28/12/2020 11:43
Thấy gì sau các đỉnh giá kỷ lục của Bitcoin?
Điều gì khiến Bitcoin liên tục lập đỉnh mới. Đồng tiền số này đã vượt ngưỡng 28.000 USD trong ngày giao dịch 27/12, hiện chiếm đến hơn 70% vốn hóa thị trường tiền số và vượt xa tất cả mọi kỷ lục về tăng giá khác trong lịch sử tài chính thế giới.
Đỉnh tiếp đỉnh
Ở những tháng cuối 2020, Bitcoin bất ngờ liên tục vượt đỉnh cao nhất thời đại của mình, có lúc đã vượt mốc 28.000 USD, bỏ xa đỉnh thiết lập được năm 2017 ở 20.000 USD và mức 25.000 USD của vài ngày trước đó, đưa đồng tiền số này tăng hơn 35 triệu lần tính từ lúc được giao dịch lần đầu cách đây 11 năm.
Tính riêng trong năm 2020 đồng tiền số này đã tăng bốn lần, nếu tính từ đáy của năm thì Bitcoin đã tăng xấp xỉ 7 lần, cao hơn mức tăng ngoạn mục của cổ phiếu Tesla đã đưa Elon Musk từ hạng 40 trong danh sách người giàu thế giới năm trước lên vị trí thứ 2 năm nay.
Đồng thời ông cũng là tỉ phú đầu tiên trong lịch sử có lúc kiếm được gần 150 tỉ USD nhờ giá cổ phiếu tăng chỉ trong một năm.
Tesla cũng trở thành hãng xe có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới, lớn hơn vốn hóa của cả sáu hãng xe đứng sau là Toyota, Volkswagen, Daimler, General Motors, BMW và Honda cộng lại, dù doanh số không bằng một phần nhỏ của các công ty này. Và điều ít người biết là mức tăng này có được thậm chí từ một phần sự liên hệ của công ty này với thị trường tiền số.
Ông Phan Dũng Khánh là giám đốc Tư vấn đầu tư công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng. |
Kỷ lục tiền số thiết lập còn là bất ngờ lớn trong lúc nhà đầu tư toàn cầu đổ xô đến các kênh chứng khoán và vàng (đều lập kỷ lục lịch sử), bất động sản (như bất động sản Mỹ và nhiều nước khác có số lượng giao dịch và giá cũng tăng kỷ lục), thậm chí cả trái phiếu (chính phủ và doanh nghiệp) cũng thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư F0 đến các định chế tài chính, kể cả những tổ chức vốn có truyền thống đầu tư an toàn như quỹ hưu trí.
Bitcoin đã tăng trong “âm thầm” khi chỉ có “dân tiền số” chú ý. Một bất ngờ nữa là ngoại trừ Bitcoin, hầu hết các Topcoin (những đồng tiền mã hóa hàng đầu) đều tăng yếu hơn, thậm chí giảm giá. Do đó Bitcoin trở thành điểm sáng trên thị trường và gây bất ngờ với thế giới trong một năm đầy biến động.
Đã thay đổi tính đầu cơ?
Khác với năm 2017, khi Bitcoin lập kỷ lục thì các Altcoin cũng leo đỉnh, đưa vốn hóa toàn bộ thị trường tiền mã hóa có lúc vượt 800 tỉ USD. Hiện Bitcoin đã vượt xa kỷ lục đó và thị trường cũng có thêm hàng ngàn coin, token… mới khác nhưng vốn hóa theo thống kê từ CMC chỉ hơn 600 tỉ USD tính đến cuối năm 2020 do nhiều Altcoin tăng yếu hoặc giảm. Điều này cũng cho thấy các kỷ lục trước đó đều nặng yếu tố đầu cơ khiến toàn thị trường tăng điên loạn. Lúc đó những vụ ICO, ITO (phát hành tiền mã hóa) bùng nổ nhưng hầu hết là coin rác hoặc được lập ra với ý định lừa đảo, cứ phát hành là giá tăng hàng chục, hàng trăm lần.
Bitcoin hiện được xem là “vàng phiên bản 2.0” trong bối cảnh các quốc gia nới lỏng tiền tệ, tiền khắp nơi nhưng kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn và nợ nần chồng chất. Số liệu thống kê từ nhiều nguồn cho thấy nợ công toàn cầu vượt 80.000 tỉ USD. Tổng các loại nợ (nợ công, nợ doanh nghiệp, nợ hộ gia đình, nợ cá nhân…) cũng chạm 280.000 tỉ USD. Tiền nhiều, nợ cũng nhiều nhưng đa số chảy vào các tài sản tài chính như chứng khoán, bất động sản, vàng… để kiếm tiền nhanh và có thể trực tuyến thay vì phải ra đường và lo sợ bệnh dịch.
Vì thế nền kinh tế thế giới 2020 mới tạo ra mô hình chữ K - kinh tế đi xuống hoặc phục hồi chậm nhưng thị trường tài chính lại đi lên như vũ bão. Điều này làm cho Bitcoin trở thành một dạng tài sản trú ẩn an toàn nhờ số lượng chỉ giới hạn tới 21 triệu (không bao gồm các phiên bản con) nghĩa là lạm phát được kiểm soát, chưa kể 1/3 trong số đó người nắm giữ quên địa chỉ bí mật của ví điện tử hay do nhiều nguyên nhân khác.
Ở đợt tăng giá 2017 hầu như giới nhà giàu, tổ chức lớn đều đứng ngoài cuộc. Điều hoàn toàn trái ngược với hiện tại, tiền số được các tỉ phú và nhiều định chế tài chính hậu thuẫn tích cực hơn. Tỉ phú Elon Musk thường xuyên đăng bài về thị trường tiền số trên trang cá nhân, tỉ phú truyền thông Mexico Ricardo Salinas Pliego cho biết đã đầu tư 10% tài sản thanh khoản cao của mình vào tiền số. Các huyền thoại đầu tư phố Wall như Stanley Druckenmiller, Paul Tudor Jones và Bill Miller cũng xem việc đầu tư tiền số là một phần tài sản. Thậm chí những người hiện vẫn phản đối tiền số như tỉ phú Mark Cuban cũng cho rằng “Bitcoin cũng là một công cụ lưu trữ giá trị như vàng”.
Các ngân hàng lớn như JP Morgan Chase, Citigroup, Goldman Sach, Bank of American… cũng dự báo tích cực, thậm chí JPMorgan Chase còn cho rằng tiền số sẽ gây thiệt hại cho vàng trong nhiều năm tới. Ngân hàng này còn phát hành cả JPM Coin và thừa nhận những nền tảng đằng sau nó (như Blockchain) có nhiều ứng dụng cho mọi lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực tài chính. Các quỹ truyền thống cũng phân bổ bớt tài sản sang thị trường này để giảm thiểu rủi ro từ các kênh khác.
Đa dạng nền tảng công nghệ
Nếu như những năm trước, công nghệ được nhắc đến đằng sau tiền mã hóa là blockchain thì hiện nay các công nghệ nền tảng phía sau đa dạng hơn, hữu ích hơn và tốc độ ứng dụng thực tiễn cũng nhanh hơn, chẳng hạn DeFi (tài chính phi tập trung), chứng khoán điện tử, tài chính số… Những coin rác vì thế khó thể tồn tại lâu.
Đơn cử, DeFi trong năm qua quy mô ứng dụng và nhận đầu tư đã tăng hàng trăm lần, kéo theo những dự án liên quan đến những nền tảng công nghệ này nhận được sự quan tâm và mức tăng giá tốt hơn.
Biến động giá Bitcoin trong 24 giờ qua (tính đến 0h ngày 28/12) |
Những rủi ro hiện tại
Công nghệ phát triển nhanh nhưng “lừa đảo 4.0” cũng như “nấm mọc sau mưa”. Nhiều người đầu tư tiền số không phải vì yêu thích công nghệ mà vì đầu cơ khiến thị trường biến động rất mạnh. Mức biến động có khi lên tới vài chục hoặc vài trăm lần trong thời gian cực ngắn. Ví dụ dự án liên quan đến DeFi của Token Ampleforth hồi tháng 7 đã giúp nó tăng tới 700.000% chỉ trong một phút (từ 1,9 USD lên gần 13.500 USD) nhưng rồi rớt lại 99.99% chỉ vài phút sau đó.
Hiện nhiều nhà đầu tư, hay nói đúng hơn là đầu cơ, chỉ chăm vào việc "ăn non" đến mức thậm chí không phân biệt được các khái niệm của tiền kỹ thuật số như tiền ảo, tiền mã hóa, tiền điện tử… dễ trở thành nạn nhân cho những kẻ lừa đảo, hoặc không bị lừa cũng khó chịu nổi sự biến động của thị trường.
Các cơ quan giám sát tài chính và các tổ chức bảo vệ luật pháp quốc tế đã cảnh báo lừa đảo trên thị trường này đứng đầu thế giới. Vì vậy hành lang pháp lý ngày càng chặt chẽ hơn dù nhiều đồng tiền phi tập trung hay phân tán hoàn toàn như Bitcoin vốn được sinh ra không phải để chịu quản lý. Chính vì vậy chúng vẫn chưa thể được sử dụng đại trà do luật pháp hạn chế hoặc chỉ cho phép nếu có thể quản lý được.
Mới đây Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã cấm/ngăn chặn một số loại tiền kỹ thuật số hoặc yêu cầu phải giao dịch dưới sự quản lý như một loại chứng khoán đã gây xáo trộn và biến động mạnh trên thị trường tiền số, đặc biệt với các dự án được tạo ra bởi các công ty (khác với Bitcoin không có đơn vị quản lý trung tâm).
Tương lai tài chính số đằng sau tiền kỹ thuật số
Quay lại với Tesla thì Elon Musk cũng là người ủng hộ nhiệt thành tiền kỹ thuật số, thậm chí giá cổ phiếu Tesla tăng khủng khiếp một phần đến từ tư duy mở cũng như các dự định ứng dụng của công ty này với các công nghệ đằng sau tiền số. Chẳng hạn, mới đây Elon Musk gây chú ý khi lắng nghe đề xuất của một nhà đầu tư chuyển "những giao dịch lớn" trong bảng cân đối kế toán của công ty thành tiền mã hóa.
Điều ít người biết hơn là cổ phiếu Tesla còn được ủng hộ khi giới đầu tư thậm chí tin rằng Tesla của Elon Musk sẽ sớm số hóa cổ phiếu thành cổ phiếu kỹ thuật số. CEO của Aave, Stani Kulechov, còn muốn Tesla gia nhập cơn sốt DeFi hay một dạng stablecoin được neo với cổ phiếu thật. Những điều trên đã kích thích sự hào hứng của giới đầu tư và hỗ trợ giá cổ phiếu Tesla bên cạnh triển vọng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhờ tư duy mở với các công nghệ và sự sáng tạo đổi mới các sản phẩm dịch vụ, giúp giá trị nội tại lẫn giá trị tương lai của công ty gia tăng.
Một số sàn giao dịch như DX.Exchange cũng đưa nhiều cổ phiếu lên blockchain để “token hóa” biến tài sản của thế giới thực thành tài sản số như cổ phiếu của các công ty công nghệ niêm yết trên sàn Nasdaq là Apple, Tesla, Netflix thành chứng khoán mã hóa và danh sách này còn tiếp tục dài thêm với sự tham gia của nhiều công ty lớn. Tuy nhiên điều này chỉ đang ở mức là một dạng tài sản phái sinh vì còn cần sự đồng thuận của cổ đông cũng như cơ chế pháp lý.
Thế giới đã sang trang mới cùng với sự phát triển của kinh tế số, tài chính số và tiền kỹ thuật số. Tuy vậy phía trước vẫn còn con đường dài dù cái nhìn của nhiều quốc gia đã bớt khắt khe hơn. Nhiều nước đã phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC - Central Bank Digital Currency)như Trung Quốc với nhân dân tệ kỹ thuật số, các thử nghiệm ở châu Âu, Hàn Quốc, Nhật, thậm chí nhiều nền kinh tế nhỏ hơn như Thái Lan và Campuchia.
Mỹ dù chưa có đô-la điện tử nhưng Fed cho biết họ có thể in tiền vật lý thì việc phát hành CBDC là hoàn toàn có thể thực hiện. Điều này cũng giúp các ngân hàng trung ương các cơ quan quản lý có vũ khí để điều hành hỗ trợ kinh tế phát triển.
Như vậy nếu loại bỏ các yếu tố đầu cơ thì nền tảng ứng dụng của tiền điện tử rộng khắp, giúp thúc đẩy kinh tế và việc kinh doanh của nhiều công ty. Điều này càng đặc biệt hơn trong bối cảnh hậu COVID-19 khi kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp thay đổi cách thức kinh doanh, ứng dụng tài chính số nhiều hơn để có thể tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng cũng như tăng cường chất lượng sản phẩm dịch vụ, tối ưu việc đầu tư mở rộng thị phần.
Ứng dụng tại Việt Nam
Hiện nay việc giao dịch tiền kỹ thuật số tại Việt Nam chưa được công nhận và được cảnh báo nhiều lần từ các cơ quan quản lý sau khi ngày càng nhiều vụ lừa đảo nhân danh các đồng tiền số hoặc tạo ra các coin rác để chiêu dụ nhà đầu tư tham gia. Đặc biệt khi Covid-19 xuất hiện thì điều này còn bùng nổ dữ dội hơn.
Tuy nhiên, các công nghệ đằng sau thị trường tiền số như blockchain… vẫn đang được nhiều doanh nghiệp, tổ chức tài chính nghiên cứu ứng dụng trong việc kinh doanh của mình. Ví dụ như HSBC thử nghiệm thành công tín dụng thư đầu tiên trên blockchain, tập đoàn xây dựng Hòa Bình ký hợp tác sử dụng dịch vụ công nghệ blockchain của tập đoàn Nhật Bản Infinity Blockchain (IBG)…
Bên cạnh đó các cơ quan quản lý cũng đang nghiên cứu hành lang pháp lý cũng như ưu tiên phát triển các công nghệ mới nhằm ứng dụng các lợi ích của công nghệ để tối ưu lợi ích của nó trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể vào tháng 12 rồi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có công nghệ số bao gồm cả công nghệ chuỗi khối (blockchain).
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp