01/02/2023 08:13
Tăng trưởng kinh tế ở khu vực ASEAN được dự báo chậm lại trong năm 2023
Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết hôm thứ Ba (31/1) rằng Singapore và các nền kinh tế Đông Nam Á khác đang bị hạ cấp đối với triển vọng tăng trưởng năm 2023 do tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ lấn át tác động tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế.
Pierre-Olivier Gourinchas đã phát biểu trong một cuộc họp báo về dự báo tăng trưởng toàn cầu mới nhất của IMF, những tác động này đã khiến IMF giảm triển vọng tăng trưởng GDP của Singapore cho năm 2023 xuống 1,5% từ mức dự báo 2,3% được đưa ra vào tháng 10 năm ngoái.
Cũng theo IMF, dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ 3,4% vào năm 2022 xuống còn 2,9% vào năm 2023. Con số này tăng so với dự báo 2,7% được đưa ra vào tháng 10/2022.
Việc Trung Quốc "đột ngột mở cửa trở lại", điều mà IMF cho biết sẽ "mở đường cho sự phục hồi nhanh chóng". Báo cáo cũng trích dẫn khả năng phục hồi bất ngờ ở nhiều nền kinh tế trong nửa cuối năm 2022, cũng như sự cải thiện về điều kiện tài chính toàn cầu khi lạm phát bắt đầu giảm bớt và đồng USD Mỹ đã "hạ nhiệt" từ mức cao nhất.
Pierre-Olivier Gourinchas, Giám đốc nghiên cứu của IMF, đã viết trong một bài đăng trên blog rằng: "Triển vọng ít ảm đạm hơn so với dự báo tháng 10 của chúng tôi và có thể nó là đại diện cho một bước ngoặt, với tăng trưởng chạm đáy và lạm phát giảm".
IMF nhấn mạnh rằng tăng trưởng năm nay "sẽ vẫn yếu so với các tiêu chuẩn lịch sử". (Từ năm 2000 đến 2019, mức trung bình hàng năm là 3,8%.)
Các ngân hàng trung ương sẽ cần tiếp tục chiến dịch tích cực của họ để giảm lạm phát cao trong nhiều thập kỷ, điều này sẽ dẫn đến sự chậm lại trong hoạt động kinh tế. IMF dự đoán rằng "chín trong số mười nền kinh tế hàng đầu thế giới có khả năng sẽ giảm tốc".
Tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ giảm từ 2% vào năm 2022 xuống còn 1,4% vào năm 2023. Châu Âu - nơi có nhiều nền kinh tế lớn đã chứng tỏ sự vững mạnh một cách đáng kinh ngạc bất chấp cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực, một phần là do cho đến nay lục địa già có một mùa Đông ôn hòa - được dự báo sẽ giảm từ 3,5% xuống còn 0,7%.
Vương quốc Anh dự kiến sẽ giảm 0,6%. Đây là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm 7 nền kinh tế được dự đoán sẽ suy giảm trong năm nay.
Tuy nhiên, IMF nhận thấy một số cải thiện đối với triển vọng và một trong những lý do chính là Trung Quốc.
Bắc Kinh đã chấm dứt chính sách "zero COVID", điều đã kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vào cuối năm ngoái. Mức tăng trưởng của nước này đạt 3% vào năm 2022 là một trong những mức tăng trưởng tồi tệ nhất của nước này trong nhiều thập kỷ.
IMF dự báo tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ phục hồi lên 5,2% trong năm nay, cao hơn đáng kể so với ước tính trước đó.
Về lạm phát, IMF lưu ý rằng "các biện pháp tổng thể đang giảm ở hầu hết các quốc gia", ngay cả khi việc hàng hóa và dịch vụ không bao gồm thực phẩm và năng lượng vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm trong nhiều trường hợp. Dữ liệu hàng năm về lạm phát của Hoa Kỳ đạt mức cao vào tháng 6, trong khi lạm phát ở châu Âu đã giảm kể từ tháng 10, khi nó chạm mức kỷ lục.
Lạm phát toàn cầu được IMF dự báo sẽ giảm từ 8,8% năm 2022 xuống 6,6% năm 2023 và 4,3% năm 2024. Trước đại dịch, tỷ lệ này là gần 3,5%.
Trong khi đó, sự suy giảm sức mạnh của đồng USD kể từ tháng 11 đã giúp ích cho các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Đồng bạc xanh tăng mạnh đã khiến việc nhập khẩu hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn, bao gồm cả thực phẩm và năng lượng, đồng thời làm tăng chi phí trả lãi cho một số khoản nợ quốc tế.
Rủi ro đối với triển vọng vẫn còn đáng kể, IMF cảnh báo. Sự phục hồi của Trung Quốc có thể mất đà nếu làn sóng COVID-19 trong tương lai khiến mọi người ở nhà hoặc lĩnh vực bất động sản, vốn dễ bị tổn thương, chậm lại.
Lạm phát có thể duy trì ở mức cao lâu hơn buộc chính sách tiền tệ phải thắt chặt hơn. Cuộc chiến ở Ukraina vẫn là một nguồn bất ổn chính. Một sự leo thang có thể làm tăng thêm sự gián đoạn trong thị trường thực phẩm và năng lượng.
"Lần này, triển vọng kinh tế toàn cầu không xấu đi", Gourinchas viết. "Đó là tin tốt, nhưng chưa đủ. Con đường trở lại phục hồi hoàn toàn, với tăng trưởng bền vững, giá cả ổn định và tiến bộ cho tất cả mọi người, chỉ mới bắt đầu", ông Pierre-Olivier Gourinchas nói thêm.
(Nguồn: Reuters, CNN)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement