11/03/2021 10:24
Sau vụ Trung Quốc nhận món kim chi là của mình, Hàn Quốc quyết 'truy quét' hàng Trung gắn mác Hàn tại Việt Nam và Thái Lan
Hàn Quốc đang thúc đẩy các biện pháp ở nước ngoài, để ngăn chặn việc "xác định nhầm" các sản phẩm thực phẩm Trung Quốc là của Hàn Quốc. Đây là chính sách được thúc đẩy dựa trên "mối thù kim chi" gần đây với Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc (MAFRA) vừa ra thông báo rằng, họ sẽ chính thức thúc đẩy các biện pháp ở thị trường nước ngoài, để ngăn người tiêu dùng nhận diện nhầm các sản phẩm thực phẩm của Trung Quốc là hàng của Hàn Quốc. Biện pháp này nhằm ngăn chặn sự nhầm lẫn cũng như thiệt hại cho uy tín hàng xuất khẩu của Hàn Quốc.
Thực phẩm Trung Quốc gắn mác Hàn
“Ở thị trường nước ngoài và đặc biệt là ở Đông Nam Á, đã có những lo ngại về sự suy giảm hình ảnh và danh tiếng của các sản phẩm thực phẩm Hàn Quốc được bày bán ở đó. Mặc dù những sản phẩm này thực sự không phải do Hàn Quốc sản xuất hoặc xuất khẩu”, Bộ trưởng MAFRA, Kim Hyeon-su, nói trong một tuyên bố chính thức.
Ông Kim nêu bật các ví dụ như, lê nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng được dán nhãn là "lê Hàn Quốc" ở bên ngoài bao bì. Quả hồng ngọt từ Trung Quốc được rao bán có xuất xứ từ Hàn Quốc và dán nhãn bằng tiếng Hàn "cẩu thả".
“Do đó, MAFRA cần đưa ra các biện pháp để ngăn chặn thiệt hại thêm cho các nhà xuất khẩu địa phương, cũng như ngăn chặn thiệt hại đối với hình ảnh của các sản phẩm thực phẩm Hàn Quốc. Trước tiên, chúng tôi sẽ tập trung vào những thị trường xuất khẩu lớn, nơi thực phẩm Hàn Quốc được đánh giá cao", ông Kim khẳng định.
“Thái Lan và Việt Nam là nơi chúng tôi sẽ bắt đầu. Chúng tôi sẽ xây dựng nhận thức về tình trạng này thông qua các chương trình địa phương có ảnh hưởng truyền hình, tạp chí thực phẩm, trực tuyến nền tảng xã hội...”, ông nói thêm.
MAFRA cũng sẽ tập trung vào các kênh ngoại tuyến. Bộ sẽ đặt các quầy trưng bày vật lý trong các cửa hàng mang quốc kỳ Hàn Quốc, mã QR và các phương tiện xác thực khác.
“Đặc biệt ở Thái Lan, chúng tôi sẽ nỗ lực thông qua các chương trình trò chuyện và nêu bật sự khác biệt giữa các sản phẩm của Hàn Quốc và Trung Quốc. Tại Việt Nam, chúng tôi sẽ giúp người dân hiểu rõ về cách phân biệt lê Hàn Quốc thật, bằng mã QR”, ông nói.
“Mã QR rất quan trọng. Chúng tôi dự định thêm một chức năng xác minh để người tiêu dùng có thể kiểm tra dễ dàng hơn nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tạo ra các nhãn dán và thiết kế dải thống nhất về phông chữ, màu sắc. Làm như vậy để người tiêu dùng có thể nhận ra các sản phẩm của Hàn Quốc trong nháy mắt. Thậm chí, trên các thực phẩm khác nhau của Hàn Quốc, các công nghệ ngăn chặn sự giả mạo, như kỹ thuật ảnh ba chiều, cũng sẽ được sử dụng”, Bộ trưởng cho biết thêm.
Cuộc chiến kim chi
Thông báo của MAFRA được đưa ra sau động thái gần đây của Trung Quốc, nhằm tuyên bố món kim chi là một món ăn của riêng mình. Trong khi đó, kim chi từ lâu đã được xem là "thực phẩm linh hồn" truyền thống của Hàn Quốc.
Do đó, động thái của Trung Quốc đã gây ra sự phẫn nộ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội và nhận được sự phủ nhận từ MAFRA.
Cuộc tranh cãi bắt đầu khi Thời báo Hoàn cầu, thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc, đăng một bài báo vào cuối năm 2020 và nói rằng, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã công nhận món rau ngâm do Trung Quốc sản xuất (pao cai) là "tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kim chi, dẫn đầu bởi Trung Quốc".
Kimchi được làm khác biệt đáng kể, được lên men với nhiều nguyên liệu khác nhau thay vì ngâm chua. Và cả hai vị cũng hoàn toàn khác nhau.
Trong tiếng Quan Thoại, "Pao cai" là từ thường được dùng để chỉ kim chi. Và kim chi cũng được phục vụ ở Trung Quốc dưới cái tên đó. Vì vậy, mọi người thường nhẫm lẫn về tên gọi này.
Sự việc càng nóng lên sau khi một giáo sư Hàn Quốc viết trên phiên bản Wikipedia Baidu Baike của Trung Quốc, để phản đối một cụm từ tuyên bố nguồn gốc của pao cai/kimchi ở Trung Quốc. Sau đó, cụm từ "Kim chi Hàn Quốc có 3.000 năm lịch sử" đã bị xóa. Tính đến thời điểm viết bài, cụm từ này vẫn chưa xuất hiện lại trên trang web. Quan trọng hơn, có một phần "Lịch sử của Pao Cai" ở gần đầu trang nói rằng, "pao cai" đã có khoảng 1.400 năm lịch sử ở Trung Quốc.
Dư luận đã bùng nổ trước tình hình này, các cư dân mạng và truyền thông Hàn Quốc bày tỏ sự phẫn nộ khi gọi Trung Quốc là "quốc gia có vấn đề nhất". Họ gọi động thái này là "nỗ lực mới nhất của Trung Quốc trong việc thống trị thế giới" và cáo buộc nước này đang cố gắng ăn cắp "thức ăn linh hồn" và văn hóa của mình.
Trong khi đó, MAFRA đã cố gắng làm nổi bật sự khác biệt giữa hai loại thực phẩm. Đại diện MAFRA nói trong một tuyên bố rằng, "pao cai không giống với kim chi". Tuy nhiên, tuyên bố này không có tác động nhiều, vì Trung Quốc từ chối thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với tình hình trên.
Theo Global Times, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hua Chunying cho biết tại một cuộc họp báo rằng: “Theo tôi, kimchi, còn được gọi là paocai ở Trung Quốc, là một món ăn lên men ngâm chua không chỉ tồn tại ở một số quốc gia và khu vực. Họ chia sẻ một số điểm tương đồng, nhưng có thành phần khác nhau, hương vị và phương pháp chuẩn bị cũng khác nhau”.
Hàn Quốc đã không lùi bước. Đất nước này thu hút nhiều nhà ngoại giao nước ngoài có trụ sở tại Seoul, bằng cách gửi bộ dụng cụ làm kim chi tự làm cho họ và yêu cầu giúp đỡ để ghi lại quá trình thực hiện, nhằm quảng bá kim chi của Hàn Quốc.
Mới đây nhất là việc thông báo áp dụng các biện pháp nhằm tránh sự nhầm lẫn giữa thực phẩm Hàn Quốc và Trung Quốc. Mặc dù MAFRA không trực tiếp đề cập chiến dịch quảng bá mới nhất ở Đông Nam Á là để trả đũa cho câu chuyện kim chi, nhưng điều đáng chú ý là việc "xác định nhầm" này đã diễn ra trong khu vực trong nhiều năm. Và Hàn Quốc chưa bao giờ cố gắng để điều chỉnh tình hình. Hàn Quốc vẫn cho phép các công ty và nhà xuất khẩu Trung Quốc được hưởng lợi, nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi.
Advertisement
Advertisement