Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Sàn HOSE sập, ai đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư?

Chứng khoán

24/01/2018 07:54

Hiện nay có một số nhà đầu tư rất nhạy cảm, chắc chắn việc tạm ngưng giao dịch trên HOSE sẽ ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường.

Có ảnh hưởng

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đây là sự cố kỹ thuật đáng tiếc, nhưng cũng cần phải nhìn nhận những sự cố như thế này là rủi ro trong hoạt động mà bất cứ thị trường nào cũng có thể gặp phải. Trong quá khứ đã từng gặp sự cố kỹ thuật và phải dừng giao dịch liên tục 3 ngày vào tháng 5 năm 2008.

Về mặt pháp lý, Thông tư của Bộ Tài chính và Quy chế giao dịch của các sở giao dịch chứng khoán cũng đã quy định rất rõ các vấn đề cẩn phải xử lý khi Sở buộc phải tạm dừng hệ thống giao dịch.

“Tôi rất mong muốn nhà đầu tư bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan các tác động của sự cố kỹ thuật này đến thị trường và đến hoạt động đầu tư bình thường”, ông Dũng nói.

Hôm nay (24/1) HOSE vẫn chưa thể giao dịch lại bình thường.
Hôm nay (24/1) HOSE vẫn chưa thể giao dịch lại bình thường.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt Nguyễn Hiếu, chuyện máy móc hư hỏng, trục trặc kỹ thuật không gây ảnh hưởng lớn, thị trường chưa bị ảnh hưởng bởi yếu tố tiêu cực. Việc tạm ngưng giao dịch thì giá cả vẫn giữ nguyên như vậy không có thay đổi gì, có chăng chỉ ảnh hưởng mất một vài ngày giao dịch. 

Còn theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), có thể là chiến lược giao dịch của nhà đầu tư có ảnh hưởng đôi chút, còn về lâu dài thì hệ thống sẽ nâng cấp, hoàn thiện, về sau này có thể có những phiên giao dịch có giá trị lên tới 15.000 - 20.000 tỉ đồng.

“Tôi nghĩ sự việc này chỉ tác động nhất thời và không ảnh hưởng quá nhiều đến tâm lý nhà đầu tư”, ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, nhà đầu tư có thể quan ngại đôi chút về thời điểm giao dịch trở lại. Thông thường việc này có thể sẽ ảnh hưởng đối với những nhà đầu tư đang có chiến lược bán ra cổ phiếu, có nhu cầu thoát hàng, hay là chuyển sang kênh đầu tư khác. Vì vậy, sự việc này sẽ ảnh hưởng đến một phần nhỏ nhà đầu tư, chứ không ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nói chung. 

Thị trường chứng khoán vận hành trơn tru 10-20 năm thì sẽ có những lúc gặp sự cố. Về lâu về dài, thị trường chứng khoán mang tính dài hạn. Sau khi sàn HOSE giao dịch trở lại vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng. 

Anh Nguyễn Văn Hanh, chuyên viên môi giới Công ty Cổ phần Chứng khoán SHS cho rằng, việc sàn HOSE ngưng hoạt động có thể khiến nhà đầu tư cảm thấy không an toàn, nhưng không ảnh hưởng lớn đến thị trường vì đây chỉ là một lỗi của hệ thống máy tính.

Ví dụ thị trường đang xấu thì có những ảnh hưởng lớn bởi vì nhà đầu tư sẽ lo ngại không bán được hàng. Nhưng hiện nay thị trường đang tốt thì nhà đầu tư có thể vẫn tiếp tục giải ngân. Vì vậy, chưa có lý do gì để nhà đầu tư lo ngoại. 

Theo nhà đầu tư Nguyễn Đức Hùng, việc thị trường ngưng hoạt động chỉ là lỗi kỹ thuật, dòng tiền ngoại vẫn đổ vào thị trường, thị trường Việt Nam đang tăng điểm mạnh mẽ và thu hút sự chú ý của thế giới. Do đó, thị trường vẫn còn tiếp tục tăng nữa nếu dòng tiền ngoại tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Nhà đầu tư Trần Đình Ngọc cho biết, việc sàn sàn HOSE tạm ngừng giao dịch sẽ có những tác động đến nhà đầu tư sử dụng margin và nhà đầu tư lướt sóng. Có thể những nhà đầu tư này rất lo lắng vì còn nhiều tiền mắc kẹt chưa được giải ngân. Sự việc này không tác động nhiều đến nhà đầu tư dài hạn. 

HOSE phải đền bù

Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB-MBS cho rằng, việc ngừng giao dịch trên HOSE có thể gây nên những nghi ngại nhất định cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư cũng khá băn khoăn nhất là những nhà đầu tư sử dụng magin. 

Theo ông Đức, có thể sau sự việc ngừng giao dịch sẽ thúc đẩy tâm lý chốt lời của nhà đầu tư. Hơn nữa gần đây thị trường tăng liên tục, vì vậy thị trường cũng đang căng và có thể điều chỉnh.

“Theo tôi phiên giao dịch sắp tới sẽ tương đối thử thách với chỉ số”, ông Đức nói. 

Tiến sỹ Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight cho hay, có thể do số lượng giao dịch lớn, khả năng là công nghệ của Việt Nam chưa đáp ứng được với lượng giao dịch này. Trong lịch sử giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng xảy ra sự cố như vậy.

Nhà đầu tư đánh margin và lướt sóng sẽ bị thiệt hại khi HOSE ngừng giao dịch
Nhà đầu tư đánh margin và lướt sóng sẽ bị thiệt hại khi HOSE ngừng giao dịch

Trong bối cảnh hiện nay có một số nhà đầu tư đang rất nhạy cảm, chắc chắn việc tạm ngưng giao dịch sẽ ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường. 

“HOSE ngừng hoạt động nhưng có một số giao dịch chuyển qua HNX và Upcom. Tôi cho rằng, sự cố này sẽ không ảnh hưởng lâu dài và sau khi sàn HOSE hoạt động trở lại thì chỉ số VnIndex sẽ trưởng tiếp”, ông Tín nhận định.

Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng, thiệt hại của các nhà đầu tư ở đây khó có thể xác định rõ. Giao dịch chứng khoán chưa khớp lệnh thì hàng hóa và tài sản của người mua hay người bán đều còn nguyên. Khác với sự cố nếu ngừng sản xuất trong một thời gian thì có thể xác định được chi phí vận hành, tiêu tốn nguyên vật liệu...

Tuy nhiên, HOSE là đơn vị tổ chức sàn giao dịch có thu phí thì cũng cần thể hiện trách nhiệm với các nhà đầu tư. Không thể nói rằng đó là sự cố ngoài ý muốn là xong và để nhà đầu tư phải gánh chịu các rủi ro đó.

“HOSE có thể ra thông báo miễn phí một phần giao dịch trong phiên này cho các nhà đầu tư tham gia mua và bán. Theo thông lệ, việc tổ chức có thu phí giao dịch thì trách nhiệm của đơn vị là phải đảm bảo hoạt động được thông suốt. Đây không phải là sự cố bất khả kháng kiểu thiên tai, chiến tranh... mà là sự cố kỹ thuật thì phải được lường trước. Do đó, nếu xác định có thiệt hại cho nhà đầu tư thì HOSE phải chịu trách nhiệm”, ông Hiển nói.

Ông Hiển phân tích thêm, trong lúc sập sàn HOSE, một nhà đầu tư đang cần tiền để trả nợ hoặc mua một căn nhà đã đặt cọc nhưng bán không được để có tiền thực hiện nghĩa vụ và bị phạt lãi trả chậm, bị phạt thanh toán không đúng hạn... rõ ràng là những thiệt hại nhất định.

Còn xét theo quan hệ đầu tư, phục vụ giao dịch thì khi các nhà đầu tư đưa cả vài chục ngàn tỉ đồng nằm trong hệ thống các công ty chứng khoán không có lãi. Ngoài ra, họ đang vay margin với lãi suất khá cao nhưng không được giao dịch vì nơi phục vụ bị hư. Như vậy, chúng ta có thể tính được thiệt hại của nhà đầu từ bằng phép toán lãi suất ngày.

“Nếu HOSE chỉ tổ chức như một dịch vụ công, việc thu phí chỉ bù đắp cho hoạt động thì HOSE không có nghĩa vụ bù đắp thiệt hại. Nhưng nếu HOSE tổ chức như là một mô hình công ty dịch vụ thu phí kiếm lời thì HOSE phải bù đắp thiệt hại”, ông Hiển khẳng định.

Trên thực tế, khi HOSE chưa thể giao dịch do sự cố sập sàn thì dòng tiền đã đổ sang sàn HNX và Upcom khiến cho HnxIndex nhanh chóng tăng hơn 2% và UpcomIndex tăng 1,6%. 

Hàng loạt mã cổ phiếu trên HNX như SHB, PVS, ACB, SHS, VCG đồng loạt tăng mạnh. Cụ thể, SHB tăng 3,5% lên mức 11.800 đồng/cổ phiếu và khối lượng giao dịch đạt gần 24 triệu cổ phiếu. PVS tăng 4% lên 31.100 đồng, ACB tăng 3% lên mức 41.400 đồng/cổ phiếu, SHS tăng 3,5% lên 23.600 đồng/cổ phiếu, VCG tăng 2% 24.900 đồng/cổ phiếu…

Trên Upcom, nhiều mã cổ phiếu cũng tăng rất mạnh. Điển hình là LPB tăng 8,3% lên 17.000 đồng/cổ phiếu. DVN tăng 10,8% lên 27.800 đồng/cổ phiếu. HVN tăng 5.600 đồng lên mức 67.300 đồng/cổ phiếu. SBS tăng 8,3% lên mốc 3.800 đồng/cổ phiếu.

Chốt phiên giao dịch ngày 23/1, HnxIndex tăng 2,44 điểm tương đương 1,97% lên mức 126,32 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 94,5 triệu đơn vị tương đương hơn 1.500 tỉ đồng. UpcomIndex tăng 1,55% lên mức 59,07 điểm.

Độ rộng toàn thị trường khá mạnh với 129 mã tăng điểm và 83 mã giảm điểm. Như vậy, các thống kê cho thấy bên mua đang chiếm ưu thế so với bên bán. 

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement