Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thế giới thận trọng với tiền ảo

Giá cả hàng hóa

16/04/2018 07:56

Mỗi quốc gia đều có quy định riêng về quản lý tiền ảo nhưng nhìn chung đều khá thận trọng nhằm tránh rủi ro cho người dùng và thị trường tiền tệ.

Một số quốc gia như: Bangladesh, Bolivia, Ecuador, Kyrgyzstan… cấm tổ chức/cá nhân giao dịch mua bán, sử dụng Bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác trên lãnh thổ quốc gia.

Trung Quốc, Niregia đã ban hành Cảnh báo về rủi ro của đồng Bitcoin, trong đó cấm các tổ chức tài chính sử dụng hay mua bán Bitcoin hay các loại tiền ảo khác.

Chính phủ Trung Quốc áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với các hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu và các giao dịch thương mại bằng tiền ảo. Lệnh cấm áp dụng từ tháng 9/2017 đã chấm dứt ngay lập tức các hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu trong nước.

Dù Trung Quốc rà soát các hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu và giao dịch tiền ảo nhưng nước này không phản đối ý tưởng tiền ảo và đang nghiên cứu phát triển đồng tiền điện tử của riêng mình.

Những đồng tiền ảo có giá trị vốn hóa thị trường cao hiện nay.
Những đồng tiền ảo có giá trị vốn hóa thị trường cao hiện nay.

Các quốc gia như Anh, Canada, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan… không cấm việc trao đổi và mua bán Bitcoin cũng như các loại tiền ảo và coi đó như một loại tài sản và đánh thuế trên các giao dịch mua bán Bitcoin. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tại các quốc gia này cũng đưa ra cảnh báo về rủi ro của các loại tiền ảo và khuyến nghị người dân không tham gia mua bán tiền ảo và không được Nhà nước bảo vệ đối với những rủi ro, tổn thất nếu xảy ra.

Nhật Bản đã hợp pháp hóa bitcoin như một phương tiện thanh toán từ tháng 4/2017. Theo đó, Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản (JFSA) đã sửa Luật các dịch vụ thanh toán, coi Bitcoin là một phương tiện thanh toán trả trước, hợp pháp trên lãnh thổ Nhật Bản, đồng thời cũng coi tiền ảo là tài sản và chịu sự kiểm soát của cơ quan này. Hiện nay, đã có khoảng 10.000 công ty Nhật Bản chấp nhận thanh toán bằng bitcoin, bao gồm cả hãng hàng không giá rẻ lớn nhất. Nhật Bản cũng đánh thuế tiền ảo từ các doanh nghiệp kinh doanh tiền ảo.

Tuy nhiên, để kiềm chế bớt sự tăng trưởng của một thị trường còn đang khá lộn xộn, mới đây, cơ quan quản lý ngành tài chính Nhật Bản đã yêu cầu 2 sàn kinh doanh tiền ảo bao gồm Bitstation và FSHO ngừng hoạt động trong vòng một tháng và yêu cầu 5 sàn khác tăng cường kiểm soát nội bộ.

Tại Mỹ, đồng tiền ảo Bitcoin cũng đã được công nhận chính thức là một loại hàng hóa cơ bản giống như vàng hay dầu thô từ năm 2015, tuy nhiên, đến nay, các quy định về tiền ảo vẫn đang trong giai đoạn đầu. Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua bất kỳ một đạo luật nào đề cập đến tiền ảo một cách trực tiếp.

Quan điểm của Ủy ban Chứng khoán và ngoại hối Mỹ (SEC) cho rằng, tiền ảo tương đương với chứng khoán theo định nghĩa của cơ quan quản lý liên bang. Do đó, các nền tảng giao dịch cho các loại tiền mật mã phải tuân theo các quy định của liên bang và phải được đăng ký với SEC. Theo SEC, các giao dịch tiền ảo có thể cải thiện bằng cách thực hiện các nguyên tắc tương tự của thị trường chứng khoán.

Hàn Quốc, quốc gia giao dịch tiền ảo lớn thứ ba sau Nhật Bản và Mỹ, đã cấm hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu vào tháng 9/2017 nhưng không cấm giao dịch tiền ảo. Thay vào đó, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra những hướng dẫn quản lý giao dịch tiền ảo theo hướng chặt chẽ hơn từ tháng 1/2018 để ngăn chặn tình trạng giao dịch nặc danh và đưa ra hướng dẫn chống rửa tiền đối với tiền ảo. Nhìn chung, chính phủ Hàn Quốc ủng hộ các giao dịch thông thường đối với tiền ảo.

Tại Nga, Bộ Tài chính Nga đã công bố bản dự thảo luật liên bang vào ngày 25/1/2018 để lấy ý kiến cho việc hợp pháp hóa tiền ảo và cho phép giao dịch trên các sàn giao dịch được cấp phép. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Chính phủ Nga không công nhận tiền ảo như một phương tiện thanh toán hợp pháp.

Trong khi các nền kinh tế phát triển hành động thận trọng thì các nền kinh tế nhỏ và mới nổi lại tỏ ra khá thân thiện với tiền ảo. Belarus đã hợp pháp hoá tiền ảo và các hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu, đồng thời tuyên bố các hoạt động liên quan đến việc tạo và bán token số và đào tiền ảo sẽ được miễn thuế cho đến năm 2023. Campuchia cũng đang tìm cách hợp pháp hóa và quản lý giao dịch tiền ảo như một cách để thúc đẩy tăng trưởng.

5 đồng tiền ảo lớn nhất thế giới hiện nay

Tiền ảo đang hồi phục giá sau thời giam đỏ sắc mạnh.
Tiền ảo đang hồi phục giá sau thời giam đỏ sắc mạnh.

Bitcoin

Ra đời vào năm 2009, Bitcoin là đồng tiền ảo lớn nhất thế giới hiện nay về giá trị vốn hóa. Một sách trắng được công bố bởi Satoshi Nakamoto - "cha đẻ" bí ẩn của Bitcoin - đã nói về mục đích của dự án tiền ảo này. Tài liệu nói rằng Bitcoin là một "phiên bản ngang hàng (peer-to-peer) của tiền điện tử, cho phép các thanh toán trực tuyến được gửi trực tiếp từ bên này tới bên khác mà không cần thông qua một định chế tài chính nào".

Bitcoin được hậu thuẫn bởi một công nghệ có tên là blockchain - về bản chất là một sổ cái (ledger) kỹ thuật số ghi các hoạt động không thể có sự can thiệp, chỉnh sửa. Bitcoin phi tập trung vì không có một quyền lực trung ương nào kiểm soát nó. Thay vào đó, một hệ thống những "thợ đào" (miner) sử dụng máy tính với năng lực xử lý cao cùng nhau làm việc để xác minh các giao dịch thông qua các mật mã phức tạp. Tuy nhiên, do cơn sốt Bitcoin tăng nhiệt cao, thời gian thực hiện các giao dịch Bitcoin tăng lên, và điều này có thể đi ngược lại mục tiêu ban đầu của đồng tiền ảo. Trong khi Nakamoto coi Bitcoin là tiền điện tử, nhiều chuyên gia đã gọi Bitcoin là "vàng kỹ thuật số" và nói rằng đồng tiền ảo này có thể là một kênh lưu trữ giá trị trong dài hạn.

Ở thời điểm hiện tại, một số nhà bán lẻ ở Nhật Bản đã chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, và thậm chí đã có một số công ty bất động sản nhận tiền mua nhà bằng Bitcoin. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy Bitcoin được sử dụng rộng rãi với tư cách phương tiện thanh toán.

Ethereum

Ethereum là tên của một công ty công nghệ blockchain tạo ra đồng tiền kỹ thuật số Ether. Tuy nhiên, hai cái tên Ethereum và Ether hiện đang cùng được sử dụng để chỉ đồng tiền ảo này.

Tương tự như Bitcoin, Ethereum được hậu thuẫn bởi công nghệ blockchain, nhưng công nghệ của Ethereum có khác đôi chút và đồng tiền ảo này nhằm sử dụng cho trường hợp cụ thể là các hợp đồng thông minh.

Thỏa thuận tài chính thương mại là một ví dụ. Trong những thỏa thuận thuộc loại này, mỗi bên nắm một bản cứng hoặc bản mềm của hợp đồng và cần phải tự mình cập nhật thông tin trên đó. Cách làm này khá phức tạp và thường xảy ra lỗi. Trong khi đó, hợp đồng thông minh là dạng hợp đồng được viết bằng mã vào một blockchain. Một khi các điều khoản hợp đồng được một bên đáp ứng, thỏa thuận sẽ được thực thi.

Nhiều tổ chức lớn hiện đang thử nghiệm công nghệ blockchain của Ethereum. Một tổ chức có tên Enterprise Ethereum Alliance, bao gồm các công ty như Microsoft và JPMorgan Chase, đang phát triển các tính năng của công nghệ blockchain Ethereum.

Đồng tiền kỹ thuật số Ethereum được tìm kiếm bởi các nhà phát triển ứng dụng muốn làm ứng dụng trên blockchain Ethereum và những người sử dụng muốn truy cập để tương tác với các hợp đồng thông minh trên nền tảng này.

Bitcoin Cash

Bitcoin Cash ra đời vào tháng 7 năm nay sau khi Bitcoin trải qua một cuộc chia tách. Những người sở hữu Bitcoin vào thời điểm đó được Bitcoin Cash miễn phí. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá của Bitcoin Cash không mạnh như các đồng tiền kỹ thuật số khác.

Nhiều nhà phát triển Bitcoin lo ngại về thời gian thực hiện giao dịch trong mạng lưới Bitcoin. Bởi vậy, họ đã đề ra một giải pháp nhằm tăng quy mô của mỗi giao dịch, theo đó đẩy nhanh tốc độ giao dịch. Tuy nhiên, không phải ai trong cộng đồng Bitcoin cũng đồng tình với đề xuất này, dẫn tới việc Bitcoin bị chia tách.

Nhóm nhà phát triển đứng sau Bitcoin Cash nói rằng thời gian giao dịch kể từ khi Bitcoin tách làm đôi là nhanh hơn so với khi chưa chia tách.

Ripple

Ripple được quảng bá là một giải pháp phương tiện thanh toán xuyên biên giới dành cho các định chế tài chính lớn dựa trên công nghệ blockchain.

Ở thời điểm hiện tại, mỗi một thanh toán quốc tế có thể phải mất tới vài ngày để thực hiện với chi phí rất đắt đỏ. Vấn đề gây "đau đầu" đối với các ngân hàng là các giao dịch với số lượng lớn nhưng giá trị thấp, kiểu như các khoản thanh toán của Facebook dành cho các nhà phát triển ứng dụng. Những thanh toán như vậy thường tốn kém và không mang lại lợi nhuận cho các ngân hàng, bởi mất nhiều công sức để chuyển tiền và mức phí lại không cao như đối với các giao dịch lớn.

Công ty khởi nghiệp (start-up) Ripple đang nỗ lực giải quyết vấn đề này thông qua công nghệ của mình. Công ty này đã tiến hành thử nghiệm với một số định chế tài chính, bao gồm American Express và Santander.

Đồng tiền ảo Ripple, còn được biết đến với cái tên XRP, có thể được các doanh nghiệp sử dụng để có thanh khoản nhanh cần thiết cho một giao dịch giá trị lớn mà không phải trả phí.

XRP có vai trò như một cầu nối giữa các đồng tiền giấy trong một giao dịch. Ripple nói rằng giao dịch bằng XRP có thể hoàn tất trong 4 giây đồng hồ, nhanh hơn bất kỳ đồng tiền kỹ thuật số lớn nào hiện nay.

Litecoin

Litecoin có lẽ chính là đối thủ gần nhất của Bitcoin xét về công dụng. Nhà sáng lập Litecoin là Charlie Lee đã nhiều lần nói rằng đồng tiền kỹ thuật số này có thể được sử dụng cho các thanh toán vì nó nhanh hơn Bitcoin.

Các giao dịch Litecoin chỉ mất 2 phút để hoàn thành, so với mức trung bình gần 300 phút đối với Bitcoin.

Giới hạn nguồn cung Litecoin là 84 triệu Litecoin, so với mức giới hạn 21 triệu Bitcoin. Hiện đang có gần 54,3 triệu Litecoin và hơn 16,7 triệu Bitcoin đang được lưu hành.

"Litecoin rất giống với Bitcoin ngoại trừ việc nó có số lượng nhiều gấp 4 lần Bitcoin. Ngoài ra, nó còn nhanh gấp Bitcoin 4 lần", ông Lee nói với CNBC mới đây. "Tôi cho rằng Litecoin hướng nhiều hơn đến thanh toán, giao dịch nhanh hơn, và với chi phí rẻ hơn".

T.H (theo Công Luận)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement