Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Quyết định không tham dự APEC của Tổng thống Donald Trump tạo thêm ngờ vực về cam kết của Mỹ

Phân tích

02/09/2018 11:50

Động thái này có thể gây ra lo ngại trong khu vực về độ tin cậy của Mỹ như là một đối trọng trước Trung Quốc.

Với quyết định nêu trên, tổng thống Mỹ đã làm giảm kỳ vọng của các nước về khả năng sớm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đồng thời, làm sâu sắc hơn mối ngờ vực về những cam kết chính trị của Mỹ đối với khu vực này.

Cuối tuần qua Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Donald Trump sẽ bỏ qua hai hội nghị thượng đỉnh lớn ở châu Á vào tháng 11 sắp tới. Thay vào đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ đến Singapore dự hội nghị thượng đỉnh 18 quốc gia được tổ chức bởi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Sau đó, ông Mike Pence đến Papua New Guinea tham dự hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh APEC tại Việt Nam 11/11/2017. Ảnh: AFP
Các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh APEC tại Việt Nam 11/11/2017. Ảnh: AFP

Hội nghị thượng đỉnh APEC thường có sự tham dự của 21 nhà lãnh đạo, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Quyết định của ông Trump loại bỏ một cơ hội đầy tiềm năng cho cuộc gặp thượng đỉnh song phương được chờ đợi giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cần Bình, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, theo Bloomberg.

Mỹ đang hướng tới áp đặt vòng thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, lần này trị giá lên tới 200 tỷ USD, sẽ đánh dấu một sự leo thang đáng kể.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình vẫn còn cơ hội họp thượng đỉnh trước khi kết thúc năm 2018. Theo đó, lãnh đạo hai cường quốc kinh tế dự kiến ​​sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào cuối tháng 11.

Theo Bloomberg, sự vắng mặt của tổng thống Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh APEC có khả năng gây lo ngại cho nhiều nhà lãnh đạo châu Á, những người muốn Mỹ đẩy lùi sự ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Những lo ngại này là có cơ sở, bởi hiện nay, Mỹ đang xúc tiến chiến lược “ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nhằm tăng cường cam kết với khu vực đang phát triển nhanh, sau khi ông Donald Trump rút khỏi thỏa thuận thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đặt vấn đề về chi phí an ninh với các liên minh Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, các bộ trưởng thương mại từ 11 nước tham gia còn lại, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã ký một thỏa thuận mới tại Chile mà không có Mỹ vào tháng 3.

Oh Ei Sun, cố vấn cao cấp các vấn đề quốc tế tại Viện Chiến lược và Lãnh đạo châu Á ở Kuala Lumpur, cho biết: “Sự vắng mặt của ông chắc chắn sẽ củng cố ấn tượng rằng Mỹ về cơ bản đã từ bỏ sự hiện diện truyền thống ở châu Á - Thái Bình Dương”.

"Không phải là một động thái có lợi khi (Mỹ) đang cố gắng thể hiện tầm quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong khu vực”, Conor Cronin , nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington, cho biết.

Collin Koh Swee Lea, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết những nỗ lực gần đây của các quan chức Mỹ trong khu vực sẽ giúp bù đắp sự vắng mặt của Tổng thống Donald Trump.

Một trong những cố gắng đó là việc Bộ trưởng Ngoại giao Michael Pompeo tuyên bố tài trợ 300 triệu USD cho an ninh khu vực tại một cuộc họp ASEAN vào đầu tháng này tại Singapore. Quân đội Mỹ hiện đang là một trong chín nước tham gia các hoạt động đào tạo và hợp tác hàng năm với các nước Đông Nam Á.

KHÔI NGUYÊN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement