Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Sản xuất công nghiệp giảm mạnh trong tháng Tết

Quản trị

05/02/2023 11:33

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 của Việt Nam giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, Tết Nguyên đán Quý Mão diễn ra trong tháng 1/2023, trùng nghỉ Tết, nên số ngày làm việc ít hơn 8-10 ngày so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trong tháng trước để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp tháng 1/2023.

Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới năm 2023 tăng trưởng thấp và có thể suy thoái. Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2023 giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tháng 1/2023 giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 7 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành khai khoáng giảm 4,9% làm giảm 0,8 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 3,4% làm giảm 0,3 điểm phần trăm. Riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Sản xuất công nghiệp giảm mạnh trong tháng Tết - Ảnh 1.

Chỉ số sản xuất tháng 01/2023 của một số ngành trọng điểm giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước; đó là: sản xuất phương tiện vận tải khác (mô tô, xe máy) giảm 27,1%; sản xuất xe có động cơ giảm 23,9%; sản xuất trang phục giảm 21%; sản xuất thiết bị điện giảm 19,1%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 17,4%; sản xuất kim loại, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan cùng giảm 14,5%...

Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành tăng; đó là: sản xuất đồ uống tăng 17,5%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 3,8%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2023 so với cùng kỳ năm trước giảm ở 30 địa phương và tăng ở 33 địa phương trên phạm vi cả nước chủ yếu do tác động tăng, giảm của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện.

Trong đó, Vĩnh Long giảm 22,8%; Vĩnh Phúc giảm 28,7%; Tp. Hồ Chí Minh giảm 21,4%; Đồng Nai giảm 15,7%; Bình Dương giảm 17,4%; Hà Nội giảm 23,2%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 13,8%; Hải Dương giảm 20,2%; Quảng Bình giảm 26,5%...

Đây đều là các địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn. Khi chỉ số sản xuất công nghiệp của các địa phương này giảm mạnh đã ảnh hưởng đến chỉ số sản xuất công nghiệp nói chung của toàn nền kinh tế.

Nếu xét riêng về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Tổng cục Thống kê cho biết, nhiều địa phương có mức giảm mạnh, phần lớn do doanh nghiệp chưa có đơn hàng. Chẳng hạn, Quảng Nam giảm 47%; Hà Giang giảm 32%; Sóc Trăng giảm 31%; Vĩnh Long giảm 25,5%; Vĩnh Phúc giảm 19,6%; Tây Ninh giảm 16,7%; Tp. Hồ Chí Minh giảm 15,6%; Đồng Nai giảm 14,4%...

Ngược lại, cũng có một số địa phương có chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, Tuyên Quang tăng 34,5%; Hậu Giang tăng 10,5%; Phú Yên tăng 8,9%; Kon Tum tăng 7,8%; Nghệ An tăng 7%

Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tháng 1/2023 giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước: Khí hóa lỏng LPG giảm 33,3%; xe máy giảm 32,1%; ô tô giảm 31,7%; thép thanh, thép góc giảm 26,2%; đường kính giảm 25,7%; thép cán giảm 25,6%; ti vi giảm 24%... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước: bia tăng 15,5%; sữa bột tăng 10,8%; nước máy thương phẩm tăng 5,9%...

Để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2023, theo Bộ Công Thương, Bộ sẽ triển khai tích cực Đề án tái cơ cấu ngành công thương. Trên cơ sở đó, phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; đồng thời, rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa…

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement