19/12/2022 21:49
Đề xuất dùng một phần vốn đầu tư công chưa giải ngân để 'cứu' trái phiếu doanh nghiệp
HoREA đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền xem xét giải pháp có thể sử dụng một phần nguồn vốn đầu tư công đã được Chính phủ phân bổ nhưng các Bộ, ngành, địa phương chưa giải ngân để Nhà nước mua lại khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của tháng 12/2022 và 6 tháng đầu năm 2023.
Để xử lý một số khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng một loạt giải pháp, trong đó đáng chú ý là đề xuất sử dụng một phần nguồn vốn đầu tư công để mua trái phiếu doanh nghiệp.
Cụ thể, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, nguồn vốn đầu tư công bằng ngân sách nhà nước năm 2022 mà Chính phủ đã phân bổ cho các Bộ, ngành và các địa phương nhưng tính đến ngày 30/11/2022 vẫn chưa giải ngân khoảng 212.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 38,5% tổng vốn đầu tư công năm 2022 mà Chính phủ đã phân bổ.
Vì vậy, HoREA đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền xem xét giải pháp có thể sử dụng một phần nguồn vốn đầu tư công đã được Chính phủ phân bổ nhưng các Bộ, ngành, địa phương chưa giải ngân (đang gửi tại Kho Bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại với lãi suất thấp) để nhà nước mua lại khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của tháng 12/2022 và 06 tháng đầu năm 2023 (có lãi suất cao hơn rất nhiều), theo Dân Việt.
"Giải pháp này vừa hỗ trợ ổn định thị trường trái phiếu, vừa hỗ trợ doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh kinh doanh và kế hoạch tài chính, vừa nâng đỡ "niềm tin thị trường" và từng quý thì có đánh giá kết quả thực hiện để điều chỉnh phù hợp", ông Châu kiến nghị.
Theo đó, Chủ tịch HoREA đề nghị "tiêu chí" trái phiếu doanh nghiệp mà nhà nước mua lại là "trái phiếu phát hành lần đầu", "trái phiếu có tài sản đảm bảo định giá chuẩn" vì không doanh nghiệp nào lại "dám bội tín" với nhà nước và tiền mà người dân bán lại trái phiếu doanh nghiệp lại được đưa vào lưu thông.
"Đàng nào cũng có lợi cho nền kinh tế, góp phần tăng "niềm tin" cho các nhà đầu tư nước ngoài và tiếp tục thu hút dòng "vốn ngoại" đầu tư trở lại vào nước ta", Chủ tịch HoREA, nói.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tài Chính vừa qua đã có văn bản gửi các hiệp hội, chuyên gia lấy ý kiến đối với dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 65 ban hành ngày 16/9/2022 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ.
Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng một năm đối với quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65, từ ngày 1/1/2023 sang ngày 1/1/2024.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị cho phép giãn thời gian thực hiện một năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc tại Nghị định 65.
Bộ Tài Chính cũng có ý kiến về việc hoãn thực hiện quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu tại Nghị định 65 trong vòng một năm. Theo đó việc phân phối trái phiếu theo từng đợt là 90 ngày. Kể từ 1/1/2024, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 65, giảm thời gian phân phối từng đợt xuống còn 30 ngày
Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới trong khi lại có áp lực trả nợ đối với trái phiếu đáo hạn năm 2023-2024. Nên Bộ Tài Chính đề xuất cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn, thời gian gia hạn tối đa hai năm.
Quy định này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giảm lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào hai năm tới, trường hợp khó khăn có thể thoả thuận với nhà đầu tư để gia hạn sang 2025-2026 để qua giai đoạn đỉnh nợ.
Bộ Tài chính cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement