12/05/2022 08:47
Thị trường nông sản 12/5: Hồ tiêu, cà phê tăng mạnh, cao su ảm đạm
Thị trường nông sản hôm nay ghi nhận giá các loại nông sản như cà phê, hồ tiêu, cao su tại thị trường trọng điểm đều ghi nhận xu hướng tăng sau thời gian rớt giá.
Giá tiêu tăng nhẹ
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giao dịch từ 75.500 – 78.500 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 75.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai: 76.000 đồng/kg; Đắk Nông, Đắk Lắk: 76.500 đồng/kg; Bình Phước: 77.500 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 78.500 đồng/kg.
Dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ khó khăn trong các tháng còn lại của quý II/2022, khi nguồn cung khá dồi dào, còn nhu cầu nhập khẩu thấp. Hiện nguồn hàng được khách hàng sử dụng chủ yếu là hàng đã ký từ 3 đến 4 tháng trước. Do vậy giá hạt tiêu khó có thể tăng mạnh nếu như thị trường Trung Quốc chưa mua trở lại.
Chuyên gia nhận định, thị trường hồ tiêu trong nước hiện nay như ''dòng sông lười''. Dù giá lên xuống gì thì lượng hàng thật giao dịch cũng không đáng kể. Biên độ 76.000 - 80.000 đ/kg được duy trì và giằng co một thời gian rất lâu. Giá tiêu tiếp tục dùng dằng với những phiên tăng rồi giảm nhẹ trong nhiều ngày qua.
Hiện các ngân hàng đang tích cực hỗ trợ tín dụng cho sản xuất, xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản. Do vậy các đơn vị xuất khẩu nông sản trên những vùng nguyên liệu sẽ được “bơm” thêm nguồn lực để gom hàng.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 79.410 tấn hồ tiêu các loại, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó tiêu đen đạt 66.721 tấn, tiêu trắng đạt 12.689 tấn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 369,7 triệu USD, tiêu đen đạt 293,5 triệu USD, tiêu trắng đạt 76,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 15,5% tương đương 14.611 tấn, tuy nhiên giá trị xuất khẩu lại tăng 29,2%, tương đương tăng 83,6 triệu USD.
Giá cà phê tăng mạnh
Giá cà phê hôm nay 12/5 trong dao động khoảng 40.500 - 41.100 đồng/kg, tăng mạnh theo thị trường thế giới.
Tại Lâm Đồng giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.500 đồng/kg, Đắk Lắk, Đắk Nông: 41.000 đồng/kg, Gia Lai: 40.900 đồng/kg, Kon Tum: 40.900 đồng/kg.
Tổng cục Hải quan Việt Nam báo cáo dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu cà phê trong tháng 4 đạt 157.451 tấn (tương đương 2.624.183 bao, bao 60 kg), giảm 25,38% so với tháng trước. Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu năm nay đã đạt tổng cộng 739.046 tấn (khoảng 12,32 triệu bao) tăng 26,34 % so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân xuất khẩu tăng mạnh là do những tháng đầu năm ngoái thị trường đã phải đóng cửa vì dịch bệnh covid-19 bùng phát.
Nhiều thương nhân nội địa cho biết, họ không thể bán cà phê ra vào lúc này do mức giá đã quá thấp, trong khi với nhà nông thì giá cả phân bón vật tư hiện đã tăng quá cao.
Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE được giao dịch quanh mức 2,1 USD, thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2021, trong bối cảnh đồng real yếu hơn, các báo cáo về tình trạng khô hạn nới lỏng ở nhà sản xuất hàng đầu Brazil và lo ngại về nhu cầu do ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine và tình trạng đóng cửa ở Trung Quốc.
Việc hạ giá sàn là kỳ vọng về nguồn cung cà phê nhỏ hơn từ Colombia, nhà sản xuất arabica lớn thứ hai thế giới. Liên đoàn những người trồng cà phê Colombia đã báo cáo hôm thứ Năm tuần trước rằng xuất khẩu cà phê tháng 4 của Colombia giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 845.000 bao.
Tổ chức Cà phê Quốc tế gần đây đã cắt giảm ước tính nguồn cung toàn cầu 2020/21 xuống mức thâm hụt -3,13 triệu bao so với ước tính thặng dư +1,2 triệu bao trước đó.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu cà phê đạt 2,892 triệu tấn, trị giá 15,54 tỷ EUR (16,47 tỷ USD), tăng 0,1% về lượng và tăng 8,4% về trị giá so với năm 2020.
Trong đó, EU nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 548,44 nghìn tấn, trị giá 867,1 triệu EUR (919,13 triệu USD), giảm 14,6% về lượng và giảm 8,7% về trị giá so với năm 2020.
Nguyên nhân chính là do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, dẫn đến nguồn cung cà phê của Việt Nam bị gián đoạn.
Cập nhật số liệu công bố mới nhất của Cơ quan Thống kê châu Âu, tháng 1/2022, EU nhập khẩu cà phê đạt 243,86 nghìn tấn, trị giá 1,6 tỷ EUR (1,7 tỷ USD), giảm nhẹ 0,01% về lượng, nhưng tăng 43,3% về trị giá so với tháng 1/2021.
Trong đó, EU nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 42,3 nghìn tấn, trị giá 92,75 triệu EUR (98,32 triệu USD), giảm 10,8% về lượng, nhưng tăng 38,1% về trị giá.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU chiếm 17,34% trong tháng 1/2022, thấp hơn so với thị phần 19,44% trong tháng 1/2021. Mức giảm này được cho là diễn ra trong ngắn hạn, bởi nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan tại nhà ở EU tăng, kéo theo nhu cầu nhập khẩu cà phê robusta phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến cà phê nước này, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Giá cao su châu Á ảm đạm
Giá cao su tự nhiên kỳ hạn giao dịch dưới 250 JPY/kg, mức chưa từng thấy trong hơn một tháng qua, trong bối cảnh lo ngại kéo dài về sự sụt giảm doanh số bán xe và nhu cầu về lốp xe do các vụ Covid-19 tăng cao và các đợt đóng cửa mới ở Trung Quốc.
Trên hết, việc kết thúc thời kỳ mùa đông và do đó việc sản xuất trở lại đầy đủ ở các nhà sản xuất hàng đầu ở Thái Lan gây ra rủi ro giảm giá đáng kể. Trong khi đó, dự trữ cao su OSE của Nhật Bản tại các kho được chỉ định giảm 39 tấn, trong khi tại Thượng Hải INE giảm 5.745 tấn. Mặt khác, tồn kho SHFE tại Thượng Hải tăng 1.184 tấn.
Việc phát triển cây cao su tại miền núi phía Bắc gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng không thuận lợi. Do đó, năng suất vườn cây không đạt được ở mức cao so với các đơn vị khu vực trồng cao su truyền thống khác.
Tuy nhiên, những năm gần đây nhờ thực hiện có hiệu quả trong công tác quản lý và thâm canh, chăm sóc vườn cây, năng suất có xu hướng dần tăng lên.
Năm 2007, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) bắt đầu triển khai thực hiện chương trình phát triển cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Đơn vị đầu tiên trực thuộc VRG tại khu vực này được thành lập đó là Công ty CP Cao su Sơn La. Từ đó, VRG tiếp tục mở rộng việc trồng, chăm sóc và khai thác cao su sang các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nếu so về năng suất vườn cây, các đơn vị khu vực miền núi phía Bắc không đạt được năng suất ngang với các đơn vị ở khu vực truyền thống do đặc thù về thời tiết thường xuyên rét đậm rét hại. Mùa lạnh xảy ra vào những tháng cuối năm nên các đơn vị khu vực này tập trung thu mủ cao điểm vào quý III.
Địa hình trồng cao su trên vùng đồi núi, đất dốc cũng là một yếu tố không nhỏ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và công tác chăm sóc, quản lý vườn cây. Nhưng, những năm gần đây cho thấy, diện tích đưa vào khai thác của khu vực này ngày càng tăng, vườn cây đang nằm trong thời kỳ cho năng suất tốt nhất, do đó năng suất vườn cây các đơn vị khu vực đang có xu hướng tăng.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement