Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Sau đơn kêu cứu khẩn cấp, Tân Tạo cho rằng bị đối xử 'bất bình đẳng'

Doanh nghiệp

20/09/2022 12:35

Trong công văn phúc đáp gửi tới Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) về việc đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo, Công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo cho rằng, công ty đang bị đối xử bất bình đẳng với những công ty niêm yết khác.

Cuối ngày 19/9, công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITA) của Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến đã có Công văn số 316/CV-ITACO-22 gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), phúc đáp công văn của HOSE về việc đưa cổ phiếu ITA ban hành vào ngày 26/8 vừa qua.

Công văn của Tân Tạo nêu rõ, Công ty đã nhận được công văn số 1476/SGDHCM-NY ngày 26/8/2022 của HOSE về việc đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo kể từ ngày 6/9/2022. Công ty Tân Tạo nhận thấy, những vi phạm mà HOSE liệt kê để đưa Tân Tạo vào diện cảnh báo là không trọng yếu, thuộc về những lỗi biểu mẫu hành chính.

Sau đơn kêu cứu khẩn cấp, Tân Tạo cho rằng bị đối xử 'bất bình đẳng' - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐQT Tân Tạo Đặng Thị Hoàng Yến. Ảnh: Internet

"Nếu bình thường như những công ty khác thì HOSE có thể nhắc nhở riêng để công ty bổ sung, làm lại biểu mẫu. Vì vậy, những yêu cầu của HOSE là bất bình thường và công ty chúng tôi đang bị đối xử bất bình đẳng với những công ty niêm yết khác. Tuy nhiên, công ty vẫn thực hiện giải trình và thực hiện những yêu cầu bất thường của HOSE ", công văn nêu rõ.

Giải trình về các giao dịch với các bên liên quan, Tân Tạo của bà Đặng Thị Hoàng Yến cho biết: trong năm 2020, 2021 và 6 tháng đầu năm nay, Công ty đã thực hiện giao dịch với các bên liên quan, các giao dịch này hoàn toàn tuân thủ quy định của pháp luật và đã được trình bày cụ thể, đầy đủ trong Báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính quý,… Công ty đã thực hiện công bố thông tin các báo cáo tài chính đúng quy định.

Theo công bố của ITA, năm 2020, hạn mức chuyển tiền đối với mỗi giao dịch với công ty con, công ty liên kết và các bên liên quan sẽ không vượt quá 100 tỷ đồng. Còn trong năm 2021 và 2022, hạn mức chuyển tiền sẽ không vượt quá 180 tỷ đồng, theo VietStockFinance.

Cần lưu ý, năm 2020 là năm có sự góp mặt của Chủ tịch Công ty là bà Đặng Thị Hoàng Yến tại ĐHĐCĐ thường niên, sau nhiều năm vắng mặt. Tại sự kiện này, bà Yến lần đầu công bố về dự án đầu tư tại Mỹ với nhiều hứa hẹn.

Về việc ghi nhầm khoản tạm ứng cho bà Yến, tại BCTC quý 2/2022 ban đầu, ITA ghi nhận khoản chi tạm ứng cho dự án tại Mỹ thông qua bà Yến tại thời điểm 30/6/2022 gần 1.937 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ ghi nhận hơn 59 tỷ đồng.

Sau khi được các phương tiện thông tin truyền thông đưa tin, ITA thông báo đã ghi nhầm và đính chính số tiền chi tạm ứng tại thời điểm 30/6/2022 chỉ hơn 633 tỷ đồng.

Dù vậy, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế TP.HCM tập trung rà soát số liệu kê khai thuế của ITA, phối hợp với ngân hàng xác minh số tiền mà Tân Tạo đã tạm ứng cho Chủ tịch Công ty là bà Đặng Thị Hoàng Yến, và chuyển hồ sơ cho công an nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm.

Trước đó, Tân Tạo bất ngờ gửi "Đơn kêu cứu khẩn cấp" đến các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các ĐBQH.

Theo nội dung, ITA lấy danh nghĩa cổ đông công ty, cho rằng đang có "âm mưu và hành động phá hoại, bức tử, thâu tóm Công ty Tân Tạo, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, quyền lợi của các nhà đầu tư, các cổ đông và đặc biệt ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và môi trường đầu tư của Việt Nam'.

Cũng theo lãnh đạo Công ty Tân Tạo, việc cơ quan thuế thanh tra đột xuất doanh nghiệp là việc bình thường, xử lý kết quả sau thanh tra như thế nào thì phụ thuộc kết quả thanh tra và quy định pháp luật. Tuy nhiên Tổng cục Thuế ngay từ đầu chỉ đạo chuyển công an nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thể hiện tính không khách quan khi định hướng thanh tra, theo Dân Việt.

ITA cho rằng, Tổng cục Thuế phải chịu trách nhiệm khi đưa thông tin nhạy cảm ảnh hưởng cổ phiếu doanh nghiệp, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng hàng chục nghìn cổ đông ITA.

Trước đó, Công ty Tân Tạo dính hàng loạt lùm xùm liên quan đến việc tạm ứng gần 2.000 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến đầu tư ở Mỹ, nhưng sau đó đính chính chỉ chi 633 tỷ đồng. HOSE đã yêu cầu giải trình nhưng Tân Tạo chậm trễ.

Báo cáo soát xét của kiểm toán mới được công bố của Tân Tạo cũng tiếp tục có thay đổi.

Theo đó, khoản tạm ứng chuyển nhượng trị giá 633 tỷ đồng trên đã không còn. Thay vào đó, báo cáo kiểm toán thể hiện bà Yến đã nhận "tạm ứng 45 tỷ đồng" và nhận "uỷ thác đầu tư 223 tỷ đồng". Đáng chú ý, khoản ủy thác đầu tư 223 tỷ đồng chi bằng tiền mặt nên kiểm toán không đủ cơ sở kiểm chứng nghiệp vụ này.

Tổng tài sản của doanh nghiệp tính đến cuối tháng 6 là 13.473 tỷ đồng, nhiều hơn khoảng 230 tỷ đồng so với báo cáo công ty tự lập lần đầu.

Ngoài ra, hàng loạt khoản mục khác cũng có sự chênh lệch như giá trị đầu tư tài chính dài hạn doanh nghiệp này tự công bố là 3.018 tỷ đồng nhưng kiểm toán cho rằng thực tế lên đến 3.644 tỷ đồng. Trái lại, khoản phải thu ngắn hạn mà công ty công bố là 2.609 tỷ đồng thì kiểm toán cho rằng chỉ khoảng 2.200 tỷ đồng.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement