23/08/2017 03:46
Tăng thuế VAT: Giá nhà, điện, nước... 'dọa' tăng theo, người dân hứng 'bão giá'
Người tiêu dùng không phải là chỉ trả 10% cuối cùng mà họ hứng tất cả thuế giá trị gia tăng của những công đoạn, tất cả thuế đập vào giá thành bán hàng, cuối cùng họ phải đóng thuế tiêu dùng rất lớn”.
Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% vào năm 2019. Một số nhóm hàng hóa dịch vụ ưu đãi thuế VAT cũng sang nhóm chịu thuế thông thường.
Bộ Tài chính cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong bối cảnh nợ công tăng cao, nhiều quốc gia kể cả các nước phát triển có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.
Nhiều nước trên thế giới điều chỉnh tăng loại thuế này. Ví dụ thuế suất trung bình tại các nước EU từ 19% (năm 2000) tăng lên gần 21,5% (năm 2014). Các nước xung quanh như ở Lào, Indonesia, Campuchia mức thuế phổ thông là 10%, Philippines là 15%, Trung Quốc mức thuế phổ thông là 17%, ưu đãi là 13%...
Chia sẻ vớiPV Báo điện tử Infonet, ông Võ Văn Đại, Chủ tịch HĐQT Công ty nước mắm Vạn Phần Diễn Châu cho biết, ông không đồng tình với đề xuất của Bộ Tài Chính.
Theo ông, năm 2003, hàng chục doanh nghiệp nước mắm đã kiến nghị giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% nhưng không được nay Bộ Tài chính lại muốn tăng lên 12%. Đánh thuế VAT như vậy sẽ làm triệt tiêu sản xuất, doanh nghiệp sẽ đẩy thuế này vào giá thành sản xuất, giá sản phẩm tăng lên khiến sức tiêu thụ co lại.
Mặc dù doanh nghiệp gián thu thuế nhưng điều này tác động trực tiếp đến doanh nghiệp.
“Tăng thuế lên, nói người tiêu dùng chịu nhưng thực chất là doanh nghiệp chịu. Nếu tăng giá bán sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó doanh nghiệp phải tìm cách giảm bớt lợi nhuận, hoặc giảm giá mua nguyên liệu để bù đắp chi phí tăng lên, điều này lại làm khó nông dân”, ông nói.
Chính vì thế theo ông, để giải quyết vấn đề nợ công cần chi tiêu ngân sách một cách tiết kiệm, tinh giản bộ máy, còn nếu không thì dù tăng 12 hay 20% cũng không thể nào bù đắp nổi.
Bày tỏ sự lo lắng về tăng thuế VAT, chị Tuyên ở Đống Đa, Hà Nội cho biết, mới có đề xuất như thế mà chủ nhà trọ đã dọa sẽ tăng giá tiền điện nước. Hiện mỗi tháng tiền điện của nhà chủ phải trả 1.700.000 đồng, cộng thêm 10% thuế VAT là 1.870.000 đồng. Nếu áp dụng tăng thuế lên 12% như đề xuất của Bộ Tài chính thì phải đóng 1.904.000 đồng.
Tiền nước cũng khoảng 1.300.000 đồng. Nếu tính thuế VAT 5%, mỗi tháng phải đóng 1.365.000 đồng. Nhưng nếu tăng lên 12% thì số tiền phải đóng là 1.456.000 đồng.
“Chúng tôi đang đi thuê nhà, phải trả tới 3.000 đồng cho mỗi KWh điện, tiền nước 80.000 đồng/người/tháng. Sắp tới cả điện, nước, giá cả hàng hóa cũng đồng loạt tăng thì chịu sao nổi”, chị Tuyên bày tỏ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đề xuất tăng thuế VAT lên 12% sẽ tác động lớn đến người nghèo, những người có thu nhập bình quân mỗi tháng từ 10 triệu trở xuống bởi họ sử dụng 70 - 80% thu nhập vào tiêu dùng là chính như tiền thực phẩm, giáo dục, y tế, lãi ngân hàng...
Khi tăng thuế VAT, giá cả các mặt hàng tăng lên, người tiêu dùng phải gánh chịu, điều này có thể tạo ra một “cơn bão giá”.
Như khi mua một căn nhà, họ không chỉ phải trả giá trị gia tăng căn nhà, mà phải trả thuế VAT cho tất cả các nguyên vật liệu xây dựng, chi phí đầu vào…cuối cùng bị chịu thuế cộng dồn.
Mặt khác, khi giá tăng, người dân sẽ phải tiết kiệm, giảm hoạt động của nền kinh tế hoặc GDP. Về mặt ngân sách nhà nước thì có lợi nhưng nền kinh tế có thể bị co rút lại.
Nói về những lập luận của Bộ Tài chính để tăng thuế VAT, theo TS. Hiếu là chưa thuyết phục.
“Bộ Tài chính có nói thuế VAT của Việt Nam thấp so với các nước trên thế giới. Nếu so với châu Âu thì đúng nhưng với những nước thu nhập bình quân đầu người 40.000- 50.000 USD/năm trong khi Việt Nam chỉ hơn 2.000 USD/năm thì so sánh như vậy là khập khiễng”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Hơn nữa cũng có nhiều nước không tính thuế VAT. Ví dụ, ở Mỹ không có thuế giá trị gia tăng mà có sale tax (5-10%) đánh vào người tiêu thụ cuối cùng. Còn thuế giá trị gia tăng của Việt Nam, trong tiến trình sản xuất và bán hàng, từ bán buôn, đến bán lẻ, mỗi một công đoạn lại áp dụng thuế.
“Người tiêu dùng không phải là chỉ trả 10% cuối cùng mà họ hứng tất cả thuế giá trị gia tăng của những công đoạn, tất cả thuế đập vào giá thành bán hàng, cuối cùng họ phải đóng thuế tiêu dùng rất lớn”, ông Hiếu cho hay.
Theo TS. Hiếu, Bộ Tài chính mới chỉ nói đến thu thuế để “trám ngân sách” mà chưa nói đến vấn đề sử dụng ngân sách như thế nào, kế hoạch ra sao, điều này tạo ra dư luận ngược chiều.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Phạm Chi Lan cho rằng, nếu thuế VAT tăng lên, giá hàng hóa đắt lên, người tiêu dùng sẽ mua ít đi, thì thiệt hại lớn nhất vẫn là doanh nghiệp. Khi ngân sách hụt đi thì cần tìm mọi cách để giảm chi tiêu thường xuyên đang ở ngưỡng 70% như hiện nay chứ không phải cách tăng thu thuế đại bộ phận người dân.
Advertisement
Advertisement