13/08/2017 08:29
Phun hóa chất diệt muỗi sai cách có thể tạo thêm phức tạp trong việc phòng chống dịch ở TP.HCM
Cách thực thực hiện phun hóa chất để diệt muỗi chưa đúng đã làm cho công tác phòng dịch sốt xuất huyết của ngành y tế chưa hiệu quả.
Tại Hội nghị cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM ngày 11/8, các chuyên gia về y tế đã nhận định,việc thực hiện phun hóa chất diệt muỗi của ngành Y tế thời gian qua chưa đúng cách. Có ý kiến còn cho rằng, vì phun hóa chất diệt muỗi chưa đúng đã tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh trưởng tốt, từ đó, làm dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp hơn.
Cụ thể, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho rằng, để phòng dịch sốt xuất huyết lây lan, thì buộc phải phun hóa chất để diệt lăng quăng, nhằm ngăn chặn sự sinh trưởng của muỗi vằn. Nhưng việc phun hóa chất không đúng giờ, pha hóa chất không đúng cách, phun không đúng mục tiêu, phun qua loa cho xong việc và trước khi phun không tiến hành diệt lăng quăng, giảm mật độ lăng quăng tại khu vực phun.
Vừa quadấy lên nghi vấn muỗi Ades truyền bệnh đã kháng lại hóa chất diệt muỗi đang sử dụng. Tuy nhiên, ông Lân khẳng định rằng, do phun hóa chất chưa thực hiện đúng để làm giảm mật độ lăng quăng xuống. Sau 6-7 ngày tuổi lăng quăng đó nở ra, muỗi lại nhiều như cũ chứ không phải do muỗi kháng với hóa chất.
Ông Lân giải thích rằng, việc phun hóa chất có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố: thời gian hoạt động tối đa của muỗi, nơi ở của muỗi và tập tục của người dân.
“Tôi thấy nhiều người dân, cứ thấy đoàn đi phun hóa chất diệt muỗi là đóng kín cửa lại, vì họ sợ mùi hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi khẳng định rằng, hóa chất chỉ diệt muỗi, chứ sức khỏe của người thì không ảnh hưởng.
Hơn nữa, muỗi vằn thường sống, sinh trưởng trong nhà, chứ không phải ở chỗ ao, cống rãnh bẩn. Nếu người dân cứ đóng kín cửa khi đoàn đi phun hóa chất thì sao con muỗi nó hít được hóa chất mà chết được. Hãy mở cửa ra để diệt muỗi, phòng tránh dịch bệnh”, ông Lân nói.
Ông Lân cũng cho rằng, việc phun hóa chất chỉ là tạm thời, còn làm sao để diệt lăng quăng thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, đòi hỏi người dân phải biết cách vệ sinh nơi ở, làm sao triệt đi chỗ ở của lăng quăng, nơi sinh trưởng của muỗi thì mới hiệu quả.
Cũng tại hội nghị này, Bộ Y tế cho biết, tính đến nay đã có 24 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận có 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 69.085 trường hợp nhập viện, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Hai thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết nhập viên cao nhất là Hà Nội và TP.HCM. Tính đến ngày 10/8, TP.HCM có 12.200 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2016. Ở Hà Nội, tính đến ngày 8/8 đã có gần 12.000 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) kêu gọi người dân cùng chung tay với ngành y tế, mỗi tuần hãy dành ra 10 phút dọn dẹp vệ sinh trong nhà, xung quanh khu vực mình sinh sống, loại bỏ các vật chứa nước có phát sinh lăng quăng để phòng ngừa sốt xuất huyết.
Ông cũng khuyến cáo người dânngủ màn, mặc quần áo dài cả ban ngày để tránh bị muỗi chích. Bởi muỗi vằn thường chích người vào ban ngày, nhất là sáng sớm và buổi chiều tối.
Advertisement
Advertisement