Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

'Tắc' huy động vốn cao tốc Bắc - Nam

Phân tích

04/10/2017 04:19

Dù được bàn thảo nhiều nhưng đến thời điểm hiện tại dự án đường cao tốc Bắc – Nam vẫn “tắc” ở phương án huy động vốn.

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về dự án đường cao tốc Bắc - Nam, phía Đông. Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, tổng số dự án thành phần của công trình trên là 20 dự án trong đó riêng giai đoạn 2017-2020 sẽ thực hiện 11 dự án. Trong số 11 dự án này, có 8 dự án theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và 3 dự án đầu tư công.

Thi công đường cao tốc Bắc – Nam đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 127km, quy mô 4 làn xe.

“Bác” DN nội

Tuy vậy, Bộ Tài chính cũng dẫn đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chưa thể khẳng định ngay sẽ thành công. Thực tế, ngành giao thông vận tải đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết và đường vành đai 3 TP HCM đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch… nhưng không thành công.

Với phương án của Bộ GTVT, Bộ Tài chính cho rằng, việc thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam không thể hiện được tính khả thi đồng bộ để triển khai.

“Tại thời điểm hiện nay Tcty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tcty Cửu Long (CIPM) còn rất hạn chế. Thực tế, ngân sách Nhà nước vẫn đang phải tạm ứng để trả nợ các khoản vay đến hạn của các dự án do VEC làm chủ đầu tư, một số khoản vay đang phải chuyển sang cấp phát do VEC không có khả năng trả nợ.

Trong khi đó, CIPM vẫn đang thực hiện chủ yếu theo hình thức giao quản lý các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Vì vậy, việc giao cho VEC và CIPM huy động nguồn lực để đầu tư các đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam là khó khả thi", Bộ Tài chính đánh giá.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng xem xét cân nhắc không đề xuất nội dung giao VEC và CIPM huy động nguồn lực để đầu tư vào báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Quốc hội.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ GTVT chỉ được phân bổ khoảng 70.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đến năm 2020 cho tất cả dự án, bao gồm cả các đoạn cao tốc Bắc - Nam. Nếu dành toàn bộ nguồn tiền này để đầu tư cao tốc thì những dự án giao thông khác sẽ phải dừng lại. Chính vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài là đối tượng chính mà Chính phủ hướng tới trong việc mời tham gia đấu thầu 20 dự án thuộc giai đoạn 1 dự án cao tốc Bắc-Nam.

Cơ chế hút vốn ngoại?

Không phải không có các nhà đầu tư quan tâm tới dự án này. Cuối năm 2016, CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) và Cty TNHH Hong Kong United Investors Holding (HUI) đã đề nghị Bộ GTVT tham gia một số dự án như đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh và TP HCM đến Khánh Hòa.

Mới đây, trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến khảo sát thị trường Việt Nam của đoàn DN Hồng Kông, nhóm các DN Hồng Kông cũng bày tỏ muốn đầu tư vào dự án cao tốc Bắc – Nam.

Với cơ chế hiện tại, nếu tính toán dưới góc độ kinh tế thì hiệu quả mang lại cho Nhà đầu tư không cao, trong khi thời gian hoàn vốn kéo dài tới 20-30 năm, vì thế khó tạo ra lực hút nhà đầu tư. Chúng ta chưa có những cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy cũng như chính sách ổn định để đảm bảo cho các Nhà đầu tư. Chẳng hạn như cơ chế bảo lãnh về doanh thu nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư của Nhà đầu tư, ổn định tỷ giá ngoại tệ…

Mặt khác, mấu chốt của việc kêu gọi các nhà đầu tư ngoại tham dự vào các dự án BOT đường bộ là họ ngại cơ chế phân bổ rủi ro, đảm bảo thu hồi vốn còn thấp. Các dự án BOT đường bộ hiện hành chủ yếu do các nhà đầu tư BOT trong nước tự đề xuất và Bộ GTVT chỉ định thầu. Nhà đầu tư ngoại lo ngại vì phải chịu chi phí giải phóng mặt bằng, điều chỉnh mức thu phí theo quy định của Bộ Tài chính tại từng thời điểm, rủi ro doanh thu không được bảo lãnh...

Trở lại với văn bản Bộ Tài chính vừa gửi Văn phòng Chính phủ. Một phần quan trọng được quan tâm trước đó là mức giá sử dụng đường bộ. Trong các nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội chấp thuận cơ chế “xác định mức tăng giá dịch vụ ngay trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hợp đồng dự án; mức giá đã quy định trong hợp đồng là không thay đổi”.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng định, cơ quan này đã đề nghị không đưa nội dung trên vào báo cáo Quốc hội do quy định trên chưa phù hợp với thẩm quyền và hình thức quy định giá sử dụng đường bộ. Qua đó, đại diện Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về nội dung đề xuất mức giá sử dụng đường bộ với dự án cao tốc Bắc-Nam như trên.

Như vậy có thể thấy, dù cấp thiết nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, đồng bộ trong huy động vốn cho đường cao tốc Bắc- Nam.

PHAN NAM (Diễn đàn Doanh nghiệp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement