26/07/2023 14:29
Quảng Châu thiết lập hạn chế 'Internet xuyên biên giới' sau bức tường lửa
Quảng Châu sẽ làm việc với các trường đại học và viện nghiên cứu ở Hồng Kông và Macau để cho phép sử dụng hạn chế mạng “Internet xuyên biên giới” như một phần của kế hoạch Vịnh lớn Greater Bay Area.
Theo Cơ quan Quản lý Dữ liệu Chính quyền Thành phố Quảng Châu, kế hoạch thí điểm sẽ cho phép sử dụng mạng cho nghiên cứu khoa học ở quận Nam Sa của thành phố như một cách để đảm bảo "an ninh dữ liệu" và tạo môi trường Internet thuận tiện cho dữ liệu khoa học theo luật.
Chính quyền cũng kêu gọi quận Nam Sa cải thiện cơ sở hạ tầng dữ liệu và thúc đẩy chương trình này.
Động thái này là một phần trong kế hoạch của chính phủ Trung Quốc nhằm liên kết Hồng Kông và Macau với Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải và sáu thành phố khác ở phía nam tỉnh Quảng Đông vào năm 2035 để tạo ra một trung tâm tài chính và công nghệ được gọi là Khu vực Vịnh Lớn (Greater Bay Area).
Nhắc đến Internet Trung Quốc không thể không nhắc đến hệ thống kiểm duyệt nội dung phức tạp và tinh vi nhất thế giới về nội dung số: Great Firewall – Bức tường lửa, biệt danh lấy cảm hứng từ bức tường Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng của Trung Quốc.
Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ Internet đằng sau Bức tường lửa vĩ đại ở Trung Quốc đại lục, nhưng bức tường lửa không mở rộng đến các khu vực hành chính đặc biệt của Hồng Kông và Macau.
Hệ thống kiểm duyệt trực tuyến tổng thể đã được áp dụng từ những năm 1990 và chặn các trang web nước ngoài như Google, Wikipedia, Facebook, Twitter và YouTube, cũng như các hãng tin bao gồm South China Morning Post.
Điều đó có nghĩa là sinh viên và học giả ở Trung Quốc đại lục không thể truy cập hầu hết các tài nguyên nghiên cứu khoa học trừ khi họ sử dụng mạng riêng ảo hoặc VPN để vượt qua tường lửa. Theo báo cáo, các sinh viên đã sử dụng số điện thoại và VPN nước ngoài để vượt qua các hạn chế và truy cập ChatGPT .
Theo kế hoạch thí điểm, quận Nam Sa sẽ xây dựng một trạm hạ cánh cáp quang và một kênh "truy cập Internet quốc tế".
Dự thảo quy định cũng nêu rõ rằng chính phủ sẽ thiết lập "hệ thống danh sách lưu thông dữ liệu xuyên biên giới để đảm bảo an ninh dữ liệu xuyên biên giới". Chỉ những người đã được phê duyệt vào danh sách mới được phép sử dụng hệ thống.
Các quy định cũng kêu gọi Nam Sa phát triển ngành công nghiệp dữ liệu của mình trong các lĩnh vực như điện toán, xử lý và dịch vụ, đồng thời thành lập một trung tâm công nghiệp dữ liệu để hợp tác quốc tế.
Nam Sa là một phần quan trọng trong kế hoạch của Hội đồng Nhà nước nhằm tăng cường quan hệ giữa Hồng Kông và Macau và tỉnh Quảng Đông lân cận. Mục tiêu biến Nam Sa thành "ngôi nhà mới" cho cư dân Hồng Kông và Macau đã được công bố vào tháng 6 năm ngoái, nêu chi tiết cách họ có thể hưởng lợi từ việc tăng cường hợp tác xuyên biên giới.
Chính quyền trung ương cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ sự hợp tác xuyên biên giới giữa các viện nghiên cứu như Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông và Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia tại Quảng Châu.
Trung Quốc chưa bao giờ tiết lộ công khai các chi tiết kỹ thuật về Đại Tường Lửa này, nhưng các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã nghiên cứu nó và kết luận rằng nó chứa nhiều kỹ thuật bên trong, bao gồm chặn các địa chỉ IP, tấn công DNS và lọc các đường link URL cũng như các từ khóa cụ thể bên trong đường link URL đó. Tuy nhiên, việc lọc các từ khóa và đường link URL ngày càng khó hơn khi giao thức mã hóa HTTPS đang ngày càng trở nên phổ biến.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy cơ chế chặn internet của Trung Quốc thường xuyên thay đổi để đáp ứng với các tình huống khác nhau, và chúng có thể thay đổi dựa theo nhà cung cấp internet và theo từng vùng.
(Nguồn: SCMP)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement