24/10/2018 15:37
Phát hiện hạt nhựa trong cơ thể người, đã đến lúc hạn chế dùng đồ nhựa?
Hạn chế sử dụng ống hút, ly nhựa, bịch ni lông đựng thực phẩm, đồ uống… có thể giúp chúng ta tránh được mối nguy nhiễm hạt nhựa vào cơ thể.
Thông tin Các nhà khoa học Áo đã phát hiện nhiều dạng hạt nhựa siêu nhỏ, có kích cỡ từ 50 đến 500 micromet (1/1000mm) trong phân người. Việc phát hiện này có tác hại gì đối với sức khỏe con người hay không sẽ còn phải tiếp tục nghiên cứu, nhưng kết quả nghiên cứu khiến không ít người giật mình bởi những thói quen tiêu dùng hàng ngày sử dụng quá nhiều các vật dụng từ nhựa, đặc biệt các dụng cụ sử dụng một lần.
Theo ông Nguyễn Trần Tùng, Giám đốc truyền thông Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, người ta tìm thấy hạt nhựa siêu nhỏ trong 83% mẫu nước uống từ vòi, và trong 93% mẫu nước uống đóng chai.
Những loại ống hút từ cây cỏ bàng thay thế ống hút nhựa ngày càng phổ biến. |
Việc tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất trong đồ nhựa dùng một lần (như BPA, styrene) được cho là sẽ gây nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, viêm gan, dị ứng, rối loạn hệ thần kinh, rối loạn nội tiết và vô sinh. Cho nên, xu hướng tiêu dùng giảm thải rác thải nhựa không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang khuyến khích.
Tại TP.HCM hiện không ít người tiêu dùng, đa phần là các bạn trẻ hình thành thói quen hạn chế sử dụng ống hút, túi ni lông hay ly nhựa dùng một lần.
Khoa, sinh viên năm thứ 4, Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết, nhiều loại ống hút trên thị trường hiện nay khi đưa lên mắt quan sát mặt trong của ống còn thấy rõ lớp bột nhựa phủ như lớp phấn mỏng. Lớp bột này sẽ theo nước uống đi vào cơ thể người dùng.
“Một ngày uống vài ly nước, sử dụng vài chiếc ống như vậy, còn chưa kể vi nhựa (hạt nhựa siêu nhỏ) từ ly dùng một lần, bịch ni lông… Qua ngày tháng không biết bao nhiêu vi nhựa được nạp vào cơ thể…”, Khoa chia sẻ.
Theo sinh viên này, anh cùng nhiều bạn bè của mình từ lâu có thói quen hạn chế tối đa việc sử dụng ống hút và ly nhựa. Có người dùng ống hút từ cỏ bàng, dùng xong bỏ cũng không gây hại cho môi trường vì là vật liệu hữu cơ, tự phân hủy. Có người dùng dùng ống hút mang theo. Thường là ống hút làm từ inox, tre, dùng xong có thể rửa và mang về.
Xu hướng này hiện khá phổ biến. Tại nhiều vùng như Long An hiện đã xuất hiện cả những vùng nguyên liệu (cỏ bàng, tre, trúc) và các cơ sở thủ công chuyên gia công những loại ống hút thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe này.
Tại TP.HCM, có hàng trăm, hàng ngàn quán cà phê. Một quán hạng trung bình mỗi ngày bán ra khoảng 150-170 ly đồ uống và ít nhất một nửa trong số đó dùng tới ống hút. Nếu cộng dồn lượng ống hút, ly nhựa mà những quán này thải ra mỗi năm cũng là một lượng nhựa khổng lồ. Chúng không chỉ gây hại cho môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng.
Tại một diễn đàn về kinh doanh tối giản diễn ra tại TP.HCM cách đây chưa lâu, chị Mai Thị Thúy Hằng, người sáng lập Xanhshop, (mô hình kinh doanh thực phẩm thuận theo tự nhiên) chia sẻ sau 5 năm thực hiện chương trình kinh doanh "bớt một cọng rác". Bằng việc sử dụng túi vải giao hàng, cửa hàng của chị giảm được tới hơn 10.000 túi nilon lớn mỗi năm.
Không những vậy, cửa hàng dùng các loại lá chuối, lá sen, lá dong, túi giấy để gói rau, củ, quả giảm hơn 80.000 túi nilon nhỏ mỗi năm. Các sản phẩm chế biến như bánh mứt, bánh trung thu, bánh dẻo, socola; đồ khô như bún phở khô, tép, … cũng dùng túi giấy ước tính giảm trên 10.000 túi nilon...
Theo Hằng, việc hạn chế sử dụng vật liệu nhựa thàng ngày không khó. Nhưng phải làm từ sự tự giác chứ không phải làm hình thức. Chị dẫn chứng, không ít bạn trẻ tham gia phong trào này. Chẳng hạn, họ dùng ống hút bằng tre, inox, hay cỏ bàng… nhưng chiếc ống hút thân thiện với môi trường đó lại được cắm trong những chiếc ly nhựa dùng một lần thì cũng đâu còn nhiều ý nghĩa nữa?
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp