03/07/2023 08:24
Pháp điều động hơn 45.000 cảnh sát ứng phó biểu tình bạo lực, hơn 3.000 người bị bắt
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang trông cậy vào cơ quan thực thi pháp luật để lập lại trật tự sau gần một tuần bạo loạn trên toàn quốc, bắt nguồn từ vụ một cảnh sát bắn chết một thiếu niên da màu 17 tuổi.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp các bộ trưởng chủ chốt trong nội các vào hôm 2/7 trong nỗ lực mới nhất của ông nhằm đưa ra một phản ứng đối với bạo lực, điều đang thử thách quyền lực và khả năng thực hiện cải cách của ông.
Ông đang triển khai khoảng 45.000 cảnh sát, lực lượng đặc biệt và xe bọc thép để ngăn chặn các cuộc đụng độ khiến hàng trăm tòa nhà công cộng và cửa hàng bị hư hại hoặc bị lục soát ở các thành phố bao gồm Paris, Marseille, Lyon và Strasbourg.
Đợt bạo loạn bùng lên ở Pháp sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên trở thành cuộc khủng hoảng nguy hiểm và không mong muốn đối với Tổng thống Emmanuel Macron, trong bối cảnh ông đang nỗ lực tạo dấu ấn cho nhiệm kỳ 2 của mình.
Cái chết của cậu bé da màu trở thành "giọt nước tràn ly" liên quan đến sự bất bình đẳng chủng tộc ở Pháp và những tuyên bố về phân biệt đối xử của cảnh sát, được so sánh với phản ứng của Mỹ đối với vụ sát hại George Floyd vào năm 2020.
Macron sẽ gặp khoảng 220 thị trưởng Pháp vào ngày 4/7 để thảo luận về tình hình, Agence France-Presse đưa tin sau cuộc hội đàm nội các.
Cuộc bạo loạn lần này nổ ra sau khi Chính phủ Pháp chấm dứt được đợt biểu tình kéo dài nửa năm để phản đối kế hoạch cải cách lương hưu gây tranh cãi.
Hình ảnh những cửa hàng bị cướp bóc và xe buýt bị đốt cháy trên khắp đất nước có nguy cơ làm tổn hại đến vị thế quốc tế của Tổng thống Macron, vào thời điểm nhà lãnh đạo này muốn đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Vivien A. Schmidt, giáo sư về hội nhập châu Âu tại Đại học Boston, cho biết qua email: "Điều Macron cần làm là phát triển các chính sách thực tế để giải quyết các vấn đề mà những thanh niên này gặp phải. Tuy nhiên, thật không may, rõ ràng là anh ta thậm chí còn chưa nhận ra vấn đề".
Bà của Nahel đã kêu gọi sự bình tĩnh vào hôm chủ nhật với BFM TV, bà cho rằng những kẻ bạo loạn đang sử dụng cái chết của cậu vào ngày 27/6 như một "cái cớ" để có thể cướp bóc và đập phá.
Các cuộc bạo loạn, chủ yếu là do thanh niên từ các khu dân cư thuộc tầng lớp lao động, một lần nữa vạch trần những hố sâu xã hội. Một số cuộc đụng độ bạo lực nhất đã xảy ra ở thành phố cảng Marseille, nơi mà ông Macron đã đến thăm vào tuần trước để cam kết giúp đỡ cho các dự án cộng đồng.
Trước đó, Tổng thống Macron cũng lên tiếng cho rằng, các nền tảng mạng xã hội và trò chơi điện tử đã góp phần thổi bùng bạo loạn.
"Các nền tảng mạng xã hội và internet đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện gần đây. Chúng tôi đã thấy các ứng dụng như Snapchat, TikTok và một số ứng dụng khác đóng vai trò là nền tảng tổ chức các cuộc tụ tập bạo lực", ông Macron nhận định.
Tổng thống Pháp còn nhấn mạnh rằng, giới trẻ đang xuống đường để hành động theo "các trò chơi điện tử khiến họ say sưa", đồng thời kêu gọi các bậc cha mẹ giữ con cái của họ ở nhà.
Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire hôm thứ bảy đã thống kê thiệt hại đối với khoảng một chục trung tâm mua sắm và hơn 700 siêu thị, ngân hàng và cửa hàng, một số trong đó đã biến thành đống đổ nát. Gần đến cao điểm của mùa du lịch hè, các quốc gia bao gồm Vương quốc Anh đã đưa ra cảnh báo du lịch cho Pháp.
Phe đối lập Pháp ở cả hai cực chính trị coi cuộc khủng hoảng là bằng chứng cho thấy chính phủ không đảm bảo an toàn công cộng và thu hẹp chênh lệch kinh tế.
Các chính trị gia bao gồm cả nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen đã tập hợp để lên án một vụ tấn công đặc biệt - vụ đâm một chiếc ô tô đang cháy vào nhà của thị trưởng L'Hay-les-Roses, ngoại ô Paris, khiến vợ và 1 đứa con của ông bị thương trong vụ việc. Khi ấy, ông đang ở trong tòa thị chính để theo dõi tình hình các vụ biểu tình.
Tổng số người bị bắt lên hơn 3.000 người. Hàng trăm cảnh sát và lính cứu hỏa đã bị thương trong các cuộc đụng độ với người biểu tình.
Tình trạng bất ổn lao động và các cuộc biểu tình trên đường phố diễn ra thường xuyên ở Pháp nhưng đã mang một sắc thái đối đầu và dữ dội hơn trong những năm gần đây, phản ánh sự chia rẽ trong xã hội Pháp. Trước các cuộc biểu tình về lương hưu và đại dịch, cái gọi là phong trào Áo vàng đã gây ra thiệt hại tài sản trên diện rộng.
(Nguồn: Bloomberg)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement