24/12/2021 11:10
Phiên giao dịch sáng 24/12: Giảm nhiệt cuối phiên, cổ phiếu vừa và nhỏ bị bán mạnh
Sau diễn biến bừng bừng đi lên trong khoảng 2/3 thời gian phiên sáng, thị trường đã quay đầu về gần vùng giá tham chiếu do áp lực bán gia tăng. Đáng kể, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bị bán khá mạnh khi hàng loạt mã quay đầu giảm sâu.
Thị trường đã tạm khép lại chuỗi ngày đi ngang của VN-Index bằng phiên giao dịch ngày 23/12 với cú break out theo chiều xuống, phá vỡ xu hướng sideway đã hình thành 9 phiên trước đó. Trong đó, áp lực điều chỉnh dồn ép hầu hết lên tất cả các ngành, đặc biệt là bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép tiên phong dẫn đầu đà đi xuống.
Bên cạnh thanh khoản thị trường tăng vọt với khối lượng khớp lệnh trên hai sàn đạt hơn 1,4 tỷ cổ phiếu, là mức cao thứ 3 trong lịch sử (chỉ thấp hơn phiên 3/11 và 19/11), ngưỡng 1.450 điểm (MA50) đã đóng vai trò ngưỡng hỗ trợ trung hạn, giúp thị trường thu hẹp biên độ giảm đáng kể về cuối phiên.
Trên góc nhìn kỹ thuật, diễn biến phiên 23/12 khá giống với phiên 6/12, nên có thể kỳ vọng trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 24/12, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại nếu như hỗ trợ trung hạn quanh 1.450 điểm (MA50) được giữ vững.
Quay trở lại phiên giao dịch sáng ngày 24/12, lực cầu vẫn nhập cuộc khá tích cực và với diễn biến hồi phục của nhóm cổ phiếu bluechip sau phiên “đổ bệnh” hôm qua, đã tiếp sức cho đà tăng của thị trường, giúp chỉ số VN-Index tìm lại mốc 1.470 điểm.
Trong nhóm VN30, sắc xanh đang bao phủ trên diện rộng khi số mã tăng đang gấp gần 5 lần số mã giảm sau khoảng 1 giờ giao dịch. Chỉ số VN30-Index đang tăng khá tốt hơn 15 điểm và vượt ngưỡng 1.490 điểm.
Sự trở lại của bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép đang là điểm tựa chính giúp thị trường nới rộng biên độ tăng.
Ở nhóm bank, HDB hồi phục mạnh sau 3 phiên điều chỉnh liên tiếp và đang là mã tăng tốt nhất của ngành trong rổ VN30 khi ghi nhận mức tăng 3,2% lên mức 27.700 đồng/CP. Ngoài ra, EIB tăng hơn 3%; VPB, SHB, VIB cùng tăng hơn 2%, các mã lớn hơn như VCB, TCB, BID, hay TPB, OCB đang tăng hơn 1%...
Nhóm chứng khoán cũng hầu hết đều hồi phục với các mã dẫn đầu như SSI, HCM, VND, VCI đang tăng nhẹ trên dưới 1%.
Đáng kể là nhóm cổ phiếu thép đang tăng khá tốt sau chuỗi ngày giảm sâu với các mã lớn như HPG và HSG cùng tăng hơn 3%, NKG tăng trên dưới 5%, SMC và TLH cũng tăng hơn 3,5%. Trong đó HPG cũng lấy lại sức nóng khi thanh khoản thuộc top 5 cổ phiếu dẫn đầu thị trường, đạt hơn 10 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi các mã POW, ROS, LDG, HQC, FLC, SCR, ITA, LCG… đảo chiều giảm, thì nhiều mã khác như TTF, FIT, AMD, HAI… vẫn giao dịch khởi sắc. Đáng kể là HNG mở cửa tiếp tục duy trì sắc tím lên mức giá 12.550 đồng/CP và lượng dư mua trần đang chất đống với hơn 11,7 triệu đơn vị.
Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến thị trường dần thu hẹp đà tăng. Chỉ số VN-Index lùi về mức giá thấp nhất trong ngày khi sắc đỏ dần chiếm áp đảo trên thị trường.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 190 mã tăng và 259 mã giảm, VN-Index tăng 3,38 điểm ( 0,23%) lên 1.460,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 519,38 triệu đơn vị, giá trị 15.151,9 tỷ đồng, giảm 31% về khối lượng và 39,38% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,34 triệu đơn vị, giá trị 396,67 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng không còn giữ phong độ khi nhiều mã lớn quay đầu điều chỉnh, trong đó VIC để mất 0,7% và chốt phiên đứng tại mức giá 95.300 đồng/CP, cùng các mã SSI, PDR, FPT cũng giảm nhẹ.
Cổ phiếu POW sau thông tin Nhà máy Vũng Áng gặp sự cố kỹ thuật và ước lỗ trước thuế 124 tỷ đồng trong quý IV, là quý thua lỗ đầu tiên kể từ khi lên sàn chứng khoán, đã giảm sâu, thậm chí có thời điểm nằm sàn. Chốt phiên sáng nay, POW giảm 6,2% xuống mức giá 17.350 đồng/CP với thanh khoản bùng nổ lên tới xấp xỉ 47 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng HDB vẫn là mã tăng tốt nhất trong nhóm VN30 khi chốt phiên tăng 3% lên mức 27.650 đồng/CP. Các mã tăng tốt khác có NVL và HPG cùng tăng hơn 2%; còn TPB, BID, VPB, TCB, BVH, VCB, MBB tăng hơn 1%...
Trong khi nhóm bluechip dù hạ độ cao nhưng vẫn là điểm tựa chính giúp thị trường bảo toàn sắc xanh, thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lại đang chịu áp lực xả bán mạnh mẽ. Bên cạnh POW và LDG thiếu chút nữa nằm sàn, các mã khác như ROS, HAG, FLC, HQC, DLG, TTF, ITA, SCR, FIT, LCG, AMD… đồng loạt giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Ngoại trừ HNG vẫn duy trì sức nóng sau khi tỷ phú Trần Bá Dương chia sẻ thông tin thu 1 tỷ USD từ xuất khẩu chuối. Chốt phiên sáng nay, HNG vẫn đứng tại mức giá trần 12.550 đồng/CP với khối lượng khớp 5,59 triệu đơn vị và dư mua trần 11,26 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ đà hồi phục. Ngoại trừ ACB và VIB giảm nhẹ chưa tới 0,5%, còn lại đều giữ sắc xanh và hầu hết đều tăng hơn 1%, đáng kể có EIB tăng 4,11%, HDB và SHB cùng tăng 3%.
Nhóm cổ phiếu thép dù có chút giảm nhiệt nhưng đồng loạt vẫn giữ đà tăng với HPG, HSG, TLH, SMC tăng 2%, NKG tăng tốt nhất nhóm đạt 3,5%, POM nhích nhẹ gần 1%.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán vẫn chưa “bình phục”. Sau tín hiệu hồi phục đầu phiên, áp lực bán nhanh chóng quay lại khiến nhiều mã chứng khoán quay đầu điều chỉnh như VND, SSI, TVB, ORS, BSI, AGR, APG.
Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục chịu áp lực chốt lời sau chuỗi ngày dài tăng nóng với BCM giảm 4,3%; các mã DIG, KBC, KDH, VCG, TCH, DXG… đều giảm hơn 1%.
Nhóm dầu khí cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường nhưng hầu hết vẫn giữ được đà tăng nhẹ như GAS tăng 0,4%, PLX tăng 0,9%, PVD tăng 1,9%...
Trên sàn HNX, thị trường cũng hạ độ cao về cuối phiên do áp lực bán gia tăng.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 94 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index giảm 7,73 điểm (-1,71%), xuống 445,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 75,23 triệu đơn vị, giá trị 1.985,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,82 triệu đơn vị, giá trị 71,53 tỷ đồng.
Cổ phiếu CEO tiếp tục bị bán mạnh có thêm phiên giảm điểm khi để mất 3,4%, chốt phiên sáng nay đứng tại mức giá 57.300 đồng/CP, nhưng khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HNX, đạt 6,64 triệu đơn vị. Đây là mã giảm sâu nhất trong nhóm HNX30, bên cạnh TVC giảm 2,2%, LAS và TAR cùng giảm 2%...
Trái lại, PVC là mã tăng tốt nhất khi chốt phiên tăng 4,4% lên mức 16.700 đồng/CP.
Tuy nhiên, đóng góp tích cực giúp thị trường giữ nhịp tăng là IDC khi chốt phiên tăng 3% lên mức 72.100 đồng/CP, ngoài ra, THD, VCS, SHS, PVS đều tăng nhẹ.
Cặp đôi cổ phiếu ngân hàng là BAB đã lấy lại mốc tham chiếu, trong khi NVB cũng ghi nhận mức giá cao nhất trong phiên sáng nay khi tăng 1,4% lên 29.000 đồng/CP.
Ở nhóm chứng khoán cũng kém tích cực hơn về cuối phiên với nhiều mã như APS, ART, HBS, IVS, PSI, VIG đảo chiều giảm; còn SHS, MBS tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Trên UPCoM, áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên cũng khiến thị trường lùi về sát mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng nhẹ 0,05 điểm ( 0,05%) lên 109,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 97,44 triệu đơn vị, giá trị 1.129,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,16 triệu đơn vị, giá trị 140,4 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn duy trì sắc xanh nhưng đã lùi về mức giá thấp nhất trong phiên tại 22.900 đồng/CP, tăng 1,8% và khối lượng giao dịch đạt 4,89 triệu đơn vị.
Trong khi đó, bộ đôi nhỏ là KSH và PVX mới là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, nhưng chốt phiên đều trong sắc đỏ. Chốt phiên, KSH giảm 9,8% xuống sát mức giá sàn 4.600 đồng/CP và khớp 12,35 triệu đơn vị; còn PVX giảm 3,2% xuống 6.100 đồng/CP và khớp 6,93 triệu đơn vị.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp