04/03/2024 14:30
Sức hút thị trường bất động sản Việt Nam
Công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ (CBRE) vừa công bố kết quả khảo sát ý định và kế hoạch của nhà đầu tư tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024.Theo đó, thị trường bất động sản Việt Nam đứng thứ hai chỉ sau thị trường Ấn Độ và đứng trước Thái Lan.
Theo CBRE Việt Nam, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu đến từ các nhà đầu tư quen thuộc gốc Á như: Singapore, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc. Quy mô vốn cho mỗi giao dịch thông thường dao động từ 20 - 50 triệu USD. Các quỹ tài chính đầu tư từ những thị trường phát triển hơn ở Bắc Mỹ và châu Âu vẫn chưa thâm nhập sâu.
Cùng với đó, một số lượng lớn các nhà tài chính đầu tư cá nhân bắt đầu quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam. Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, có khoảng 4 triệu người có nhu cầu mua nhà Việt Nam trong tương lai, bao gồm cả những người nước ngoài và Việt kiều.
Năm 2024, hứa hẹn bùng nổ thị trường bất động sản Việt Nam với sự gia tăng mạnh mẽ của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lượng cầu tăng cao cùng tiềm năng phát triển vượt trội khiến thị trường bất động sản Việt Nam trở thành điểm nóng đầu tư đầy hứa hẹn cho dòng tiền.
Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam David Jackson nhận định, Châu Á - Thái Bình Dương; trong đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư lớn so với các khu vực khác trên thế giới. Các yếu tố dân số trẻ, tăng trưởng kinh tế và thị hiếu tiêu dùng tại khu vực này cho thấy triển vọng tích cực trong dài hạn. Triển vọng này dành cho dòng vốn đang chuyển mình giữa một thế giới bị ảnh hưởng bởi các xung đột và gián đoạn kinh tế.
Theo hãng Statista, thị trường bất động sản Việt Nam có giá trị 4,41 nghìn tỷ USD trong năm mới 2024. Cùng năm, thị trường bất động sản Thái Lan có giá trị 2,51 nghìn tỷ USD.
Thực tế, thị trường Việt Nam có bối cảnh độc đáo, nơi các danh mục đầu tư bao gồm tài sản tạo thu nhập rất khan hiếm và thường không chào bán nhiều trên thị trường. Hầu hết các nhà đầu tư vào Việt Nam đều tập trung sự chú ý vào bất động sản công nghiệp và văn phòng.
Nền kinh tế vững mạnh và chú trọng vào xuất khẩu của Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động thương mại phát triển, tạo nên nhu cầu mạnh cho việc quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần hiệu quả. Các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng từ những động lực này nên rất quan tâm đến bất động sản công nghiệp.
Ngoài bất động sản thương mại, đất dự án phát triển nhà ở tại Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các chủ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư tích cực tìm kiếm các tài sản giảm giá hoặc tài sản thuộc sở hữu của chủ đất đang phải đối mặt với những khó khăn pháp lý hoặc nguồn vốn. Xu hướng này nêu bật khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của phân khúc nhà ở tại Việt Nam.
Theo CBRE Việt Nam, chiến lược đầu tư vào các tài sản có thể tăng giá trị (value-added strategy) đứng đầu danh sách các chiến lược đầu tư ưu tiên trong năm 2024. Cụ thể, hơn 60% nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch nâng cấp các tòa nhà đắc địa trong danh mục đầu tư của họ theo tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội và quản trị doanh nghiệp) trong năm 2024. Phần lớn trong số đó là quỹ tư nhân, quỹ bất động sản và quỹ tín thác bất động sản (REITs). Đây cũng là xu hướng nhằm theo đuổi chiến lược gia tăng giá trị tài sản.
Giám đốc Bộ phận Tư vấn đầu tư của CBRE Việt Nam Nguyễn Phạm Anh Duy cho rằng, nhà đầu tư có tầm nhìn dài về tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam và sẵn sàng đầu tư vốn có thể hưởng lợi ngay từ chu kỳ điều chỉnh giá vừa qua. Điều này đặc biệt đúng với hiện trạng hiện nay khi bên mua được hưởng lợi từ các bên bán là nhà đầu tư hiện hữu trên thị trường đang cần thoái vốn sau khi đã nắm giữ vận hành tài sản đủ một thời gian nhất định.
Hiện, những nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm và gia tăng sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Việt Nam trong thời qua cũng đã có những đợt cắt giảm lãi suất giúp thị trường trở nên hấp dẫn hơn. Trước bối cảnh đó, trong toàn khu vực, lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương và sự bất ổn kinh tế là hai mối lo ngại hàng đầu đối với các nhà đầu tư vào năm 2024, mặc dù, những lo lắng này đã giảm bớt đáng kể so với năm ngoái. Sự chênh lệch giữa kỳ vọng về giá giữa người mua và người bán vẫn là trở ngại lớn lớn nhất trong các giao dịch, mặc dù, chu kỳ điều chỉnh giá xảy ra ở hầu hết các thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2023.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp