21/12/2023 11:36
Sản xuất công nghiệp năm 2023 thấp nhất trong 10 năm gần đây
Mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng của năm 2023 còn chậm. IIP toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước chỉ tăng khoảng 2,84%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị tổng kết năm 2023 sáng ngày 20/12, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 2,84%. Đây cũng là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Báo cáo cho biết chỉ số IIP mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, mới chỉ bắt đầu phục hồi từ cuối quý 3, đầu quý 4.
Ngoài ra, chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao có phần chững lại khi tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo giảm từ 86% năm 2022 xuống còn 84,9% trong 11 tháng 2023.
Về điểm tích cực, theo Bộ Công Thương, một trong những điểm sáng của sản xuất công nghiệp là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây cũng là ngành quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 11 tháng năm 2023 tăng 1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,7%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9%; ngành khai khoáng giảm 2,8%.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2024, với mục tiêu IIP tăng khoảng 7-8% so với năm 2023, Bộ Công Thương sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao (như sản xuất chíp bán dẫn, khai thác chế biến khoáng sản) để trở thành một động lực thúc mới đẩy sự phát triển của ngành.
Đối với ngành dầu khí, cần đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở trong nước, nhất là ở những vùng nước sâu, xa bờ; bảo đảm tìm kiếm, thăm dò dầu khí đi trước một bước, nhằm gia tăng và đặt cơ sở trữ lượng dầu khí cho sự phát triển bền vững của ngành dầu khí.
Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, phấn đấu sớm đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện trong năm 2024 như: Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Đường dây 500kV NĐ Nam Định I - Phố Nối, Trạm biến áp 500 kV Bắc Ninh và đường dây đấu nối, Đường dây 500kV Thanh Hóa - Rẽ Nho Quan - Hà Tĩnh, Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa.
Ngoài ra, đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện đi vào vào vận hành như Tổ máy 2 (714MW) - Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, các Nhà máy thủy điện: thủy điện Nậm Củm 4 (54 MW), Bản Mồng (45 MW), Ialy mở rộng (360 MW)... huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.
Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, sẽ khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 111 ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như sửa đổi, bổ sung Quyết định số 68 ngày 18/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo cơ chế tháo gỡ các điểm nghẽn về thị trường, tín dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời, tạo cơ sở trực tiếp tiến hành các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp.
Riêng trong năm 2024, Bộ sẽ tập trung những giải pháp trọng tâm như: Chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp; rà soát, cải cách cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ, đặc biệt là tăng cường liên kết giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của các địa phương, theo Báo Chính phủ.
Năm 2024, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh trong những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement