31/05/2022 10:25
Số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh ở TP.HCM, nhiều ca nhập viện suy đa tạng
Trong 5 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 10.052 ca mắc sốt xuất huyết, số ca nặng nhập viện trong tình trạng suy đa tạng, nhất là suy gan cấp nặng gây hôn mê gan, xuất huyết nặng tăng cao đột biến.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 21 (từ ngày 20/5 đến 26/5), TP.HCM ghi nhận 1.402 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 457 ca (48,4%) so với trung bình 4 tuần trước.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 10.052 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2021. Số ca sốt xuất huyết nặng là 194, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).
Số ca bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận, huyện, TP Thủ Đức (20/22 quận, huyện), trừ quận 12, Phú Nhuận.
Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường 7 (quận 8); xã Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc A (Bình Chánh); phường Bình Hưng Hòa A (Bình Tân); xã Tân An Hội (Củ Chi); phường Tây Thạnh (Tân Phú).
Trong tuần 21, toàn thành phố ghi nhận 121 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 71 phường, xã thuộc 15/22 quận, huyện, TP Thủ Đức (tăng 42 ổ dịch mới so với tuần trước đó).
Các bác sĩ khuyến cáo, TP Hồ Chí Minh hiện đã vào mùa mưa và dịch sốt xuất huyết đang tăng cao đến mức báo động. Bệnh sốt xuất huyết Dengue có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhủ nhi đến trẻ lớn và người lớn nên phải luôn cảnh giác vì có nguy cơ bệnh nặng và tử vong.
Theo TTXVN, PGS. TS. Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện dịch sốt xuất huyết Dengue đang tăng cao và có nhiều trường hợp nặng; bệnh nhi không chỉ nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch mà còn có tình trạng suy đa tạng, nhất là suy gan cấp nặng gây hôn mê gan, xuất huyết nặng có thể dẫn đến tử vong.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca nhập viện tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, nhiều trường hợp nặng cần phải cấp cứu và hiện số ca nhập viện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo Sở Y tế TP.HCM, nguy cơ bùng phát dịch tại TP.HCM là rất lớn. Cụ thể, số ca mắc, số ca nặng và số ca tử vong đều tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, sốt xuất huyết là bệnh có liên quan trực tiếp đến nếp sinh hoạt thường ngày của người dân. Thói quen bỏ rác bừa bãi sẽ tạo thêm các ổ để muỗi đẻ trứng xung quanh nhà, dẫn tới nguy cơ muỗi phát triển khắp nơi trong các khu dân cư.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, cùng với việc các địa phương huy động lực lượng tập trung dọn dẹp các vật chứa và các điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế sẽ khảo sát để thả hóa chất diệt muỗi ở những nơi khó xử lý để giải quyết trước mắt là giảm mật độ muỗi khu vực đó xuống; đồng thời tiếp tục tuyên truyền đến người dân về công tác diệt lăng quăng, diệt muỗi.
Sốt xuất huyết là bệnh có thể gây nguy hiểm và tử vong nếu chúng ta không phát hiện, xử lý kịp thời. Một trong những biện pháp khác là thông tin, truyền thông cho người dân biết khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết phải đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị. Trường hợp bệnh nhân được bác sĩ cho phép điều trị, theo dõi tại nhà, cần nhận biết được những dấu hiệu, triệu chứng trở nặng để đưa ngay đến các cơ sở y tế cứu chữa kịp thời.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp