28/01/2021 07:29
Tài xế giao hàng ở Trung Quốc: Tôi cảm thấy như đang bán mạng của mình
Một loạt các bi kịch và bất công từ người lao động cho thấy, ngành công nghiệp thương mại điện tử đang gặp khủng hoảng.
Suốt 10 năm qua, Lý Tiểu Lương, một người đàn ông 31 tuổi với làn da rám nắng và gầy gò, đã băng qua khắp các con đường ở Thượng Hải để chuyển bưu kiện cho các công ty chuyển phát.
Điều này khiến anh Lý trở thành một người giàu kinh nghiệm trong ngành công nghiệp non trẻ có số lượng nhân sự lớn. Với một chiếc xe đạp và điện thoại thông minh, hầu như ai cũng có thể trở thành nhân viên chuyển phát nhanh.
Con đường thoát nghèo
Anh Lý và các đồng nghiệp của mình thường được gọi với cái tên “em trai chuyển phát nhanh”. Dần dần, họ trở thành một nét đặc trưng ở các thành phố trên khắp Trung Quốc. Và ngành này hầu như không thiếu vị trí tuyển dụng.
Đối với nhiều người như anh Lý, công việc giao hàng là con đường để thoát khỏi đói nghèo ở nông thôn. Là người gốc ở thành phố Vu Hồ, thuộc tỉnh An Huy, cách Thượng Hải khoảng 280 km, anh Lý là một trong số hàng triệu người di cư từ các vùng nông thôn, đã và đang hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc.
Dịch vụ giao hàng có mặt ở khắp các thành phố của Trung Quốc khi các công ty thương mại điện tử và giao đồ ăn phát triển mạnh. Tuy nhiên, công việc này ngày càng tàn bạo và cạnh tranh.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12/2020, anh Lý tỏ ra không mệt mỏi mặc dù bắt đầu làm việc từ lúc 7h30 sáng. Anh nói: "Một ngày làm việc thường kéo dài đến 9h tối".
Áp lực đối với các nhân viên chuyển phát là rất lớn, chủ yếu là do đại dịch. Thu nhập của họ tăng nhưng số giờ làm việc của họ vẫn vậy. Và nhiều người phàn nàn rằng, họ thực sự kiếm được ít tiền hơn trên mỗi đơn hàng.
Aidan Chau của China Labour Bulletin, một tổ chức phi chính phủ ở Hong Kong, cho biết: “Khối lượng công việc của nhân viên giao hàng đang tăng lên, trong khi lương của họ lại giảm". Tính trong năm 2020, lĩnh vực chuyển phát nhanh đã chuyển phát 83,36 tỷ bưu kiện, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, theo Cục Bưu điện Nhà nước.
"Tôi cảm thấy như đang bán mạng của mình"
Một nhân viên giao đồ ăn đã nghỉ việc cho biết: "Trong giờ cao điểm đặt đồ ăn, chúng tôi đạp xe bằng một tay và tay còn lại cầm điện thoại để nhận các đơn hàng đến. Có rất nhiều vụ tai nạn suýt xảy ra trên đường. Điều này khiến tôi cảm thấy giống như tôi đang bán đi cuộc sống của chính mình".
Thông thường, các hợp đồng được ký kết với các đối tác nhượng quyền bên thứ ba, nên người giao hàng không có mối quan hệ nào với các công ty giàu có được hưởng lợi từ sức lao động của họ.
Tuy nhiên, cái chết vào tháng 12 của một tài xế họ Hàn ở Bắc Kinh đã gây ra phản ứng dữ dội từ xã hội. Vì Ele.me, công ty mà tài xế này làm việc, chỉ bồi thường cho gia đình anh 2.000 CNY (308 USD).
Sau khi nhận hàng loạt chỉ trích từ dư luận, Ele.me, thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba Group Holding, đã gửi lời xin lỗi đến gia đình anh Hàn, bồi thường 600.000 CNY và hứa rằng, sẽ "chân thành làm việc để giải quyết các vấn đề còn lại".
Mặt khác, trong tháng này, một đoạn video khủng khiếp đã lan truyền trên mạng xã hội, cho thấy cảnh tự thiêu của một tài xế Ele.me khác và được người qua đường cứu ở tỉnh Giang Tô.
Tài xế này tên là Lưu Kim, khoảng 40 tuổi, là người nhập cư từ vùng nông thôn tỉnh Vân Nam, một vùng tương đối nghèo ở phía nam Trung Quốc. Trong video, anh ấy nói về một tranh chấp chưa được giải quyết về tiền lương. Ele.me cho biết, họ cấm các đối tác giao hàng mặc định trả tiền như một vấn đề về nguyên tắc, và họ đang điều tra trường hợp cụ thể này.
Các cuộc đình công công nghiệp quy mô lớn hiếm khi xảy ra ở Trung Quốc kể từ khi các liên đoàn lao động bị cấm. Tuy nhiên, điều này không ngăn được các công nhân đăng lên mạng xã hội những bất bình về các hành vi lạm dụng công việc.
Blog video Miaowen nêu bật cuộc biểu tình của một người đàn ông giao đồ ăn vào tháng 11, người chỉ được trả 0,8 CNY cho 17 ngày làm việc. Công ty của anh trả lời rằng, đó là do anh ta nhận được đến 22 khiếu nại của khách hàng, dẫn đến việc cắt giảm lương.
Anh Lý và các đồng nghiệp hầu như không có được ngày nghỉ nào, trừ Tết Nguyên đán. Và động lực lớn nhất cho công việc này chính là nguồn thu nhập.
Anh Lý nhận được 5 CNY (0,8 USD) cho mỗi bưu kiện. Trung bình, một người chuyển phát nhanh có kinh nghiệm như anh Lý chuyển 120 bưu kiện mỗi ngày, kiếm được 600 CNY. Anh nói: "Chúng tôi thấy thu nhập của mình tăng lên thông qua các con số trên ứng dụng và điều đó giúp chúng tôi tiếp tục công việc".
Advertisement
Advertisement