27/03/2017 09:04
Pháp luật bảo vệ trẻ em: Còn nhiều "khoảng trống" với xâm hại tình dục
Xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí dẫn tới trẻ em bị tử vong hoặc trẻ em tự tử. Đáng lo ngại hơn cả, đối tượng xâm hại tình dục trẻ em đa phần là những người quen, họ hàng, hàng xóm. Trước tình trạng này, chín cơ quan nhà nước đã cùng ngồi lại để thống nhất giải pháp tăng cường công tác phòng, chống tội phạm tình dục trẻ em.
Trẻ 4 tuổi cũng bị xâm hại tình dục
Theo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008-2010, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta trong những năm gần đây có diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội. Bạo lực, xâm hại trẻ em hiện không chỉ diễn ra trong cộng đồng hay tại nơi làm việc mà còn diễn ra ngay tại gia đình, nhà trường và các cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung.
Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chỉ triêng năm 2016, cả nước xảy ra 1.248 vụ và có 1.211 trẻ em bị xâm hại tình dục. Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết, trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi.
“Đặc biệt trẻ em bị xâm hại tình dục có cả những em bé tuổi mầm non, hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em, thậm chí thầy giáo, nhân viên bảo vệ nhà trường xâm hại tình dục nhiều học sinh; người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ em nhỏ tuổi. Một số vụ hiếp dâm mang tính loạn luân như cha dượng hiếp dâm con riêng của vợ, cha đẻ hiếp dâm con gái ruột trong một thời gian dài,” Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Đại điện Bộ Y tế, Vụ trưởng Vụ Pháp chế ông Nguyễn Huy Quang cho biết thêm, hàng năm các cơ sở y tế giám định khoảng 2.000 vụ xâm hại tình dục và tình trạng này có chiều hướng gia tăng, trong đó, các vụ xâm hại tình dục liên quan tới trẻ vị thành niên chiếm 1/3. Chỉ riêng trong quý 1 năm nay, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã khám và chăm sóc cho 33 trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó trẻ ít tuổi nhất là bốn tuổi.
“Khoảng trống” trong pháp luật bảo vệ trẻ em
Về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có tới 9 cơ quan chịu trách nhiệm, gồm: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao. Chín cơ quan này đã cùng ngồi lại tập trung phân tích, làm rõ và đề xuất các giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, cách phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, pháp luật về bảo vệ trẻ em còn có nhiều “khoảng trống”. Pháp luật hình sự còn bỏ sót một số hành vi xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng như: Tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ em. Đặc biệt, pháp luật tố tụng hình sự quy định thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em chưa chú trọng đầy đủ đặc tính dễ bị tổn thương của trẻ em là nạn nhân của xâm hại.
Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng thừa nhận việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em đang gặp những khó khăn nhất định. Tội phạm dâm ô đối với trẻ em thường ít để lại dấu vết, nạn nhân càng nhỏ tuổi thì việc thu thập chứng cứ lại càng khó khăn hơn. Với những trường hợp này, để thu thập chứng cứ, tiến tới khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố, xét xử thường phức tạp.
“Đối với hành vi có dấu hiệu phạm tội dâm ô đối với trẻ em quy định tại điều 116 Bộ luật Hình sự, cơ quan ban hành pháp luật cần phải cụ thể hóa khái niệm, phải giải thích rõ ràng, cụ thể hơn về thế nào là hành vi dâm ô trong các văn bản pháp luật hiện hành. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, luật sư, cũng như toàn xã hội có căn cứ để xác định hành vi, đấu tranh với loại tội phạm dâm ô đối với trẻ em, " ông Nguyễn Hải Phong đề xuất.
Trong thực tế, việc xử lý vi phạm hành chính về xâm hại trẻ em ít được thực hiện mà chủ yếu tập trung vào các vi phạm hình sự nên tính phòng ngừa, răn đe yếu. Bên cạnh đó, các quy trình và hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ và bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng của bạo lực, xâm hại còn thiếu. Quy định xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân không tố cáo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi trẻ em bị xâm hại vẫn chưa có. Đây là những “khoảng trống” trong luật pháp về bảo vệ trẻ em cần được hoàn thiện trong thời gian tới
Advertisement
Advertisement