02/05/2021 07:44
Thế giới tuần qua: COVID-19 nóng ở châu Á; Nhìn lại 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Biden
Gia tăng lây nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ và nhiều nước châu Á cùng với những điểm nhấn sau 100 ngày nắm quyền tại Nhà Trắng của Tổng thống Joe Biden là hai sự kiện nổi bật trong tuần.
Đại dịch COVID-19 bùng phát nguy hiểm ở châu Á
Trái ngược với xu thế dịu xuống ở châu Âu, đại dịch COVID-19 đang lây lan mạnh ở châu Á, với tâm điểm là Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á.
Ấn Độ trong ngày 1/5 lần đầu tiên ghi nhận trên 400.000 ca mắc mới và 3.523 ca tử vong do COVID-19. Đây cũng là ngày thứ 10 liên tiếp quốc gia Nam Á này có trên 300.000 ca lây nhiễm/ngày. Đến nay, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 19,1 triệu ca nhiễm và 211.853 ca tử vong vì bệnh dịch.
Chỉ trong chưa đầy hai tháng, Ấn Độ có thêm 7,7 triệu ca dương tính với SARS-CoV-2 và trở thành tâm dịch lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Diễn biến dịch bệnh sẽ còn phức tạp, bởi giới chuyên gia dự báo đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm lần này sẽ rơi vào khoảng trung tuần tháng 5.
Bùng phát lây nhiễm đã đẩy hệ thống y tế tại Ấn Độ đến ngưỡng quá tải. Thiếu giường bệnh, thiếu máy thở, oxy, đồ bảo hộ y tế đang là thực tế phổ biến ở hầu khắp các bệnh viện. Hàng loạt quốc gia trên thế giới trong đó có Mỹ, Nga, Pháp và Anh đã gấp rút viện trợ, cung cấp thiết bị y tế thiết yếu, khẩn cấp cho Ấn Độ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã cử hơn 2.600 nhân viên từ các chương trình khác của WHO tới hỗ trợ Ấn Độ chống đại dịch COVID-19.
Để kiểm soát dịch bệnh, Ấn Độ từ ngày 1/5 đã mở rộng chương trình tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19, với đối tượng người từ 18-45 tuổi được đưa vào diện áp dụng. Tuy nhiên, chính quyền nhiều bang cho biết không có đủ lượng vaccine để phục tiêm ngừa cho người dân có nhu cầu.
Cho đến hiện tại, mới chỉ có đội ngũ nhân viên y tế, người trên 45 tuổi và người có bệnh nền được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và chương trình này cũng chưa thể hoàn tất mục tiêu ở nhiều khu vực do khan hiếm vaccine.
Ước tính có khoảng 150 triệu liều vaccine đã được tiêm, chỉ chiếm 11,5% so với dân số 1,3 tỷ người của Ấn Độ.
Nhiều nước Đông Nam Á cũng phải đối mặt với xu hướng lây nhiễm nghiêm trọng. Thái Lan trong ngày 1/5 ghi nhận 1.891 ca mắc mới, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 lên tới 67.022 ca, trong đó có 224 ca tử vong.
Để ngăn chặn dịch bệnh, Thái Lan đã ra lệnh đóng cửa trường học, cơ sở giải trí và phòng tập gym, đồng thời áp mức phạt lên tới 20.000 baht (khoảng 636 USD) đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Tính đến sáng 1/5, Campuchia có 13.790 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, với 96 ca tử vong. Để chặn đà lây lan, lực lượng quân y Campuchia đã triển khai chiến dịch tiêm phòng quy mô lớn cho khoảng 500.000 người ở nơi có mức độ lây nhiễm COVID-19 cao hay còn gọi là “khu vực Đỏ” thuộc thủ đô Phnom Penh.
Những nước chịu ảnh hưởng nặng trong đợt dịch đầu tiên như Philippines, Malaysia cũng chưa thể chặn đứng đà lây nhiễm. Số ca mắc COVID-19 ở Philipines tính đến ngày 1/5 là 1.046.653 ca, với trung bình trên 9.000 trường hợp lây nhiễm mới/ngày trong một tuần gần đây.
Còn tại Malaysia, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết chính quyền đang cân nhắc kéo dài Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) tại các bang có số ca mắc mới COVID-19 tăng đột biến.
Thành công chưa trọn vẹn sau 100 ngày cầm quyền của ông Joe Biden
Ngày 29/4 đánh dấu tròn 100 ngày ông Joe Biden lên nắm quyền tại Nhà Trắng. Nhân sự kiện này, Tổng thống Mỹ đã có bài phát biểu đầu tiên trước lưỡng viện Quốc hội trước đó một ngày, điểm lại những thành tựu mà chính quyền mới ở Mỹ đã làm được sau hơn 3 tháng qua, chủ yếu tập trung vào chính sách đối nội.
Nước Mỹ “đang cất cánh khủng hoảng”, đó là thông điệp chủ đạo được ông Biden đưa ra. Theo Tổng thống Mỹ, ông bước vào Nhà Trắng trong tình cảnh nước Mỹ đang trong thời kỳ khủng hoảng. Đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỉ qua tàn phá nước Mỹ, gây ra khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái. Nhưng sau 100 ngày, nước Mỹ đã có sự dịch chuyển, chính quyền mới đã biến khủng hoảng thành cơ hội và vươn lên, biến mối nguy thành tiềm năng, tạo ra nhiều thành tựu nổi bật.
Cuộc chiến chống COVID-19 cùng với gói kích thích kinh tế là hai thành tựu được ông Biden nhấn mạnh trong bài phát biểu. Chiến dịch tiêm chủng được triển khai nhanh chóng, lời hứa về tiêm ngừa hơn 100 triệu liệu vaccine sau 100 ngày được thực hiện vượt tiến độ hơn 200%. Gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỉ USD đã phát huy tác dụng, cho thấy đây là “một gói cứu trợ hiệu quả nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Nước Mỹ đã tạo ra hơn 1,3 triệu việc làm sau 100 ngày, nhiều hơn bất kỳ một chính quyền tiền nhiệm nào. Chính phủ sẽ còn tạo ra hàng triệu việc làm có thu nhập cao trong thời gian tới - Tổng thống Mỹ cam kết.
Nhìn về tương lai, ông Biden đề cập đến bản “Kế hoạch Gia đình Mỹ” trị giá 1.800 tỷ USD, trong đó bao gồm các khoản dành cho chương trình quốc gia chăm sóc y tế trẻ em, người lao động nghỉ phép có lương và miễn học phí tại các trường cao đẳng. Kế hoạch này là phần thứ 2 trong đề xuất gồm 2 phần nhằm giúp khôi phục nền kinh tế Mỹ sau những tác động của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, có một thực tế mà ông Biden hầu như không dịch chuyển được trong 100 ngày qua, đó chính là hàn gắn vết thương trong lòng nước Mỹ, cũng là thông điệp được đề cập xuyên suốt trong bài phát biểu lần này. Dư âm của cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ vẫn còn đó, với hệ quả là phân cực chính trị, phân chia đảng phái trong xã hội Mỹ có xu hướng rộng ra.
Những việc chính quyền mới làm được trong 100 ngày đầu tiên là đáng ghi nhận, nhất là phản ứng chính sách trước đại dịch. Nhưng nó không làm thay đổi một thực tế ít được nhắc tới: Kết quả thăm dò dư luận về mức độ tín nhiệm của dân chúng dành cho ông Biden sau 100 ngày tại nhiệm cho thấy, chỉ có 52% hài lòng với năng lực điều hành của tổng thống. Đây là mức tín nhiệm thấp thứ ba trong lịch sử nước Mỹ, chỉ trên người tiền nhiệm là Donald Trump (42%) và Tổng thống Gerald Ford (48%) trong cùng thời gian 100 ngày cầm quyền.
Mức tín nhiệm thấp này có nhiều nguyên nhân, nhưng rõ nhất là phân tách đảng phái. Chỉ có 13% cử tri Cộng hòa ủng hộ ông Biden, trong khi con số đó của ông Obama vào tháng 4/2009 là 36%. Cựu Tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush trước đó cũng nhận được sự tán thành của 39% số cử tri Dân chủ. Để nâng được tỉ lệ ủng hộ là việc làm không dễ, bởi nó gắn với câu chuyện hàn gắn nước Mỹ, một nan đề ông Biden có thể sẽ không xử lý được trong nhiệm kỳ cầm quyền.
Advertisement
Advertisement