11/06/2022 17:36
Số ca sốt xuất huyết ở miền Tây tăng đột biến
Các tỉnh miền Tây có số ca sốt xuất huyết tăng gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái, dự báo số ca nhiễm còn tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới khi bước vào mùa mưa.
Cụ thể, tại Đồng Tháp có 1.640 ca sốt xuất huyết tăng hơn 300% so với cùng kỳ, trong đó có 47 ca nặng, một trường hợp tử vong. Tất cả 12 địa phương của tỉnh đều ghi nhận ca bệnh, trong đó huyện Hồng Ngự, TP Hồng Ngự, TP Cao Lãnh có số ca nhiều nhất và chiếm gần 50% toàn tỉnh.
Tại Cần Thơ số ca nhiễm cũng ghi nhận tăng, khi số bệnh nhân điều trị nội trú ở Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ lên hàng trăm ca, viện phải kê thêm giường ngoài hành lang. Theo Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, dịch sốt xuất huyết năm nay tăng cao hơn mọi năm, hơn 1.000 ca tính từ đầu năm. Riêng tháng 5, bệnh viện tiếp nhận điều trị nội và ngoại trú 388 ca, tăng gấp ba lần năm ngoái, không ghi nhận trường hợp tử vong. Dự báo số ca mắc mới sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Sở Y tế An Giang cũng cho biết năm nay chu kỳ dịch tăng cao (4 năm một lần), nên áp dụng các biện pháp phòng dịch từ tháng 3. Đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 6, có khả năng lên 1.000 ca mỗi tuần.
Theo báo Vnexpress, An Giang hiện là địa phương có số ca sốt xuất huyết cao nhất miền Tây, hơn 3.900, tăng 365% so với cùng kỳ, số ca nặng chiếm 5-10%, không có ca tử vong. Số bệnh nhân trong tuần qua tăng từ 426 lên 526 ca.
Tại Sóc Trăng, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Y tế ghi nhận 325 ca, tăng 116%, trong đó 25 trường nặng, hai ca tử vong.
Sở Y tế Sóc Trăng khuyến cáo người dân cẩn trọng, không nhầm lẫn triệu chứng sốt xuất huyết với triệu chứng COVID-19, sớm đưa người bệnh đến cơ sở y tế xét nghiệm, xác định chính xác bệnh.
Các chuyên gia cảnh báo, năm nay dịch sẽ bùng phát lớn theo chu kỳ, do đó người dân không nên chủ quan dẫn đến các ca bệnh nặng xuất hiện ngày càng nhiều.
Các quốc gia khác trên thế giới cũng đang cảnh báo về bệnh này. Từ nay đến cuối năm có thể xảy ra dịch lớn về sốt xuất huyết nếu không có giải pháp ngăn chặn.
Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhận định, thông thường chu kỳ của một đợt dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh là từ 3-4 năm. Lần gần đây nhất, sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Việt Nam là năm 2019 với khoảng hơn 300.000 ca bệnh; riêng TP Hồ Chí Minh có khoảng 65.000 ca. Do đó, có khả năng năm 2022 có thể sẽ bắt đầu một đợt dịch sốt xuất huyết mới.
Để hạn chế số ca mắc sốt xuất huyết và lây lan cho cộng đồng, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan cần thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi bằng cách dành từ 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng.
Người dân cần lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần; dọn dẹp mái hiên, nóc nhà…; đậy kín lu chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt, người dân có thể thả cá để diệt lăng quăng; sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.
Theo thống kê của HCDC, trong 5 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021 là 7.039 ca. Số ca sốt xuất huyết nặng là 209 ca, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng trong tuần 22 (từ ngày 27/5 đến 2/6), TP.HCM ghi nhận 111 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 79 phường, xã thuộc 20/22 quận, huyện và TP Thủ Đức, giảm 10 ổ dịch mới so với tuần 21.
Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 223 ổ dịch và có 5 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Toàn TP.HCM có 1.504 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 329 ca (28%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp