02/01/2021 07:41
Thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ năm 2021?
Với người dân toàn thế giới, hy vọng lớn nhất là năm 2021 sẽ có các chuyển đổi có lợi: nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, các công ty xoay trục với các mô hình kinh doanh "tái định dạng" và các chính phủ "xây dựng lại tốt hơn".
Và, những người ra quyết định sẽ phải dành phần lớn thời gian trong năm để đối phó với những gì cú sốc Covid-19 đã, đang và sẽ gây ra.
Trong một bài viết được báo Japan Times đăng tải, Mohamed A. El-Erian - trưởng cố vấn kinh tế tại Allianz và Chủ tịch Queens' College, Đại học Cambridge, từng là là Chủ tịch Hội đồng Phát triển toàn cầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nêu ra bốn lý do để lạc quan về năm 2021.
|
Đầu tiên và quan trọng nhất, các nhà khoa học và công ty dược phẩm đã làm việc rất tích cực để phát triển vắc-xin Covid-19, với sự hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp từ chính phủ. Một số ít vắc-xin đã được phê duyệt, từ đó mở đường cho khả năng miễn dịch cộng đồng cần thiết để các tương tác kinh tế và xã hội trở lại bình thường.
Thứ hai, một bộ phận đáng kể của khu vực tư nhân - được tiếp sức bởi thị trường vốn rộng mở cung cấp nguồn tài chính dồi dào với chi phí thấp - đang bận rộn suy nghĩ và lập kế hoạch cho thế giới sau đại dịch. Các doanh nghiệp đang tìm cách thoát khỏi khủng hoảng với sự cân bằng tốt hơn giữa khả năng phục hồi và tính hiệu quả, cũng như với sự năng nổ hoạt động và tư duy cởi mở mà họ có thể đạt được khi bị đẩy vào một mô hình quản lý khủng hoảng không chắc chắn và không đồng đều.
Thứ ba, những khó khăn cố hữu của công tác quản lý trong thời kỳ đại dịch đã làm nổi bật năng lực lãnh đạo yếu kém trong các công ty và chính quyền, cả ở cấp địa phương lẫn quốc gia. Cú sốc Covid-19 cũng phơi bày những thất bại lớn về phối hợp toàn cầu và khu vực, đồng thời tạo ra sự đánh giá tốt hơn và rộng rãi hơn về "các sự kiện phát sinh" có tác động lớn. Tất cả những điều này sẽ giúp nâng cao khả năng thích ứng vốn rất cần thiết của cấu trúc quản trị hôm qua với thực tế linh hoạt hơn của ngày nay.
Cuối cùng, các thí nghiệm tự nhiên khác nhau được thực hiện trên nhiều quốc gia và các phân đoạn xã hội thời đại dịch đã dẫn tới mức độ nhận thức cao hơn về tầm quan trọng của tính bền vững,đa dạng và trách nhiệm xã hội. Sự dịch chuyển đó có thể dẫn đến những thay đổi cần thiết trong các mô hình điều hành kinh tế ở nhiều lĩnh vực. Thay vì liên tục vay mượn từ tương lai, chúng ta có thể và phải làm nhiều hơn nữa ngay bây giờ để đảm bảo nguồn lực lớn hơn cho các thế hệ tương lai, để họ khá giả hơn ông bà cha mẹ của mình.Tác giả Mohamed A. El-Erian bày tỏ lo ngại 4 khả năng trên sẽ gặp trở ngại từ chính sự bất lực của con người trong xử lý những hậu quả mà đại dịch Covid-19 gây ra. Một kết quả như vậy chắc chắn không phải là lần đầu mà một hành trình không hoàn hảo ngăn cản các nền kinh tế tiến tới điểm đến đầy hứa hẹn.
Chẳng hạn, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều nhà hoạch định chính sách đã quá vội ăn mừng chiến thắng trước mối đe dọa thực sự của suy thoái toàn cầu kéo dài nhiều năm, đến mức họ không chú ý đến việc đảm bảo sự tăng trưởng dài hạn mạnh mẽ, bao trùm và bền vững sau đó. Đặc biệt là ở các nước giàu, sai lầm này đã gây hại trầm trọng cho các yếu tố cấu trúc thuộc mọi loại hình - kinh tế, tài chính, thể chế, chính trị và xã hội - và làm cạn kiệt tiềm năng hồi phục của họ.
Theo ông Mohamed A. El-Erian, để tránh lặp lại sai lầm đó, vào năm 2021 khi thế giới có thể thoát khỏi đại dịch, các nhà hoạch định chính sách phải hành động sớm và dứt khoát trong ba lĩnh vực.
Trước tiên, chúng ta cần đảm bảo mình có thể sống tốt hơn với Covid-19. Ngay cả khi một loại vắc-xin sớm được phê duyệt, việc sản xuất và phổ biến vắc-xin này cũng sẽ mất vài tháng. Hơn nữa, tỷ lệ chấp nhận cao và hiệu quả lâu dài là điều còn chưa chắc. Vì thế, chúng ta có thể không đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng thích hợp cho đến nửa cuối năm 2021.
Nhiều nước tiên tiến cần khẩn trương ngăn chặn tỷ lệ lây nhiễm Covid-19, đồng thời nhanh chóng xây dựng năng lực xét nghiệm và truy vết, nâng cao phương pháp điều trị và cải thiện thông tin liên lạc. Đặc biệt, các chính phủ và các cơ quan y tế công cộng cần phải hành động nhiều hơn nữa để củng cố thông điệp rằng dẫu có nhiều khó khăn, đó là cách duy nhất để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thứ hai, các chính phủ phải có những bước đi ngay từ bây giờ (chẳng hạn như hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đầu tư nền kinh tế thân thiện môi trường, đào tạo lại và trang bị lại lao động, và cải cách thuế) để chống lại áp lực dài hạn ngày càng tăng đối với sức tăng trưởng tiềm năng.
Nếu họ không hành động nhanh chóng, thế giới hậu đại dịch sẽ tràn ngập các công ty phá sản và thất nghiệp kéo dài. Xu hướng toàn cầu hóa sẽ co lại, khả năng cạnh tranh sẽ giảm bớt, và bất bình đẳng về thu nhập, của cải và cơ hội sẽ trở nên tồi tệ hơn. Nền kinh tế toàn cầu sẽ kém hiệu quả và phân tán hơn, với ít sự tham gia và tiếp cận hơn, trong khi mức độ mất an toàn tài chính hộ gia đình cao hơn.
Tất cả những điều đó có thể dẫn đến - ở cả phía cung lẫn phía cầu - những rào cản cấu trúc kéo dài, khó vượt qua đối với sự phục hồi kinh tế.
Thứ ba, các nhà hoạch định chính sách phải giải quyết vấn đề tách rời tài chính khỏi nền kinh tế thực, vốn đã trở nên cực đoan đến mức khiến sức phát triển kinh tế trong tương lai gặp nguy hiểm.
Điều cuối cùng mà nền kinh tế toàn cầu cần là một làn sóng xóa bỏ đòn bẩy tài chính vô trật tự, trong đó sự chấp nhận rủi ro quá mức của các tổ chức tài chính phi ngân hàng trong vài năm qua đã làm suy yếu, thậm chí làm chệch hướng phục hồi kinh tế.
Nếu không nhanh chóng hành động theo ba yêu cầu này sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch bị mắc kẹt trong một mô hình tăng trưởng không đầy đủ, bất bình đẳng quá mức, rạn nứt xã hội nghiêm trọng hơn và các đợt biến động tài chính thường xuyên hơn. Một phản ứng chính sách chậm chạp sẽ làm tiêu hao năng lượng và sự ủng hộ của cộng đồng vốn rất cần thiết để đảm bảo quá trình chuyển đổi sang các cơ hội mới, hiệu quả và được trả lương cao diễn ra suôn sẻ.
Để tạo ra một sự phục hồi kinh tế lớn trong năm 2021, và duy trì mức độ tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững sau đó, sẽ đòi hỏi nhiều hơn một loại vắc xin Covid-19. Nhưng với những biện pháp táo bạo, khả năng lãnh đạo truyền cảm hứng và một chút may mắn, các nhà hoạch định chính sách có thể giúp đưa nền kinh tế toàn cầu đi đúng hướng.
Advertisement
Advertisement