12/07/2017 07:38
Quẹt một cái biết rõ ‘lý lịch’ gà, vịt
100% thịt heo ở kênh hiện đại đã truy xuất được nguồn gốc.
Từ ngày 31-7, thịt heo không truy xuất nguồn gốc sẽ không được bán ở hai chợ đầu mối lớn tại TP.HCM là chợ Hóc Môn và Bình Điền. Từ ngày 15-9, thịt heo không truy xuất nguồn gốc sẽ không được bán ở tất cả các kênh ở TP.HCM. Đặc biệt từ đầu tháng 9 tới, TP.HCM cũng chính thức kiểm soát nguồn thịt gà, vịt và trứng gia cầm.
Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCMvề vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM(ảnh), cho biết: Sau gần nửa năm triển khai thử nghiệm mô hình truy xuất nguồn gốc heo cho thấy các doanh nghiệp, tiểu thương đã quen với truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, đến nay ở kênh hiện đại, 100% thịt heo đã truy xuất được nguồn gốc. Do vậy, tới đây TP.HCM sẽ chính thức kiểm soát nguồn heo, gà, vịt và trứng.
100% heo phải có nguồn gốc
.Phóng viên: Thưa ông, vì sao việc truy xuất nguồn gốc chỉ dừng lại ở hai chợ đầu mối mà không triển khai đồng loạt tại các chợ lẻ, cửa hàng?
ÔngNguyễn Ngọc Hòa: Hiện nay heo từ các chợ lẻ đều bắt nguồn từ hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền. Do đó khi kiểm soát tốt từ gốc ở chợ đầu mối thì khâu truy xuất ở chợ lẻ sẽ dễ dàng.
Như vậy, cùng với lượng heo bán tại kênh bán lẻ hiện đại đã được kiểm soát, việc quản lý truy xuất nguồn gốc bắt buộc tại kênh bán lẻ truyền thống thông qua hai chợ đầu mối cũng sẽ được thực hiện. Điều này cũng có nghĩa từ thời điểm trên, 100% heo vào TP phải có nguồn gốc rõ ràng và minh bạch.
Xin nói thêm, trước đây các tỉnh cho rằng đề án truy xuất nguồn gốc là của TP, một khi TP không bắt buộc thì họ không có cơ sở nào để yêu cầu các trang trại, cơ sở giết mổ thực thi. Nay TP.HCM đã có chủ trương heo từ ngoại tỉnh bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc mới được nhập vào.
. Không chỉ heo mà tới đây sản phẩm thịt và trứng gia cầm cũng phải có “lai lịch” mới được bày bán tại địa bàn TP.HCM. Vậy việc truy xuất gà, vịt, trứng… khác gì so với truy xuất heo?
Điểm khác biệt của đề án này so với đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo là cho phép người tiêu dùng biết được thông tin về con gà từ một ngày tuổi cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng (NTD). Trứng gia cầm cũng được truy xuất từ khâu chăn nuôi đến NTD.
Điều này có nghĩa chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh kiểm tra tem dán trên sản phẩm thịt gia cầm và vỉ trứng, NTD sẽ có đầy đủ thông tin về nguồn gốc sản phẩm.
Không còn phát hiện chất cấm trong thịt heo
Bộ NN&PTNT cho hay kết quả giám sát diện rộng do các cơ quan có liên quan thực hiện trong nửa đầu năm nay là không phát hiện bất kỳ mẫu thực phẩm nào có chất cấm salbutamol - chất dùng trong chăn nuôi heo để giúp tăng trọng, thịt heo cho nhiều nạc. Cụ thể, trong số gần 4.200 mẫu nước tiểu, thịt đã được lấy tại các cơ sở giết mổ không có mẫu nào có salbutamol. Trong khi đó, năm 2016 tỉ lệ phát hiện là 0,44%; còn năm 2015 tỉ lệ phát hiện là 1,07%.
Về đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, đến nay đã có 1.280 cơ sở chăn nuôi và 25 cơ sở giết mổ tham gia. Tổng cơ sở kinh doanh thực hiện truy xuất nguồn gốc là 838 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm tại TP.HCM và các tỉnh.
Về gia cầm, đến nay đã có gần 1.800 điểm bán thịt gia cầm, trứng gia cầm đã đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp