/2022 tăng mạnh lên mức 2.235 USD/tấn, tăng nhẹ 0,09% (tương đương 2 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 3/2022 tại sàn New York giảm mạnh xuống 221,00 US cent/pound, giảm mạnh 0,87% (tương đương 1,95 US cent) tại thời điểm khảo sát.
Báo cáo tồn kho tại hai sàn đã hỗ trợ giá cà phê thế giới biến động trái chiều, tăng ở London và giảm tại New York.
Sản lượng vụ mới từ một số nước sản xuất robusta chính vẫn chưa thu hoạch và kịp đưa về sàn để đăng ký bổ sung đã hỗ trợ giá trên sàn London đứng vững trong ngắn và trung hạn.
Giá tiêu bất ngờ tăng nhẹ
Giá tiêu hôm nay 15/3 tăng nhẹ 500 đồng/kg ở rải rác một số địa phương. Thị trường hạt tiêu thế giới tương đối ổn định.
Giá tiêu tại Chư Sê (tỉnh Gia Lai): 78.000 đồng/kg, Đắk Lắk và Đắk Nông: 79.500 đồng/kg, Bình Phước: 80.000 đồng/kg, Bà Rịa – Vũng Tàu: 81.000 đồng/kg, cao nhất thị trường, Đồng Nai giá tiêu ghi nhận hiện dao dịch ở mốc 80.500 đồng/kg.
Giá tiêu thế giới giao ngay tại sàn Kochi (Ấn Độ) giảm 33,35 Rupi/tạ, ở mức 41,300 Rupi/tạ. Giá hạt tiêu trên (sàn SMX - Singapore) tháng 12 vẫn ổn định ở mức 6.500 USD/tấn.
Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam vụ mùa năm 2022 ước khoảng 160.000 - 170.000 tấn, giảm hơn 10% so với vụ mùa năm ngoái. Nguyên nhân được cho là thời tiết không thuận lợi ngay từ đầu vụ. Nhiều vùng trồng tiêu trọng điểm năm ngoái đã xuất hiện mưa sớm nên cây trồng không đủ thời gian phân hóa mầm hoa. Bên cạnh đó là những vườn tiêu già cỗi, hoặc năng suất giảm do không được đầu tư các năm trước đó.
Dù hiện tại giá tăng so với cùng thời điểm năm ngoái, nhưng nông dân ngày càng càng cảm thấy "hụt hơi", bởi giá nguyên liệu, nhiên liệu, nhân công tăng cao hơn rất nhiều so với đà tăng của giá tiêu.
Đơn cử 1 tạ phân urê có giá bán khoảng 700.000 đồng nhưng năm nay đã tăng lên gần 2 triệu đồng. Lợi nhuận giảm, không đáng bao nhiêu khiến bài toán đầu tư cho vụ sau của người dân còn đang bỏ ngỏ.
Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp các địa phương đã khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích hồ tiêu, tập trung phát triển cây tiêu theo hướng bền vững, tiếp tục chăm sóc hồ tiêu đảm bảo đúng quy trình.
Theo các chuyên gia, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ nông tiêu trong giai đoạn hiện nay. Nói là có lãi nhưng rất bấp bênh khiến việc chăm sóc, đầu tư cho hồ tiêu bị hạn chế, ảnh hưởng đến chiến lược chung của ngành. Bên cạnh đó cần có giải pháp kiềm chế đà tăng của nguyên/nhiên vật liệu giúp người nông dân có lợi nhuận tốt sau cả năm trời vất vả.
Giá cao su giảm mạnh
Giá cao su hôm nay giảm mạnh tại các sàn châu Á. Giá cao su thế giới biến động trái chiều sau xung đột Nga-Ukraine.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su hôm nay kỳ hạn tháng 7/2022, giảm mạnh xuống mức 240,6 JPY/kg, giảm mạnh 3,3 yên, tương đương 1,35%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn Thượng Hải giảm mạnh 230 CNY, xuống mức 13.260 CNY/tấn, tương đương 1,70%.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm và có tuần giảm thứ 2 liên tiếp, do giá dầu vững và thị trường chứng khoán toán cầu giảm sau số liệu lạm phát nóng của Mỹ, lo ngại xung quanh vấn đề Nga – Ukraine làm gia tăng đặt cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất.
Đối mặt với giá nguyên liệu thô tăng vọt, các đơn vị sản xuất nhỏ và siêu nhỏ tại Ấn Độ, đã kêu gọi chính phủ cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất cao su.
Mong muốn của các nhà sản xuất cao su tại Ấn Độ ngay lúc này là nhận được mức thuế nhập khẩu tối thiểu hoặc miễn thuế cao su tổng hợp được nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Trước đó trong phiên tuần vừa qua, giá cao su tăng hơn 3% - mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 19/1/2022.
Sau xung đột Nga-Ukraine, giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa của Nhật Bản, Thái Lan tăng mạnh theo giá dầu. Trong khi, giá mặt hàng này trên sàn Thượng Hải lại có xu hướng giảm.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 2, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt biến động trái chiều.
Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, giá cao su có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 2.
Tại Thái Lan, giá có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 2/2022. Ở chiều ngược lại, giá cao su tại sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) lại giảm mạnh khi các nhà đầu tư lo lắng về căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định giá cao su tại Nhật Bản tăng trong bối cảnh giá dầu tăng cùng với kỳ vọng nhu cầu mạnh hơn và nguồn cung thắt chặt.
Các nhà máy ở Trung Quốc đang khởi động lại hoạt động sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, nên tình trạng thiếu chip ôtô sẽ giảm bớt.
Ngoài ra, xung đột giữa Nga - Ukraine cũng tác động đến thị trường hàng hóa, trong đó có mặt hàng cao su.
Trái với diễn biến thế giới, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước không có nhiều biến động. Tuy nhiên, dự báo giá cao su tự nhiên trong vài tháng tới có thể tăng do nguồn cung thiếu hụt theo mùa.
Giá ngũ cốc quay đầu giảm
Giá lúa mì Mỹ tăng đầu tuần sau khi giảm mạnh ở 2 phiên liền trước khi các thương nhân đánh giá những diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột Nga - Ukraine làm gián đoạn các chuyến tàu hàng.
Giao dịch lúa mì vẫn không ổn định khi nhu cầu đối với các nhà cung cấp khác bao gồm Liên minh châu Âu và Mỹ bất ổn.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ, mềm vụ đông kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 19-1/2 US cent lên 11,06-1/2 USD/bushel.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 10-1/4 US cent xuống 16,76 USD/bushel, trong khi giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 6-3/4 US cent lên 7,62-1/2 USD/bushel.
Giá lúa gạo hôm nay tăng
Giá lúa gạo hôm nay điều chỉnh tăng 100 đồng/kg đối với giống nếp Long An (tươi). Theo đó, nếp Long An (tươi) đã được nâng lên mức 5.400 - 5.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với hôm qua.
Giá lúa hôm nay chững lại trên tất cả giống lúa được khảo sát, các giống lúa OM cũng trở về ổn định.
Giá gạo hôm nay đi ngang trên diện rộng. Gạo thơm Jasmine tiếp tục nằm trong khoảng 15.000 - 16.000 đồng/kg, gạo nàng Nhen duy trì ở mốc 20.000 đồng/kg, gạo Hương Lài đi ngang tại mức 19.000 đồng/kg, gạo trắng thông dụng có giá 14.000 đồng/kg.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp