Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thế khó của các nhà sản xuất ô tô châu Âu

Thị trường

18/02/2025 08:03

Chi phí gia tăng đối với các nhà sản xuất ô tô EU sẽ gây thêm áp lực cho một ngành công nghiệp vốn phải đối mặt với tình trạng thị phần giảm ở Trung Quốc và nhu cầu thấp ở châu Âu.

Theo trang mạng Politico, tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẽ áp dụng mức thuế quan đối ứng sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến ngành công nghiệp ô tô của Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương đang leo thang.

Ông Trump thường xuyên trích dẫn mức thuế quan cao hơn của Brussels đối với các phương tiện cơ giới nhập khẩu. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo EU đã áp thuế 10% đối với xe nhập khẩu của Mỹ, cao hơn tương đối so với mức thuế 2,5% do Mỹ áp dụng đối với xe của EU. Các quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Trump phàn nàn rằng, mức thuế giá trị gia tăng của châu Âu vào khoảng 20%, khiến tổng chi phí thuế quan thực tế lên tới 30%.

Politico lưu ý, bất kỳ mức thuế quan nào mà ông Trump ban hành cũng sẽ gây ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất ô tô của Đức. Theo nền tảng nghiên cứu JATO Dynamics, ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất Đức chiếm 73% trong số 820.000 xe được xuất khẩu từ EU sang Mỹ vào năm 2024.

"Hàng triệu chiếc ô tô đang được nhập khẩu vào Mỹ, bao gồm BMW, Mercedes-Benz và Volkswagen cùng rất nhiều loại xe khác. Và chúng tôi không làm gì về điều đó cả. Nhưng sẽ sớm thôi", ông Trump đã nói với các phóng viên vào ngày 3/2, trong lời cảnh báo trực tiếp và mạnh mẽ nhất của ông gửi tới các nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu.

Thế khó của các nhà sản xuất ô tô châu Âu- Ảnh 1.

Biểu tượng Tập đoàn chế tạo ô tô Volkswagen của Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump phát động diễn ra với tốc độ nhanh chóng trên nhiều mặt trận. Từ ngày 4/2, ông Trump đã áp thuế nhập khẩu bổ sung 10% đối với Trung Quốc, trong khi tạm dừng thuế quan 25% đối với Mexico và Canada trong vòng một tháng. Các nhà sản xuất ô tô của Đức cũng sẽ bị tổn hại bởi bất kỳ mức thuế quan nào áp dụng đối với Mexico, vì nhiều nhà sản xuất của nước này đã mở cơ sở sản xuất tại đó.

Các chuẩn mực thương mại toàn cầu bị đảo lộn

Bất kỳ khoản chi phí gia tăng nào đối với các nhà sản xuất ô tô EU đều sẽ gây thêm áp lực cho một ngành công nghiệp vốn đang phải đối mặt với tình trạng thị phần giảm ở Trung Quốc và nhu cầu thấp ở châu Âu.

Ông Sigrid de Vries, Tổng Thư ký của nhóm vận động hành lang ô tô EU ACEA, cho biết: "Chúng tôi vô cùng lo ngại về khả năng áp thuế của Mỹ. Thay vì áp dụng thuế quan trả đũa, EU và Mỹ nên cùng nhau hợp tác để đạt được một thỏa thuận lớn nhằm tránh xung đột thương mại tiềm tàng".

Nhóm vận động hành lang ACEA đã bắt đầu phát động chiến dịch giảm thiểu xung đột thương mại bằng cách kêu gọi các nhà lập pháp châu Âu chủ động đạt được thỏa thuận với Mỹ. BMW đã tiến thêm một bước nữa khi đề xuất EU nên hạ thuế quan xuống ngang bằng với thuế quan của Mỹ trong nỗ lực xoa dịu Tổng thống Trump và giảm chi phí xuất khẩu của chính BMW.

BMW có dấu ấn và thị phần lớn tại Mỹ. Hãng này sản xuất phần lớn xe SUV dòng X tại nhà máy Spartanburg ở bang Nam Carolina, sau đó xuất khẩu sang các nước còn lại trên thế giới.

Tuy nhiên, một đề xuất như vậy sẽ là "món quà" dành cho doanh nghiệp Trung Quốc. Thuế quan "có đi có lại" của Mỹ sẽ phá hủy nguyên tắc tối huệ quốc (MFN), vốn là nguyên tắc đã hỗ trợ hệ thống thương mại sau Thế chiến II. Theo đó, các quốc gia là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ mở rộng mức thuế thấp nhất của họ đối với một loại hàng hóa cụ thể cho tất cả các đối tác thương mại của họ.

Nếu EU đề nghị cắt giảm thuế quan đối với ô tô Mỹ từ 10% xuống còn 2,5%, họ sẽ phải cung cấp các điều khoản MFN tương tự cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Điều này sẽ làm suy yếu các mức thuế bổ sung mà các nhà hoạch định chính sách của Ủy ban châu Âu (EC) đã áp dụng từ năm 2024 đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc.

Với các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang trong tầm ngắm, các động thái bảo hộ thương mại khác của Tổng thống Trump có khả năng sẽ khiến nền kinh tế sản xuất bị mất cân bằng ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Ông Trump cũng đã đánh dấu mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, đe dọa làm tăng thêm áp lực về chi phí đầu vào tại Mỹ, trong khi chuyển hướng nguồn cung kim loại dư thừa từ Trung Quốc và một số quốc gia thế mạnh khác sang châu Âu.

Tệ hơn nữa, có khả năng là một khiếu nại đã được các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đưa ra, cho rằng thuế giá trị gia tăng (VAT) của EU tương đương với một rào cản bổ sung đối với ô tô do Mỹ sản xuất.

Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng Stephen Miller cho biết: "Ô tô Đức, hoặc ô tô châu Âu được gửi đến Mỹ chỉ bị đánh thuế 2,5% hoặc về cơ bản là bằng 0. Đây là lý do chính khiến ngành công nghiệp ô tô Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề và mất việc làm trong một thời gian dài như vậy. Nếu họ muốn được tính phí dưới 30%, họ sẽ phải hạ thấp rào cản của mình, để công bằng và bình đẳng,..".

Thế khó của các nhà sản xuất ô tô châu Âu- Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Sự dịch chuyển của các nhà sản xuất ô tô Đức

Mỹ là thị trường lớn nhất của xe Porsche. Công ty con của hãng VW xuất khẩu tất cả các mẫu xe của mình từ EU sang Mỹ và trong năm 2024, công ty này đã bán được con số kỷ lục 76.000 xe ở Mỹ. Audi, một thương hiệu khác của VW, cũng xuất khẩu tất cả các mẫu xe của mình sang Mỹ từ châu Âu, ngoại trừ mẫu xe Q5 được sản xuất tại Mexico.

Trong khi thị trường Mỹ là điểm sáng của Porsche, doanh số bán của Audi đã giảm 14% vào năm ngoái so với năm 2023. Bất kỳ chi phí bổ sung nào cũng sẽ làm giảm biên lợi nhuận của hãng và làm trầm trọng thêm các vấn đề đang gây khó khăn cho công ty mẹ Volkswagen. Tuy nhiên, Audi có một lựa chọn mà Porsche không có, đó là chuyển hoạt động sản xuất mẫu xe Q4 sang Mỹ, nơi Volkswagen sản xuất xe điện ID.4.

Đối với Tổng thống Trump, nếu thực sự tập trung vào nguyên tắc "có đi, có lại" về thuế quan, ông sẽ phải cắt giảm mức thuế nhập khẩu 25% đối với xe tải nhẹ mà Mỹ đã áp dụng kể từ khi ông Lyndon B. Johnson làm Tổng thống. 

Thuế này là lý do chính khiến các nhà sản xuất ô tô Mỹ vẫn thống trị thị trường xe bán tải trong nước, với Ford F-Series một lần nữa trở thành mẫu xe bán chạy nhất trong năm 2024.

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement