14/08/2019 09:43
Startup Nhật Bản sẽ đưa “thịt nhân tạo” ra thị trường vào năm 2021
Đây là một tầm nhìn đầy tham vọng của Hanyu, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của start-up nông nghiệp IntegriCulture
Dù không biết khi nào ước mơ phổ biến “thịt nhân tạo” được “nuôi” trong phòng thí nghiệm mới thành sự thật, Yuki Hanyu vẫn tin rằng, sẽ có một ngày toàn thế giới có thể ăn thịt mà không cần giết mổ động vật.
Đây là một tầm nhìn đầy tham vọng của Hanyu, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của start-up nông nghiệp IntegriCulture, sau khi bỏ công việc nghiên cứu vào 5 năm trước. Hiện tại, Hanyu cùng các doanh nhân trẻ khắp thế giới, đều đang trong hành trình chinh phục thử thách đưa thịt nhân tạo từ phòng thí nghiệm lên bàn ăn của mọi nhà.
“Thịt nhân tạo đã xuất hiện rất nhiều trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng lại chưa tồn tại thương mại trên thực tế, vì vậy, tôi muốn tiếp nhận thử thách này,” Hanyu, 34 tuổi, người đã có bằng tiến sĩ của Đại học Oxford chia sẻ.
Với dân số thế giới ngày một tăng, anh cho rằng nhu cầu sử dụng thịt cũng sẽ tăng cao, từ đó gây ra những trở ngại về nguồn cung cũng như biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Bắt nguồn từ nỗi lo này, cũng đã có rất nhiều những thí nghiệm cũng như nghiên cứu từ việc tạo ra thịt từ thực vật và côn trùng giàu protein. Tuy nhiên, Hanyu lại đang tìm kiếm một giải pháp tìm kiếm một loại thịt nhân tạo có thể thương mại hóa và sản xuất hàng loạt, chứ không phải như những loại thịt đắt đỏ đến từ phòng thí nghiệm khác.
Theo một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Nông, Lâm và Ngư nghiệp vào hồi tháng 3, mức độ tiêu thụ thịt bò trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng tới ngưỡng 72,5 triệu tấn vào năm 2028, tức hơn mức trung bình trong khoảng 2015 – 2018 tới 17%. Với thịt bò và thịt heo, con số lần lượt này là 130,8 và 116,1 triệu tấn, ở mức tăng là 16% và 24%.
Sau khi đạt được tấm bằng thạc sĩ, Hanyu trở thành nhà nghiên cứu tại Đại học Tohoku, cũng như Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển của Toshiba. Sau đó, anh quyết định nghỉ việc, cùng đồng nghiệp khai sinh ra IntergriCulture vào năm 2015 tại Tokyo.
Startup Nhật Bản tham vọng đưa “thịt nhân tạo” từ phòng thí nghiệm ra thị trường thế giới |
Vào năm 2017, tại một sự kiện ẩm thực ở London, một nhà nghiên cứu người Hà Lan đã công bố một chiếc hamburger làm từ 140 gam thịt bò nhân tạo với mức giá 250.000 bảng Anh (gần 7 tỷ đồng). Đây là một sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận trên toàn thế giới, và cũng là sự kiện mở đường cho việc kinh doanh của IntergriCulture.
Theo Hanyu, để giảm giá thành của thịt nhân tạo, công nghệ tế bào cần phải chế tạo được các hoóc-môn tăng trưởng để kích thích sự phát triển của tế bào, thay cho việc sử dụng những hoóc-môn tự nhiên với giá thành đắt đỏ.
“Các yếu tố tăng trưởng được kích hoạt bởi nội tạng trong cơ thể, vì vậy, chúng tôi đã cố gắng mô phỏng lại hệ thống các nội tạng này để kích thích phản ứng giữa các tế bào và hoóc-môn”, Hanyu chia sẻ.
Nói sâu hơn về hệ thống, anh trình bày: “Cụ thể, chúng tôi sẽ tạo ra một lá gan nhân tạo bằng việc “nuôi” các tế bào gan, sau đó kết nối nó với các “nội tạng” khác bằng các ống thay cho mạch máu.”
Hệ thống này chính thức đi vào hoạt động vào hồi tháng 10, và kể từ đó đã được thử nghiệm liên tục nhiều lần. Tuy nhiên, trái với hy vọng có thể sản xuất thịt nhân tạo ở mức giá 44.000 đồng như trên mặt giấy của Hanyu, mức giá thực tế lại đang gấp từ 100 tới 1.000 lần, tùy vào loại tế bào được sử dụng.
Theo anh, để có thể cải thiện giá thành, việc cải thiện kích cỡ và hiệu quả hệ thống sản xuất là điều cần thiết.
Ngoài ra, thịt nhân tạo còn gặp phải một trở ngại lớn về hương vị và kết cấu – khi loại thịt này trông không giống thịt tự nhiên, và theo Hanyu, thì cảm giác như “một mớ tế bào, hoặc thịt băm nhuyễn.” Tuy nhiên, công ty hiện đang hợp tác với đội nghiên cứu của Đại học Y Nữ Sinh Tokyo, nhằm tạo ra độ xơ, các thớ cơ, và mỡ cho thịt nhân tạo.
Hanyu tin tưởng rằng, đứng trước những quan điểm về bảo vệ môi trường cũng như thiếu hụt lương thực, nhu cầu cho thịt nhân tạo chắc chắn sẽ tăng.
Cụ thể, xét trên lượng calo, có tới hơn 1/3 nông phẩm và 80% số đất nông nghiệp trên toàn cầu hiện đang được sử dụng cho chăn nuôi, theo các báo cáo đến từ các nhà nghiên cứu tại châu Âu và châu Mỹ.
Và qua đó, Hanyu đã phát biểu: “Thói quen ăn thịt đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.”
Hiện tại, công ty tin rằng, công nghệ hoàn toàn có thể tạo ra mọi loại thịt thông thường, từ thịt bò, gà, cá, tới những xa xỉ phẩm như “gan ngỗng nhân tạo”. Trên thực tế, IntergriCulture đã nhắm tới cung cấp thứ thực phẩm này cho các nhà hàng trước 2021, trước khi đưa nó ra thị trường tiêu dùng vào 2023.
Và IntergriCulture cũng không phải doanh nghiệp duy nhất nuôi tham vọng này. Vào hồi tháng 3, Tập đoàn Thực phẩm Nissin cũng đã công bố rằng hãng đã thành công tạo ra các khối thịt với thể tích 1 cm3, được tạo thành từ tế bào cơ của bò.
Nền nông nghiệp Nhật Bản cũng đang dần tiến vào cuộc đua: Gần đây, nhà sản xuất thịt Toriyama Chikusan Shokuhin đã ký thỏa thuận hợp tác với Just, trụ sở tại San Francisco, trong tham vọng mang thịt bò Nhật Bản nhân tạo tới với toàn thế giới.
Còn với Hanyu, tham vọng của anh còn đi xa hơn nữa, anh mong đợi sản phẩm của mình sẽ được sản xuất và tiêu thụ ngoài vũ trụ.
Nếu con người có thể sinh sống trên các hành tinh khác trong tương lai, nguồn cung thực phẩm cũng sẽ trở nên vô cùng thiết yếu. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu trên khắp các quốc gia cũng đang tập trung khai thác tiềm năng của các loại cây trồng nhân tạo và thực phẩm làm từ rong biển.
Tuy nhiên, Hanyu cũng phải thừa nhận, những loại cây nhân tạo này không phải nguồn cung protein lý tưởng, và vì thế khó có thể thỏa mãn nhu cầu thực phẩm cho con người.
Hiện tại, IntergriCulture cùng Đại học Y Nữ sinh Tokyo, cùng với JAXA (Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản), đang tiến hành thực hiện một dự án “nuôi trồng” phối hợp tế bào động vật và rong biển.
Advertisement