19/08/2017 10:18
Thanh niên vẹo cột sống do liệt chân mơ ước ngồi được để bán vé số
Bị liệt hai chân, mồ côi cha mẹ từ nhỏ và bị vẹo cột sống do liệt, anh H. có ước mơ được ngồi để đi bán vé số tự kiếm sống cho mình. Nhưng ước mơ của anh suốt 30 năm chưa thể thực hiện được, vì cứ ngồi chưa đầy 30 phút anh lại đau lưng ê ẩm....
Ngày 18/8, Bệnh viện Trưng Vương, TP.HCM cho biết, nơi đây vừa phẫu thuật thành công cho nam bệnh nhân N.T.H. (30 tuổi, mồ côi cha mẹ từ nhỏ) bị bệnh vẹo cột sống do liệt hai chân. Theo PGS.TS.BS Võ Văn Thành, chủ tịch Hội cột sống TP.HCM, cố vấn chuyên môn của BV Trưng Vương về chấn thương cột sống cùng cùng êkip củaBệnh viện Trưng Vương đây là ca bệnh khó và hiếm gặp.
Bác sĩ Thành cho biết, anh H. mồ côi cha mẹ từ nhỏ và bị liệt hai chân do viêm tủy sống cắt ngang từ khi lên 4 tuổi. Anh được Trung tâm bảo trợ xã hội trẻ tàn tật Thị Nghè (TP.HCM) nhận nuôi lúc 6 tuổi.
Anh H. đã được điều trị, tập vật lý trị liệu để khắc phục tình trạng vẹo cốt sống nhưng không thành công. Anh không thể ngồi lâu quá 30 phút.
Ước mơ của anh là có thể ngồi vững để đi bán vé số kiếm sống nhưng chưa thể thực hiện được. Biết được ước mơ của anh Hội y học Và Trung tâp bảo trợ xã hội trẻ tàn tật Thị Nghè đã đưa anh đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị.
Bác sĩ Thành cùng ekip của bệnh viện đã tiếp nhận và trực tiếp khám, phẫu thuật cho anh H. Sau ca phẫu thuật kéo dài 7 giờ nắn chỉnh và hàn xương cột sống, sức khỏe anh H. đã ổn định.
Hiện anh H. đang được tiếp tục điều trị hậu phẫu để hoàn chỉnh cột sống. Bác sĩ Thành khoe: “Ước mơ của anh H. đã sắp thành hiện thực rồi”.
Theo PGS Thành, vẹo cột sống là hiện tượng cột sống bị uốn cong quá mức sinh lý bình thường ở đoạn cổ, đoạn ngực hoặc thắt lưng. Bệnh này, nếu ở mức nhẹ thường ít gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng đau lưng, hạn chế vận động của hệ thống cơ xương. Thời gian phẫu thuật tốt nhất là lúc người bệnh ở độ tuổi 15-16 tuổi.
“Trường hợp của anh H. là tuổi bệnh đã lớn nên rất khó thực hiện. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực hết mình của chúng tôi, hiện sức khỏe anh H. đã tiến triển rất tốt”, bác sĩ Thành nói.
Advertisement