08/04/2023 07:23
Thái Lan kêu gọi người dân ở trong nhà vì ô nhiễm không khí nặng
Tỉnh Chiang Mai của Thái Lan đứng đầu bảng xếp hạng ô nhiễm không khí toàn cầu trong tuần với chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hiểm 319.
Ngày 7/4, chính quyền thành phố Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan đã kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài và làm việc tại nhà để bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh ô nhiễm không khí đã tăng lên mức nguy hiểm.
Trang giám sát không khí IQAir đã xếp hạng Chiang Mai là thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, vượt xa các "điểm nóng" ô nhiễm thông thường như Delhi và Lahore (Ấn Độ).
Tại Chiang Mai, IQAir đo được mật độ bụi mịn PM2.5 cao hơn 66 lần so với ngưỡng trong hướng dẫn hằng năm của Tổ chức Y tế thế giới về chất lượng không khí. Thành phố du lịch nổi tiếng này trong những tuần gần đây bị bao phủ trong khói từ các vụ cháy rừng và việc nông dân đốt rơm rạ.
Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha đã tổ chức các cuộc hội đàm qua video với các nhà lãnh đạo của nước láng giềng Myanmar và Lào để thảo luận về vấn đề ảnh hưởng đến các khu vực rộng lớn ở Đông Nam Á hàng năm.
Thái Lan đã phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề kể từ đầu năm, một phần do đốt nông sản theo mùa.
Bộ Y tế Thái Lan cho biết từ đầu năm tới nay có gần 2 triệu người phải nhập viện điều trị các bệnh về đường hô hấp do ô nhiễm không khí. Trong đó, gần 13.000 người đã phải nhập viện do các bệnh về đường hô hấp và dị ứng do ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại tỉnh Chiang Mai, Thái Lan kể từ ngày 1/1/2023.
Tỉnh Chiang Mai phải đối diện với tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 nghiêm trọng trong vài tháng qua do cháy rừng và các hoạt động đốt chất thải nông nghiệp cả ở Thái Lan và các nước láng giềng.
Thống đốc tỉnh Chiang Mai Nirat Pongsittitavorn đã ra tuyên bố kêu gọi mọi người ở trong nhà và làm việc tại nhà để "bảo vệ bản thân và giảm tác động sức khỏe" từ các hạt PM2.5.
Là nơi sinh sống của gần 130.000 người, Chiang Mai là cửa ngõ vào vùng đồi núi phía bắc của Thái Lan, được hàng triệu khách du lịch ghé thăm trước đại dịch vì trung tâm lịch sử và bầu không khí thoải mái.
Nhưng Wittaya Pongsiri, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Du lịch Chiang Mai, cho biết tình trạng ô nhiễm đang khiến du khách bỏ đi.
"Số lượng khách du lịch đã giảm 20%," ông nói.
Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Lào Sonexay Siphandone và lãnh đạo chính quyền Myanmar Min Aung Hlaing, văn phòng của Thủ tướng Prayut cho biết ông sẽ thúc đẩy một cuộc thảo luận về ô nhiễm xuyên biên giới tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của khối ASEAN khu vực.
Ba nhà lãnh đạo đã thảo luận về nhu cầu tìm cách hạn chế khí thải từ nông nghiệp và công nghiệp, nhưng không đồng ý về bất kỳ bước hành động cụ thể nào.
Các quan chức trước đó đã cảnh báo người dân Bangkok ở trong nhà và làm việc tại nhà vào tháng 2 khi thủ đô Thái Lan bị bao phủ bởi khói mù độc hại.
Gần 13.000 người đã phải nhập viện do các bệnh về đường hô hấp và dị ứng do ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại tỉnh Chiang Mai, Thái Lan kể từ ngày 1/1/2023.
Giáo sư, Bác sĩ Bannakit Lojanapiwat, Trưởng khoa Y của Đại học Chiang Mai cho biết, con số thực tế cao hơn nhiều so với báo cáo vì nhiều bệnh nhân không thể nhập viện do quá đông.
Theo ông Bannakit, người dân Chiangmai được yêu cầu theo dõi chặt chẽ chất lượng không khí nơi họ sinh sống và làm việc thông qua các ứng dụng di động như Air4Thai hay AirVisual và tránh ở ngoài trời qua lâu nếu mức bụi mịn PM2.5 vượt quá ngưỡng 50 microgam/m3 không khí (μg/m3). Tiến sĩ Bannakit cũng kêu gọi các gia đình theo dõi sức khỏe của những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có vấn đề sức khỏe mãn tính.
(Nguồn: AFP)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement