06/07/2023 14:59
Tại sao 2,2 tỷ cổ phiếu Vietnam Airlines chỉ được giao dịch phiên chiều?
Theo Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ chuyển sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 12/7.
Theo đó, các nhà đầu tư chỉ có thể giao dịch cổ phiếu HVN trong phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và giao dịch thỏa thuận. Việc hạn chế giao dịch cổ phiếu không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.
Nguyên nhân sự việc là do công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Trước đó, cổ phiếu HVN đã nằm trong diện kiểm soát từ ngày 1/6/2022 vì có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/06/2022 là âm 28.904 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 4.900 tỷ đồng.
Ngoài ra, HVN còn thuộc diện cảnh báo vì hãng hàng không chưa tổ chức đại hội thường niên 2023 quá 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính. Theo công bố từ Vietnam Airlines, công ty sẽ tổ chức đại hội trước ngày 30/8/2023.
Hiện tại, hoạt động khai thác của Vietnam Airlines diễn ra ổn định với gần 400 chuyến bay mỗi ngày và sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa trong giai đoạn cao điểm hè.
Đến cuối năm 2022, Vietnam Airlines đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và khai thác 70% số đường bay quốc tế so với trước đại dịch. Các chỉ tiêu sản lượng vận chuyển đều vượt 7-8% kế hoạch năm. Đến hết quý 1/2023, toàn bộ mạng bay quốc tế của hãng đã khôi phục gần như hoàn toàn so với giai đoạn trước đại dịch.
Theo bà Kim Thị Thu Huyền, Thư ký Vietnam Airlines chia sẻ trên TTXVN, với tình hình thị trường phục hồi và nỗ lực quyết liệt nhằm tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp, Vietnam Airlines sẽ hoàn thành các mục tiêu trong kế hoạch phục hồi hậu đại dịch, từ đó nhanh chóng vượt qua mọi khó khăn, nâng cao năng lực tài chính. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông.
Theo báo cáo tài chính tự lập, năm 2022, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 10.450 tỷ đồng. Hai năm liền trước đó, chỉ tiêu này của Vietnam Airlines cũng đều âm lần lượt hơn 10.900 tỷ đồng và hơn 12.900 tỷ đồng. Đến 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines ghi nhận âm xấp xỉ 10.200 tỷ đồng.
Trong quý 1/2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 23.494 tỷ đồng, gấp hơn đôi cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng hóa ở mức 21.534 tỷ đồng nên hãng chỉ thu về được 1.959 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Dù vậy, khoản lãi này vẫn tốt hơn so với con số âm của cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ các chi phí, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý 1/2023 là 19,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 2.600 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế vẫn âm 37,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2.685 tỷ đồng. Hãng hàng không đã ghi nhận 13 quý lỗ liên tiếp nhưng là đây quý lỗ nhẹ nhất.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 mới đây, Vietnam Airlines ước doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 45.255 tỷ đồng, bằng 148,9% cùng kỳ năm trước và cao hơn kế hoạch khoảng 1.000 tỷ đồng.
Với dấu hiệu kinh doanh phục hồi, cổ phiếu HVN thời gian qua cũng có sự chuyển biến. Kết phiên 5/7, mã dừng ở mức giá 14.250 đồng, tăng 17% so với hồi đầu tháng 5/2023.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp