07/01/2020 12:59
Tại sao Trung Quốc không muốn tham gia liên minh Iran-Nga chống lại Mỹ
Bắc Kinh có lợi ích kinh tế với cả Mỹ và Iran, nhưng nếu đứng về bất kỳ phe nào, Trung Quốc vẫn sẽ chịu tổn thất nặng nề.
Theo hãng tin Bloomberg, Bắc Kinh hiện tại vẫn im lặng trước vụ việc Mỹ ám sát tư lệnh Iran, Qassem Soleimani, điều này cho thấy Trung Quốc chưa sẵn sàng tham gia cùng Nga với vai trò trực tiếp trong các cuộc xung đột ở Trung Đông.
Một tuyên bố đăng trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6/1 cho biết Ngoại trưởng Wang Yi hôm 4/1 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Javad Zarif.
"Trung Quốc phản đối việc sử dụng trong quan hệ quốc tế. Các biện pháp quân sự sẽ không dẫn tới đâu. Sức ép tối đa cũng không mang lại tác dụng gì. Trung Quốc kêu gọi Mỹ tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại thay vì sử dụng vũ lực", hãng tin CNBC dẫn lời ông Wang Yi trong tuyên bố.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vững một lập trường khách quan và công bằng, và đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định ở Vùng Vịnh và Trung Đông", nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc nói thêm.
Người dân Iran mang theo hình ảnh của Qassem Soleimani trong buổi lễ tang lễ ở Tehran vào ngày 6/1. Anh: Ali Mohammadi/Bloomberg. |
Những điều này phù hợp với nỗ lực trong quá khứ của Trung Quốc, nhằm tránh những tình huống đụng độ vói Mỹ hoặc các đồng minh trong khu vực Trung Đông. Cho đến nay, Bắc Kinh gần như không có động thái gì trước các quyết định của Tổng thống Donald Trump, ngoài việc lên tiếng bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran và chỉ trích các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ.
Mỹ hôm 6/1 đã chỉ trích Nga và Trung Quốc vì không lên án một cuộc tấn công tuần trước vào đại sứ quán Mỹ tại Baghdad.
Trong khi hoan nghênh 27 trong số 193 quốc gia thành viên đã đưa ra các tuyên bố lên án cuộc tấn công ngày 31/12 này, được cho là do lực lượng thân Iran thực hiện, phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết sự im lặng của Nga và Trung Quốc đã làm suy yếu Hội đồng Bảo an.
"Không để cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra các tuyên bố cơ bản nhất nhấn mạnh đến quyền bất khả xâm phạm của các cơ sở ngoại giao và lãnh sự một lần nữa đặt sự tin cậy của Hội đồng vào diện nghi vấn", tuyên bố của Mỹ cho biết.
Tình huống khó xử
Cái chết của tướng Soleimani sẽ khiến Trung Quốc từ bỏ các hành động cân bằng quan hệ ngoại giao trong quá khứ, đặc biệt là khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách kết thúc các cuộc đàm phán thương mại sơ bộ với Trump trong tháng này. Trong khi Trung Quốc cũng đang tăng cường hợp tác quân sự với Nga và mở rộng quan hệ với Tehran.
Trung Quốc không muốn gây sự với Mỹ khi thỏa thuận sơ bộ sắp được ký kết. |
"Trung Quốc bị vướng vào một tình huống khó xử khi không muốn khiêu khích chính quyền Trump, nhưng lại có quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nga, và có lợi ích riêng ở Iran", ông Shi Yinhong, cố vấn cho nội các của Trung Quốc và cũng là một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh. "Tôi mong chính phủ Trung Quốc sẽ giữ giọng điệu nhẹ nhàng, kêu gọi cả hai bên kiềm chế những hành động làm căng thẳng leo thang".
Trung Quốc và Nga đã tăng cường quan hệ quân sự trong những năm gần đây, tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung hàng năm và điều phối các chính sách an ninh trên khắp châu Á thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã gặp nhau hơn 30 lần kể từ năm 2013, với việc nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi người đồng cấp Nga là đồng nghiệp nước ngoài thân nhất của ông. Ông Putin đã nói rằng hợp tác Nga-Trung đã đạt đến mức cao chưa từng thấy.
Tuy nhiên, họ không có khả năng hợp tác trong một cuộc xung đột ở Trung Đông. Mặc dù các quan chức Trung Quốc đã liên tục chỉ trích các hành động của Mỹ chống lại lợi ích thương mại và an ninh của chính họ, Bắc Kinh đã chọn phản ứng nhẹ nhàng hơn đối với các tranh chấp của Washington, với các đối tác ngoại giao của Bắc Kinh.
Trung Quốc muốn "dĩ hòa vi quý"
Ian Bremmer, chủ tịch và người sáng lập Tập đoàn Eurasia, nói với Đài truyền hình Bloomberg hôm 6/1 rằng Trung Quốc có một mục tiêu khác với Nga ở Trung Đông. "Người Nga thực sự muốn hỗn loạn. Người Trung Quốc muốn sự ổn định".
Trung Quốc đã giảm đáng kể việc mua dầu Iran kể từ khi Mỹ chấm dứt miễn trừ trừng phạt vào năm ngoái, nhập khẩu ít hơn 548.000 tấn dầu thô trong tháng 11 so với mức hơn 3 triệu tấn trong tháng 4. Trung Quốc vẫn là người mua dầu lớn nhất của Iran, nhưng Bắc Kinh đã mua gấp năm lần từ Ả Rập Saudi trong 11 tháng đầu năm ngoái.
Trung Quốc có thể đứng về phía Nga và Iran, nhưng sẽ trì hoãn động thái can thiệp càng lâu càng tốt. Ảnh: AFP. |
Li Guofu, cựu nhà ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ và là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cho biết các cường quốc nước ngoài có rất ít lựa chọn để ngăn cản Trump rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
"Trung Quốc có thể sử dụng nền vị thế của mình như một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để chỉ trích các hành động của Mỹ chống lại Iran. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ trì hoãn một động thái như vậy càng lâu càng tốt", theo Shi Yinhong, giáo sư Đại học Renmin.
Trước đó Trump đã đề nghị Trung Quốc nên có những động thái ở Trung Đông. Cụ thể, trong một bài đăng trên Twitter vào tháng 6/2019, ông cho rằng Trung Quốc nên bắt đầu bảo vệ các tàu chở dầu của quốc gia mình di chuyển qua Vịnh Ba Tư.
Trong bài phát ngôn ngày 6/1 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn đã phớt lờ câu hỏi của phóng viên về việc liệu nước này có nên xem xét vai trò an ninh lơn hơn ở Trung Đông hay không.
"Chính trị vũ lực không bao giờ nhận được sự ủng hộ và cũng không bền vững", hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang trong một cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh. "Hành vi quân sự đầy rủi ro của Mỹ trong những ngày gần đây đi ngược lại những nguyên tắc căn bản trong quan hệ quốc tế".
"Chúng tôi kêu gọi Mỹ không lạm dụng vũ lực và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để tránh làm cho tình hình xấu thêm", ông Geng nói, và cho biết Trung Quốc "rất quan ngại" về cuộc đối đầu giữa Mỹ với Iran.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng chỉ trích việc Washington đe dọa áp các biện pháp trừng phạt lên Iraq sau khi Quốc hội Iraq thông qua một nghị quyết yêu cầu Chính phủ nước này trục xuất quân Mỹ và các lực lượng nước ngoài khác.
"Trung Quốc luôn phản đối việc cố tình sử dụng hoặc đe dọa sử dụng các biện pháp trừng phạt", ông Geng phát biểu. "Chúng tôi mong rằng các bên liên quan, đặc biệt là các nước lớn bên ngoài khu vực, có thể làm nhiều hơn để thúc đẩy hòa bình và an ninh của khu vực Trung Đông, tránh có những hành động leo thang căng thẳng ở khu vực này".
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement